Phát triển học thuật số, cụ thể là ứng dụng công nghệ số vào hoạt động học thuật, đã trở thành một xu hướng trong các trường đại học trên thế giới. Các trường đại học tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Kết quả nghiên cứu được trình bày trong bài viết này là một phần thuộc dự án nghiên cứu lớn hơn được thực hiện nhằm đề xuất một mô hình dịch vụ học thuật số cho Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Bài viết này tập trung trình bày kết quả nghiên cứu liên quan đến nhận thức của cộng đồng đại học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đối với khái niệm học thuật số. Để đạt được mục tiêu này, nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn sâu để thu thập dữ liệu từ một nhóm mẫu mục tiêu gồm 31 cá nhân là lãnh đạo nhà trường, quản lý thư viện, giảng viên, học viên sau đại học và sinh viên đến từ sáu trường thành viên và Thư viện Trung tâm của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng khái niệm học thuật số được cộng đồng đại học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận diện theo ba quan điểm chính gồm (1) Học thuật số là việc ứng dụng công nghệ vào tất cả hoạt động học thuật; (2) Học thuật số là ứng dụng công nghệ vào một loại hoạt động học thuật, cụ thể là vào giảng dạy và học tập, hay vào việc cung cấp và sử dụng tài liệu số; (3) Học thuật số là ứng dụng công nghệ trong quản lý các hoạt động học thuật của trường đại học. Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy vẫn còn một bộ phận trong cộng đồng đại học chưa nhận biết hoặc chưa quen thuộc với khái niệm học thuật số.
Check Also
Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất sản phẩm nori từ rong Porphyra thu hoạch ở vùng biển Khánh Hòa
Bài viết tập trung khảo sát, đánh giá giá trị dinh dưỡng và tính an …