Trong quá trình lao động hằng ngày, nhiều nông dân chân đất ở huyện miền núi Xuân Lộc (Đồng Nai) tuy trình độ văn hóa không cao nhưng đã tự mày mò chế tạo ra nhiều loại máy móc, dụng cụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm thiểu nhân công lao động, hạ giá thành đầu tư và đem đến lợi nhuận cao hơn trên cùng một diện tích đất sản xuất.

Máy cắt cỏ tự động do nông dân Bùi Văn Luyện (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) sáng chế. Ảnh: N.Hoàng
Mê sáng chế, chế tạo và cải tiến
Từ những khó khăn trong lao động, sản xuất, lão nông Bùi Văn Luyện, ngày đêm tự tìm tòi nghiên cứu và năm 2020, chiếc máy cắt cỏ tự động đầu tiên do ông chế tạo đã ra đời.
Chiếc máy với nhiều tiện lợi và công năng như cắt cỏ được trên tất cả các địa hình, ít tiêu tốn nhiên liệu và công suất cắt gấp 4 lần so với máy cắt tay được bán trên thị trường.
Ông Luyện cho hay, công năng chiếc máy này có thể cắt cỏ được 1ha đất/ngày với lượng nhiên liệu tiêu tốn tầm 3 lít dầu trị giá trên 60 ngàn đồng.
Nhờ đó, công việc làm vườn cũng nhẹ nhàng hơn so với trước đây. Nông dân chỉ việc ngồi trên xe và vừa điều khiển xe dạo cắt, vừa theo dõi cây trồng trong vườn xem có bệnh tật, sâu rầy không để xử lý.
Nói về kinh nghiệm chế tạo máy cắt cỏ tự động của mình, ông Luyện chia sẻ: “Mình dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu về ưu nhược điểm của các loại máy cắt cỏ trên thị trường, tìm ra nguyên lý hoạt động của các động cơ cho phù hợp…, từ đó, rút kinh nghiệm làm cho sản phẩm, hạn chế tối đa nhược điểm.
Ngoài phần động cơ máy và linh kiện phải mua, hay tận dụng các vật có sẵn ở nhà tôi cũng tranh thủ thời gian rảnh rỗi lân la vào các tiệm phế liệu mua lại những thiết bị cũ để tái sử dụng nhằm giảm chi phí đầu tư”.

Các đại biểu thuộc sở, ngành của tỉnh Đồng Nai và huyện Xuân Lộc tham quan mô hình máy cắt cỏ tự động của nông dân Bùi Văn Luyện tại vườn trồng sầu riêng ở xã Xuân Định.
Theo ông Luyện, khó nhất trong quá trình hoàn thiện sản phẩm là phần chế dao băm cây, lúc đầu máy chỉ cắt được cỏ chứ không thể băm, tôi phải nghiên cứu “độ” dao thành mâm cắt, phần mâm chế thêm bộ phận băm cành, nên hiện nay máy hoạt động rất hiệu quả.
“Ngoài ra, trong quá trình đẩy xe đi cắt, người điều khiển cũng khá mệt do đi bộ nhiều, tôi nghiên cứu và chế thêm ghế và bánh xe để ngồi, vậy là chiếc máy cắt cỏ tự động và đa năng đã được hoàn thiện” – ông Luyện nói.
Không những chế tạo ra máy cắt cỏ tự động, ông Luyện còn chế tạo ra các loại máy hỗ trợ khác như: máy cắt cỏ gốc sầu riêng đẩy tay, máy băm vụn cành lá để làm phân, máy thổi lá và máy lùa gom lá… Từ khi được máy móc hỗ trợ, công việc nhàn hạ hơn, làm việc không tốn quá nhiều công sức nên gia đình ông luôn vui vẻ và “nghiện” luôn việc ra vườn lao động.
Bên cạnh đó, gia đình ông còn lắp đặt hệ thống tưới nước, bón phân và phun thuốc tự động, đã góp phần giảm được chi phí đầu vào, tăng năng suất và chất lượng đầu ra.