Trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020, PGS. TS. Nguyễn Thùy Dương cùng các cộng sự tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sự phát xạ khí radon (220Rn, 222Rn) trong môi trường karst khu vực Đông Bắc Việt Nam”.
Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu xác định được nồng độ khí radon (222Rn và 220Rn) trong môi trường karst (nhà ở, nơi canh tác trồng trọt ở các hố sụt, các hang động sử dụng sản xuất và khai thác du lịch) ở một số vùng điển hình Đông Bắc Việt Nam (ví dụ Cao nguyên đá Đồng Văn); nghiên cứu các yếu tố (địa chất, kiến tạo, thời tiết và môi trường) ảnh hưởng đến nồng độ radon (222Rn và 220Rn) trong môi trường karst Đông Bắc Việt Nam; đánh giá mức độ ảnh hưởng của khí radon (222Rn và 220Rn) đến sức khỏe cộng đồng trong môi trường karst ở một số vùng đông bắc Việt Nam; và đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu sự tiếp xúc với khí radon của cộng đồng dân cư sống và lao động trong môi trường karst.
Đề tài đã xác định và bước đầu chứng minh giả thuyết về nồng độ 222Rn trong hệ thống hang động được đưa lên từ dưới sâu thông qua các đứt gãy kiến tạo cùng với carbon dioxid (CO2) và nồng độ khí radon có mối liên quan với nhiệt độ môi trường. Cụ thể, nồng độ radon trong môi trường không khí hang động karst trong mùa lạnh thấp hơn trong mùa nóng, nồng độ radon và carbon dioxid tại một số khe nứt nhỏ trong hang có giá trị lên tới 31,000 Bq m-3 (222Rn) và nồng độ CO2 cao gấp 3 lần giá trị trung bình không khí hang. Khi nhiệt độ bên ngoài cao hơn trong hang, tốc độ lưu thông không khí trong hang rất kém gần như bị ứ đọng, tạo điều kiện thuận lợi cho radon tập trung với nồng độ cao. Ngược lại, trong mùa lạnh, sự lưu thông không khí trong hang và bên ngoài diễn ra mạnh mẽ hơn, khí radon khó có thể được tích tụ với nồng độ cao. Đề tài đã xây dựng được sơ đồ nồng độ khí radon trong môi trường karst cho Cao nguyên đá Đồng Văn.
Trong môi trường không khí nhà ở, đặc biệt là trong kiểu nhà trình tường truyền thống, 220Rn (thoron) được phát hiện có nồng độ cao đến rất cao đặc biệt tại những vị trí gần sát tường. Khác với radon (222Rn) bị chi phối bởi nhiều yếu tố như độ lưu thông không khí, áp suất không khí, thoron (220Rn) gần như ít bị tác động hơn do chu kỳ bán rã ngắn (55,6 giây). Tuy nhiên, nồng độ thoron (220Rn) ở giữa các kiểu nhà truyền thống ở Cao nguyên đá Đồng Văn ở mức rất cao, gấp từ 8, 5 lần so với mức trung bình của thoron trong không khí, kéo theo mức phơi nhiễm phóng xạ đối với người dân sinh sống tại khu vực karst ở mức đáng báo động.
Đề tài đã công bố 4 bài báo trên các tạp chí uy tín trong đó 2 bài báo thuộc tạp chí ISI và 2 bài báo thuộc tạp chí chuyên ngành trong nước. Đề tài cũng tham gia 4 báo cáo khoa học đăng kỷ yếu hội thảo trong đó 3 hội thảo quốc tế và 1 hội thảo trong nước.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17934/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)