Luận cứ khoa học nhằm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sinh kế bền vững và phát triển kinh tế – xã hội ở Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An

Trong những năm vừa qua, việc bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) và Di sản văn hóa (DSVH) đô thị cổ Hội An ở Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An đã và đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức: áp lực từ du khách tăng đột biến, công tác bảo tồn và phát triển KT-XH, lợi ích và sinh kế cộng đồng, cơ chế chính sách quản lý, nguồn gây ô nhiễm môi trường từ đất liền, thiên tai – thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Theo đó môi trường sống của nhiều loài sinh vật quý hiếm, đặc hữu trong Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An cũng sẽ có những thay đổi.

Trong bối cảnh đó, để đảm bảo hoạt động bảo tồn ĐDSH và DSVH ở Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An đạt hiệu quả, đòi hỏi phải nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học tính khả thi để hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn ĐDSH với sinh kế bền vững (SKBV) và phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) của địa phương, trên cơ sở đó thiết lập được các mô hình quản lý, sử dụng tài nguyên ĐDSH hiệu quả với sự tham gia tích cực của cộng đồng, các doanh nghiệp trong bối cảnh tác động của BĐKH và nước biển dâng. Đó là lý do nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Uông Đình Khanh tại Viện Địa lý thuộc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Luận cứ khoa học nhằm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sinh kế bền vững và phát triển kinh tế – xã hội ở Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An” trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2020.

Đề tài hướng đến thực hiện những mục tiêu sau: có được luận cứ khoa học nhằm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn ĐDSH với SKBV và phát triển KTXH ở Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An; có được mô hình quản lý, phục hồi và sinh kế sử dụng tài nguyên ĐDSH với sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng ở Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An; và đề xuất được giải pháp bảo tồn và phát triển tài nguyên gắn với sinh kế cộng đồng và phát triển KTXH ở Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An.

Một số kết quả nổi bật của đề tài:

– Đã tiến hành điều tra, khảo sát, cập nhập đầy đủ cơ sở dữ liệu về ĐDSH, tài nguyên và môi trường ở Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An. Về ĐDSH được đánh giá theo Hệ SINH THÁI, thành phần loài và mức độ đa dạng của chúng cũng như nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên do các Hệ sinh thái mang lại

– Kết quả định giá kinh tế và đánh giá tiềm năng sinh kế thông qua lượng giá kinh tế dịch vụ các hệ sinh thái ở Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An lợi nhuận trung bình của một người dân trong một năm khai thác trên hệ sinh thái có thể ước tính được giá trị trung bình mà hệ sinh thái đem lại trong một năm là 8,365 tỷ đồng. Một phần giá trị đó là cung cấp sinh kế cho người đân địa phương từ 2 dạng chủ yếu.

– Đề tài đã xác lập được 05 luận cứ khoa học nhằm hài hòa giữa bảo tồn ĐDSH và sinh kế bền vững và phát triển KTXH ở Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An là cơ sở cho xây dựng mô hình và đề xuất các giải pháp bảo tồn phát triển tài nguyên gắn với sinh kế cộng đồng.

– Đề tài đã xây dựng thử nghiệm 02 mô hình thực nghiệm gắn bảo tồn ĐDSH với sinh kế sử dụng tài nguyên có sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng ở Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm- Hội An; đó là Mô hình phát triển du lịch sinh thái dựa vào bảo tồn ĐDSH tại xã Cẩm Thanh (lựa chọn cho vùng đệm) và Mô hình đồng quản lý phục hồi rạn san hô với sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (lựa chọn cho vùng lõi). Cả 2 mô hình xây dựng thử nghiệm đã đạt hiệu quả cả về mặt môi trường, kinh tế, xã hội, bước đầu đóng góp cho bảo tồn ĐDSH và nâng cao mức sống cho người dân trong Khu Dự trữ sinh quyển.

– Đã đề xuất các giải pháp bảo tồn ĐDSH gắn với sử dụng tài nguyên và sinh kế Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An với các giải pháp điều chỉnh phân vùng chức năng; nhóm giải pháp phát triển sinh kế bổ trợ và sinh kế thay thế; nhóm giải pháp đầu tư phát triển nguồn nhân lực đáp ứng công tác quản lý, bảo tồn; giải pháp xây dựng kế hoạch và gắn nhãn sinh thái cho các sản phẩm thương mại của Khu Dự trữ sinh quyển; giải pháp về kế hoạch hành động và cơ chế tài chính cho công tác bảo tồn ĐDSH; giải pháp phát triển du lịch sinh thái và giải pháp xây dựng bộ chỉ thị ĐDSH và quan trắc ĐDSH ở Khu Dự trữ sinh quyển.

Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần thúc đẩy Khu Dự trữ sinh quyển CLC – HA ngày càng phát huy hơn nữa vai trò tích cực trong việc bảo tồn các giá trị ĐDSH và DSVH đô thị cổ Hội An

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17938/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)

Về admin

Check Also

Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi

Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật là …