1. Đặc điểm hình thái
Nấm hầu thủ có hình dáng khá giống hầu thủ (có lẽ chính vì vậy nên loại nấm này còn được gọi là nấm đầu khỉ). Nấm được bao bọc bởi một chùm tua nấm dày đặc bên ngoài, khi còn non các tua có màu trắng sau già chuyển sang màu vàng nâu nhưng phần này lại chứa ít dinh dưỡng. Nấm hầu thủ non có màu trắng hay trắng ngà, thịt nấm màu trắng, khi già có màu vàng hoặc vàng sậm, các tua nấm chính là lớp bào tầng, có chiều dài từ 0,5 – 3cm.
2. Công dụng của nấm hầu thủ
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh nấm hầu thủ có nhiều tác dụng như: Hiệu quả tốt trong điều trị bệnh Alzheimer; làm chậm quá trình lão hoá và phục hồi các neuron thần kinh; tăng cường hệ miễn dịch; các hợp chất trong nấm có tác dụng điều chỉnh lượng lipid máu và giảm lượng đường trong máu… Đặc biệt, các chất chiết xuất từ nấm hầu thủ có tác dụng giảm thấp nhất tác hại của xạ trị và hoá trị trong điều trị ung thư.
Y học hiện đại gần đây đã chỉ ra rằng nấm hầu thủ có tác dụng kích thích mạnh mẽ đến não bộ và hệ thần kinh đặc biệt là khả năng tái tạo các nơron thần kinh, cải thiện và tăng cường trí nhớ cho người dùng.
Ngoài ra nấm còn được dùng làm thực phẩm sạch chế biến ra nhiều món ăn dinh dưỡng.
3. Nguyên liệu và xử lý nguyên liệu
Nấm hầu thủ được nuôi trồng trên giá thể là các loại mùn cưa gỗ mềm như bồ đề.
Nguyên liệu bao gồm: Mùn cưa đủ ẩm 90% (hoặc mùn cưa đủ ẩm 50%, bông phế liệu đủ ẩm 40%), cám gạo 6%, bột ngô 3%, bột nhẹ 1%.
Mùn cưa được tạo ẩm bằng nước vôi 1%ủ từ 24-36h tùy độ mềm của mùn cưa.
Bông phế liệu được làm ẩm bằng nước vôi và ủ từ 24 – 48h trước khi phối trộn.
Nếu sử dụng bông cần xé tơi bông trước khi đóng bịch. Phối trộn đều mùn cưa với các chất phụ gia còn lại. Độ ẩm đạt 60 – 65%, pH từ 5-6.
4. Đóng túi và hấp khử trùng
Nguyên liệu được đóng bịch và hấp khử trùng để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, có hại cho nấm có trong nguyên liệu.
Sử dụng túi nilon chịu nhiệt kích thước 18 x 30cm hoặc 17 x 35cm
Cho giá thể đã phối trộn vào túi, nén đều, chặt túi trọng lượng 0,6 hoặc 1,2kg/túi, tạo lỗ giữa túi có đường kính khoảng 1,5cm tạo sự thoáng khí. đeo cổ nút vào bịch, nhét nút bông vào cổ và đậy nắp cổ nút lại.
Hấp khử trùng bịch trong lò hấp bằng hơi nước từ 14 – 16h, nhiệt độ 100oC không có áp suất. Nếu hấp trong nồi áp lực thì hấp ở áp suất 1atm thời gian 60 – 120 phút.
Lấy bịch ra để nguội
5. Cấy giống nấm và chăm sóc.
Để trồng nấm hầu thủ thành công khâu chọn giống rất quan trọng. Giống tốt sẽ cho năng suất cao và tỉ lệ bệnh hại ít, vì vậy bà con cần tham khảo các giống nấm hầu thủ ở những nơi uy tín để đảm bảo chất lượng. Sau khi lựa chọn được giống hiệu quả, bà con tiến hành cấy giống vào bịch.
Phòng cấy giống cần phải sạch sẽ thoáng mát và đảm bảo vệ sinh. Trước khi cấy, bà con phun khử trùng để loại bỏ các loại nấm hại và vi khuẩn có thể ảnh hưởng đến quá trình cấy nấm. Chuẩn bị đèn cồn, que cấy, bông gòn sạch. Cồn 70 độ để xịt khử trùng tay vào bịch nấm.
Cấy giống nấm hầu thủ trong phòng và box cấy vô trùng, bốc có thể tự thiết kế đơn giản. Tỷ lệ giống từ 1 – 1,2% (6 -7g giống/bịch).
Sau khi cấy giống xếp các bịch vào giá duy trì nhiệt độ nuôi sợi từ 22- 28 độ C, độ ẩm không khí 60 – 70%, mỗi ngày mở cửa thông khí từ 1 – 2 giờ. Giai đoạn hình thành hệ sợi không cần ánh sáng.
Thời gian nuôi sợi khoảng 25 ngày, sợi ăn gần kín bịch tiến hành nới nút bông, lúc này tăng cường độ sáng để xúc tiến hình thành quả thể. Tạo độ thoáng khí, Hạ nhiệt độ xuống 18 – 20độC
Tăng độ ẩm phòng nuôi sợi, chăm sóc từ 80 – 90% bằng hệ thống phun sương từ 1-2 lần/ngày.
Khi quả thể bám vào nút bông và phát triển qua cổ nút thì tăng lượng nước tưới, sau khoảng 10 – 15 ngày quả thể đã đủ lớn có đường kính từ 10 – 12cm có thể tiến hành thu hái.
6. Thu hái:
Thời gian sinh trưởng và phát triển của nấm hầu thủ là 40- 45 ngày kể từ khi cấy giống. Cần lựa chọn đúng thời điểm thu hái để nấm cho năng suất và chất lượng tốt nhất. Với nấm hầu thủ thời điểm thích hợp để hái là khi các bào tử đảm có màu trắng, chưa phát tán ra không khí. Nếu thu hoạch quá muộn quả thể nấm sẽ xốp và chuyển sang màu vàng làm giảm chất lượng. Khi hái bà con sẽ hái cả cụm nấm không để sót lại phần gốc nấm.
Sau khi hái hết một đợt nấm thì dừng tưới nước 5-7 ngày rồi lại tiến hành chăm sóc như bình thường để nấm tiếp tục phát triển. Sau thời gian thu hoạch của một vụ nấm, bịch nấm không còn khả năng ra nấm nữa bà con tiến hành thu dọn và xử lý bịch nấm.
PV (Tổng hợp)