Nghiên cứu dự báo nguy cơ tai biến trượt lở mái dốc dọc các tuyến giao thông trọng điểm miền núi tỉnh Quảng Nam và đề xuất giải pháp ứng phó

Tỉnh Quảng Nam với sáu huyện miền núi có địa hình rất đa dạng và cấu trúc địa chất rất phức tạp và xung yếu, đặc biệt là các hoạt động tân kiến tạo gây ra sự phân cắt địa hình mạnh mẽ. Do địa bàn rộng lớn, nhiều núi cao lại có nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện, sông ngòi chia cắt, nên về mùa mưa lũ, một số tuyến giao thông miền núi phải đối mặt với tình trạng bị chia cắt do trượt lở mái dốc. Tương tự như nhiều khu vực khác ở Việt Nam, tình trạng trượt lở mái dốc thường xuyên xảy ra trong mùa mưa và có xu hướng trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thực tế này cùng với những ảnh hưởng bất lợi của hoạt động nhân sinh, ở tỉnh Quảng Nam nói chung, các tuyến giao thông huyết mạch miền núi nói riêng luôn có nguy cơ về trượt lở mái dốc. Những năm gần đây, hiện tượng trượt lở mái dốc xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại một số đoạn thuộc đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ 40B, Trường Sơn Đông, 14D, 14E, 14B, tỉnh lộ 604, 610, 611, 616. Tại Quảng Nam, mưa lớn trong các ngày 3 đến 6 tháng 11 năm 2017 đã gây thiệt hại nghiêm trọng mang tính lịch sử về người và cơ sở vật chất, đặc biệt các các đường giao thông. Các thực tế trên cho thấy, rất cần thiết phát triển hệ phương pháp nghiên cứu và các công cụ thích hợp để giảm thiểu mức độ tổn thương liên quan đến tai biến trượt lở. Rõ ràng, biến đổi khí hậu đang mang đến nhiều nguy cơ và thiệt hại hơn liên quan đến trượt lở. Một số khu vực định cư an toàn của con người sẽ bị thu hẹp. Bên cạnh đó, các hoạt động nhân sinh như khai đào mái dốc, xây dựng hồ chứa phục vụ phát triển thủy điện đã và đang gây ra các hiện tượng động đất kích thích, làm gia tăng nguy cơ mất ổn định mái dốc dọc các tuyến giao thông trọng điểm miền núi tỉnh Quảng Nam. Do vậy việc nghiên cứu hiện trạng, nguyên nhân và từ đó dự báo nguy cơ trượt lở mái dốc dọc các tuyến giao thông trọng điểm miền núi tỉnh Quảng Nam là rất cần thiết.

Về Nguyễn Xuân Tâm

Check Also

Thiết kế, tổng hợp, nghiên cứu tính chất phát quang, khả năng xúc tác và hoạt tính chống ung thư của phức chất platin với một số phối tử carbene dị vòng nitơ

Trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn …