Bệnh ký sinh trùng đường tiêu hóa gây tác hại rất lớn đến sinh trưởng, phát triển của dê, cừu; chúng còn là nguyên nhân, cơ hội cho một số bệnh truyền nhiễm phát sinh, làm thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi.Từ thực tế trên, kết hợp với quá trình điều tra, khảo sát, nghiên cứu, thử nghiệm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng quy trình hướng dẫn phòng, trị bệnh ký sinh trùng đường tiêu hóa cho dê, cừu để giúp bà con chăn nuôi tỉnh nhà có thêm hiểu biết so sánh, phân biệt một số bệnh mà có biện pháp phòng trị bệnh cho hữu hiệu.
Dê sưng hầu, mặt do bị sán lá gan
* Triệu chứng chung
– Cơ thể gầy yếu, thiếu máu, niêm mạc nhợt nhạt, lông xù, cơ thể gầy sút, lông rụng từng mảng, lông da không bóng mượt.
– Tiêu chảy kéo dài, các vùng thấp của cơ thể tích nước thủy thủng
– Đi lại chậm chạp hay nằm hoặc đi rớt sau đàn.
* Triệu chứng dặc trưng
** Bệnh sán lá gan
– Tiêu chảy lúc lỏng, lúc đặc, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu, đôi khi có triệu chứng thần kinh.
– Thể mãn tính dê cừu gầy yếu, da khô, lông xù, phù thũng ở cổ và ngực.
– Thể cấp tính con vật thường chết đột ngột.
** Bệnh sán lá dạ cỏ
Dê cừu mắc bệnh sán lá dạ cỏ thường tiêu chảy hoặc táo bón. Niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu, phù thũng ở những vùng thấp của cơ thể, lông xù, chậm lớn, da khô.
** Bệnh sán dây
Làm cho dê, cừu ăn ít, khát nước, phân nhão chuyển dần sang lỏng có máu và chất nhày, trong phân có lẫn các đốt sán, dê cừu gầy nhanh, cơ thể suy nhược, một số dê cừu có triệu chứng thần kinh (run rẩy, đi vòng, đầu lúc lắc), thú lờ đờ do mất chất dinh dưỡng quá nhiều.
** Bệnh giun tròn
Dê cừu nhiễm các bệnh giun tròn thường: Thiếu máu, kém ăn chậm chạp, kém hoạt bát, ăn uống bất thường, tiêu chảy phân màu xanh nhạt ( bệnh giun xoăn), cơ thể gầy còm, bụng chướng,ỉa chảy( bệnh giun lươn), tiêu chảy phân có lẫn máu(bệnh giun tóc), Dê cừu nhiễm giun tròn thường gầy ốm nên có thể chết ở trạng thái thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng.
* Bệnh tích đặc trưng khi mổ khám
** Bệnh sán lá gan
Gan sưng, mặt gan bị rỗ do sán ký sinh và di hành tạo nên, gan có màu nâu sẫm, sau đó viêm xơ gan có nhiều sợi fibrin, có nhiều điểm thoái hóa hoại tử màu trắng, ống dẫn mật viêm tăng sinh dày, lòng ống dẫn mật dãn rộng có lẫn máu và mũ. Khi dê cừu nhiễm sán lá gan, mổ ra gan và ống dẫn mật có sán.
Niêm mạc dạ cỏ bị viêm loét, gai dạ cỏ bị tổn thương dễ bong tróc. Xoang bụng có dịch nhờn màu hồng, hạch lâm ba thoái hóa, túi mật sưng to. Khi mổ khám dạ cỏ có chứa sán.
** Bệnh sán dây
Thành ruột phình to, niêm mạc ruột viêm loét nơi đầu sán bám bị xuất huyết , có thể bị tắc ruột phân không lưu thông, xoang bụng tích nước. khi dê cừu nhiễm sán dây mổ khám ruột non có sán dây.
** Bệnh do nhóm giun tròn
Dê cừu mắc các loại giun tròn thường biểu hiện bệnh tích: Xoang ngực, xoang bụng tích nước thủy thũng màu vàng, niêm mạc dạ múi khế có nhiều mụn loét, xuất huyết chảy máu, viêm cata nhày (bệnh giun xoăn).
– Bệnh giun tóc: Niêm mạc ruột có những nốt loét to bằng hạt đậu xanh, toàn bộ manh tràng xuất huyết( khi nhiễm nặng), niêm mạc ruột bong ra, ruột già có dịch màu hồng sẫm.
– Bệnh giun lươn: có những điểm tụ huyết, viêm khí quản, viêm cata ruột, niêm mạc dạ dày có viêm cata nhiều nốt loét.
Tất cả dê cừu nhiễm loại giun tròn khi mổ khám đều phát hiện có giun ở các vị trí trong bộ máy tiêu hóa.
* Biện pháp phòng bệnh ký sinh trùng đường tiêu hóa dê, cừu
** Các biện pháp phòng bệnh chung
– Công tác vệ sinh:
+ Chuồng trại: Nên làm chuồng sàn bằng gỗ hoặc tre, thường xuyên quét dọn sàn nền chuồng ngày 1 lần, tẩy rửa sàn chuồng, xịt thuốc sát trùng 1 tuần/lần. + Cơ thể gia súc: Nên tắm chải (nhất là cừu) ít nhất 2 lần/ tháng.
+ Thức ăn, nước uống: Chủ động có nguồn thức ăn đầy đủ, sạch và giàu dinh dưỡng, máng ăn phải quét dọn thường xuyên; nước uống phải đảm bảo sạch sẽ, nguồn nước không bị ô nhiễm, máng uống phải cọ rửa hàng ngày.
+ Xử lý phân và chất dộn chuồng: Phân quét dọn thu gom đến nơi quy định để ủ tạo nhiệt nhằm diệt trứng và đốt sán trong phân (sán dây) và một số ấu trùng của giun tròn.
– Công tác quản lý đàn dê cừu:
+ Nhập đàn: Dê, cừu mới nhập về phải nuôi cách ly ít nhất 14 ngày trước khi cho nhập chung đàn để theo dõi tình trạng sức khỏe và tẩy giun, sán.
+ Xuất đàn: Ngoài việc xuất dê, cừu thịt để bán, cần đánh giá, giám định loại thải những dê, cừu cái sinh sản kém hoặc thể trạng kém để đảm bảo cho vật nuôi sạch bệnh và có sức sản xuất cao.
** Các biện pháp cụ thể hạn chế sự phát triển ký chủ trung gian của các loại giun, sán
– Phòng tránh bệnh sán lá: Cần diệt nơi khu trú của vật chủ trung gian như tháo nước ở những vùng nước đọng lâu ngày trên bãi chăn thả và diệt ốc nước ngọt bằng CuSO4 (nồng độ 3- 4%).
– Phòng tránh bệnh sán dây: Phát quang bụi rậm nhằm hạn chế nơi cư trú của các loại ký chủ trung gian (côn trùng cánh cứng và loài nhện đất); mùa mưa nên thả muộn, về sớm (bởi vì nhện đất và các loại côn trùng hoạt động mạnh ẩm độ trong đất cao).
– Phòng tránh bệnh giun tròn: Hạn chế chăn thả chung với các bầy gia súc khác trên một đồng cỏ, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, thu gom phân và ủ phân để tạo nhiệt làm chết ấu trùng trứng giun tròn và đốt sán dây; định kỳ mỗi tuần phun xịt chuồng trại 1 lần bằng các loại hóa chất như Benkocid, Iodine, …. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng nhất là dê, cừu sinh sản.
** Một số biên pháp phòng bệnh bằng thuốc
Ø Phòng bệnh theo vùng sinh thái: Theo kết quả điều tra, nghiên cứu tùy theo từng vùng chăn thả mà sử dụng các loại thuốc tẩy giun, sán khác nhau:
ü Vùng đồng bằng:
Gồm các xã: Phước Hậu, Phước Hữu, Phước Dân, Phước Thuận,…(huyện Ninh Phước); Xuân Hải, Hộ Hải,… (huyện Ninh Hải); Nhơn Sơn, Mỹ Sơn,…(huyện Ninh Sơn); Thành Hải, Mỹ Hải, Tấn Tài,…(thành phố Phan Rang Tháp Chàm).
Đây là vùng phát triển của các cây trồng cần nước nên hệ thống kênh mương, ao hồ phân bố dày là điệu kiện thuận lợi cho loài ốc nước ngọt phát triển (vật chủ trung gian cho các loài sán lá). Vì vậy, chăn nuôi dê, cừu ở vùng này cần chú ý tẩy trừ các loài sán lá như: Sán lá gan, Sán lá dạ cỏ.
Thuốc sử dụng cho dê, cừu để tẩy sán lá gan gồm:
– Dovenix: liều sử dụng 1ml/25 kg thể trọng (tiêm dưới da)
– Albendazol: liều sử dụng 1ml/10 kg thể trọng (cho uống)
Do vùng này có nguy cơ nhiễm sán lá gan cao nên đề nghị áp dụng tẩy định kỳ 3 lần/năm (4 tháng/ lần) vào các tháng 3, 8 và tháng 12 hàng năm.
ü Vùng ven biển:
Gồm các xã: Phước Diêm, Phước Dinh (huyện Thuận Nam); An Hải (huyện Ninh Phước); Tri Hải, Phương Hải, Nhơn Hải, Thanh Hải (huyện Ninh Hải.
Vùng này bãi chăn thả dê, cừu đa phần là đất cát, xen kẻ có bụi rậm cây thấp, bãi bỏ hoang nên dễ tồn tại các loại nhện đất (là ký chủ trung gian của loài sán dây). Dê, cừu vùng này nên dùng thuốc tẩy loài sán dây.
Thuốc dùng tẩy sán dây: Albendazol: liều sử dụng 1ml/10 kg thể trọng (cho uống).
Do loại sán dây nhiễm ở dê, cừu không theo quy luật nhất định, nên người chăn nuôi tẩy cho dê, cừu non sau cai sữa và chú ý dê cừu sinh sản. Vì vậy, lịch tẩy áp dụng 2 lần/năm (6 tháng 1 lần) vào tháng 5 và tháng 10 hàng năm.
ü Vùng trung du miền núi:
Gồm các xã: Hòa Sơn, Lâm Sơn, Quảng Sơn,…(huyện Ninh Sơn); Công Hải, Phước Chiến,…(huyện Thuận Bắc); Phước Thái, Phước Vinh (huyện Ninh Phước); Phước Hà (huyện Thuận Nam).
Đây là vùng tập trung bà con dân tộc ít người, trình độ tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, hơn nữa dê, cừu thường chăn nuôi chung nhiều loài gia súc trên một bãi chăn, điều kiện chuồng trại vệ sinh còn hạn chế; theo điều tra thực tế chúng tôi ghi nhận vùng này có tỷ lệ nhiễm các loại giun tròn tương đối phổ biến, loại giun tròn thường lây nhiễm trực tiếp cho nên công tác vệ sinh đồng cỏ thu gom phân và chất độn chuồng là rất quan trong.
Đối với dê cừu có tỷ lệ nhiễm các loại giun tròn cần dùng các loại thuốc sau đây để tẩy:
– Doramectin: Liều sử dụng cho dê cừu 1ml/50 kg (tiêm dưới da, tiêm bắp)
– Albendazol: liều sử dụng 1ml/10 kg thể trọng ( cho uống)
Lịch dùng thuốc tẩy: 2 lần/năm (6 tháng/lần) vào các tháng 4 và tháng 9 hàng năm.
Ø Phòng bệnh theo tuổi:
Yếu tố tuổi tác có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ nhiễm giun sán đối với dê, cừu. Qua điều tra, chúng tôi nhận thấy tuổi dê, cừu càng lớn có tỷ lệ nhiễm các loại sán lá rất cao, đối với loại giun tròn nhiễm ở giai đoạn thú non cao hơn thú già hoặc loại sán dây nhiễm không theo quy luật tuổi tác. Vì vậy, để có biện pháp phòng trị giun sán có hiệu quả theo tuổi, chúng tôi đề ra một số giai đoạn để người chăn nuôi dê, cừu tham khảo áp dụng.
ü Đối với lớp sán lá:
Người chăn nuôi dê, cừu có lịch tẩy thường xuyên nhưng quan tâm nhiều đến dê, cừu sinh sản, tuổi dê, cừu càng lớn tỷ lệ nhiễm càng cao.
Thuốc dùng để tẩy loại sán lá:
– Dovenix: liều sử dụng 1ml/25 kg thể trọng (tiêm dưới da)
Định kỳ 1 năm 2 lần, dê cừu từ 2 năm tuổi trở lên nên chia lịch tẩy 3 lần/năm (4 tháng/lần).
– Albendazol: liều sử dụng 1ml/10 kg thể trọng ( cho uống)
Nên tẩy cho dê cừu 2 lần/năm vào tháng 7 và tháng 12 hàng năm.
ü Loại sán dây:
Loại này nhiễm trên dê cừu thường không theo quy luật nhất định, tỷ lệ nhiễm cao ở dê, cừu non, nhiễm cao nhất ở dê cừu trưởng thành, ở dê cừu giai đoạn 2 năm trở lên.
Thuốc dùng để tẩy sán dây:
Albendazol: liều sử dụng 1ml/10 kg thể trọng ( cho uống)
Nên tẩy 2 lần/ năm vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm.
ü Loại giun tròn:
Loại giun này thường lây nhiễm trực tiếp, chăn nuôi kém vệ sinh rất dễ mắc loại này. Giun tròn nhiễm nặng trên tất cả các lứa tuổi của dê cừu.
Thuốc dùng để tẩy giun tròn:
– Doramectin: Liều sử dụng cho dê cừu 1ml/50 kg ( tiêm dưới da, tiêm bắp)
– Albendazol: liều sử dụng 1ml/10 kg thể trọng ( cho uống)
Lịch dùng thuốc: tẩy 2 lần/năm vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm
Nơi nào điều kiện chăn nuôi, vệ sinh đồng cỏ kém, chăn thả nhiều loại gia súc trên một đồng cỏ nên tẩy 3 lần/năm. Đồng thời, thay đổi phương thức chăn nuôi từ quãng canh sang bán thâm canh để quản lý đàn nhằm hạn chế bệnh tật cho dê cừu.
Ø Biện pháp phòng bệnh theo mùa vụ:
Do điều kiện nóng ẩm của Ninh Thuận gần như quanh năm nên giun sán tồn tại và phát triển quanh năm. Vì vây, để hạn chế hữu hiệu trực tiếp của ký chủ trung gian và môi trường chăn thả kém vệ sinh với dê cừu là rất khó.
Để tẩy trừ giun sán theo mùa vụ người chăn nuôi ngoài các biện pháp vệ sinh tổng hợp ở chuồng nuôi, bãi chăn thả cần phải dùng một số loại thuốc để tẩy:
ü Mùa mưa: Là mùa phát triển ký chủ trung gian của sán lá gan (các loại ốc nước ngọt), thuận lợi cho các loại nhện đất ký chủ trung gian của loại sán dây phát triển nên người chăn nuôi dê, cừu phải dùng thuốc tẩy cho dê, cừu trước mùa mưa vào tháng 8 và sau mùa mưa vào tháng 12 hàng năm. Đối với địa bàn huyện Ninh Sơn, Bác Ái thường xuất hiện mưa sớm nên tập trung tẩy vào tháng 4 và tháng 8 hàng năm.
Thuốc sử dụng:
– Dovenix: liều sử dụng 1ml/25 kg thể trọng (tiêm dưới da);
– Albendazol: liều sử dụng 1ml/10 kg thể trọng (cho uống);
ü Mùa khô: Là mùa kéo dài nhất trong năm có nhiệt độ và ẩm độ phù hợp cho các giai đoạn phát triển của ấu trùng gây nhiễm tồn tại trên bãi chăn khi dê cừu ăn phải ấu trùng sẽ vào cơ quan tiêu hóa, gây bệnh cho dê cừu.
Người chăn nuôi cần áp dụng thuốc và lịch tẩy cho dê, cừu như sau:
– Thuốc Doramectin: Liều sử dụng cho dê cừu 1ml/50 kg (tiêm dưới da, tiêm bắp);
– Albendazol: liều sử dụng 1ml/10 kg thể trọng ( cho uống);
Lịch dùng thuốc trong năm vào tháng 2 và tháng 6 hàng năm.
Nơi điều kiện vệ sinh nuôi dưỡng chăm sóc kém nên tẩy 3 lần trong năm (tháng 2, 6 và tháng 11 hàng năm).
Ghi chú: Nếu sử dụng liệu pháp phòng trị ký sinh trùng đường tiêu hóa cho dê cừu có 2 loại thuốc, người chăn nuôi nên chia lịch tẩy cách nhau 15 đến 20 ngày dùng một loại thuốc là tốt nhất.
* Giới thiệu cách sử dụng một số thuốc tẩy ký sinh trùng đường tiêu hóa dê cừu
** Albendazol: Dung dịch thuốc dạng uống của hãng Pfize dễ sử dụng, phổ rộng dùng phòng và kiểm soát giun sán đường tiêu hóa dê cừu.
Liều lượng: 1ml/10 kg thể trọng ( cho uống)
** Doramectin: Dung dịch dạng tiêm của hãng Pfize sản xuất. Doramectin dùng tẩy xổ và kiểm soát nhóm giun tròn đường tiêu hóa dê cừu.
Liều lượng: 1ml/50 kg thể trọng ( tiêm dưới da, tiêm bắp)
** Dovenix: Dạng dung dịch tiêm của hãng Merial. Dovenix dùng để tẩy các loại sán lá nhất là sán lá gan cho dê cừu.
Liều lượng: 1ml/10 kg thể trọng (tiêm dưới da).
Nguồn: (sonnptnt.ninhthuan)