Hiện nay, người tiêu dùng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh với vài thao tác đơn giản quét mã vạch là có thể biết rõ thông tin về xuất xứ, chất lượng trái cây, nông sản trước khi mua về sử dụng.
Trái cây xuất khẩu buộc phải có mã số vùng trồng. Trong ảnh: Đóng gói chuối xuất khẩu tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên
Minh bạch nguồn gốc, chất lượng trái cây, nông sản được xem là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin với người tiêu dùng.
* Quét mã QR, biết cây trồng ở đâu
Trước đây, chỉ một số vùng sản xuất, cơ sở làm hàng xuất khẩu đi các thị trường khó tính mới quan tâm thực hiện bài bản các yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, người tiêu dùng trong nước ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng thực phẩm nói chung, trái cây nói riêng. Theo đó, việc xây dựng mã số vùng trồng rất cần thiết nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo.
Tìm kiếm được những nhà vườn có đặc sản trái ngon, đảm bảo an toàn là một trong những thông tin được chị Nguyễn Thị Tin và nhóm bạn là khách du lịch từ tỉnh Nghệ An đến tham quan và vui chơi tại Tuần lễ Tôn vinh trái cây Đồng Nai vừa diễn ra tại TP.Long Khánh đặc biệt quan tâm. Chị Tin rất thích thú dùng điện thoại thông minh quét mã QR tại gian hàng trưng bày đặc sản trái cây ngon của TP.Long Khánh để tìm hiểu thông tin về các nhà vườn cho trái ngon, an toàn để cùng nhóm bạn đến vui chơi, thưởng thức trái ngon.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở NN-PTNT đã trình công nhận 5 vùng trồng chuối và 2 cơ sở đóng gói chuối để xuất khẩu. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 113 mã số vùng trồng và 46 mã số nhà đóng gói xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand… với hàng chục ha cây trồng, chủ yếu là cây ăn trái đã được cấp mã số vùng trồng. |
Chị Tin chia sẻ: “Chúng tôi chọn về TP.Long Khánh chơi vào mùa trái cây hè vì muốn được trải nghiệm niềm vui du lịch vườn, thưởng thức những đặc sản trái ngon nổi tiếng ở vùng đất này. Vì là du khách ở nơi khác đến nên chúng tôi rất quan tâm việc tìm hiểu thông tin trước để chọn được nhà vườn có trái ngon, an toàn”.
Cũng nhằm mục tiêu quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng về vườn trái ngon, an toàn của gia đình, chủ vườn du lịch sinh thái Sáu Hùng (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) Lâm Phi Hùng đã chủ động tham gia mô hình thí điểm gắn mã QR trên cây trồng. Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR này là được cung cấp đầy đủ thông tin về chủ vườn, địa chỉ, số điện thoại, chủng loại giống và năng suất bình quân của mỗi loại cây, tọa độ, vị trí địa lý để định dạng, định vị cây trên Google Map. Nhà vườn đang tiếp tục cập nhật các thông tin về quy trình sản xuất, nhật ký canh tác… để minh bạch nhất về độ an toàn cũng như chất lượng trái ngon.
Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở KH-CN Lê Xuân Trường nhận xét: “Trái chôm chôm Long Khánh và bưởi Tân Triều (H.Vĩnh Cửu) là những đặc sản mang tính đặc thù của địa phương đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh nhiều chương trình hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho đặc sản trái cây nói riêng, nông sản nói chung, nhằm đáp ứng ngày càng tốt tiêu chuẩn của cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
* Nông dân tích cực tham gia
Để đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải tuân thủ các quy định sản xuất an toàn, đặc biệt là phải ghi nhật ký sản xuất… Đây là một trong những rào cản khiến nông dân e ngại tham gia.
Tuy nhiên, xây dựng mã số vùng trồng cũng mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho người nông dân như: chuẩn hóa quá trình chăm sóc và quản lý cây trồng; quản lý được diện tích trồng, số lượng cây trong vườn, đưa ra được quy trình chuẩn trong chăm sóc cây trồng; giúp theo dõi lịch sử chăm sóc cây, cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất… Từ đó, cây trồng mới cho chất lượng trái ngon, đồng đều, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất.
Tổ trưởng Tổ hợp tác Xoài Phú Quý 2 (xã La Ngà, H.Định Quán) La Quốc Thanh cho biết, những nông dân được cấp mã số vùng trồng phải tuân thủ quy trình sản xuất sạch, phải thực hiện bao trái xoài và ghi nhật ký sản xuất nên tốn nhiều công và chi phí hơn. Tuy nhiên, hiện nông dân được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều, nhất là về kinh phí thực hiện. Nông dân ngày càng quan tâm vì chương trình này sẽ mang lại nhiều ích lợi lâu dài cho nông dân, nhất là khi minh bạch về nguồn gốc, chất lượng thì trái cây ngon của địa phương được người tiêu dùng nhận biết tốt và có đầu ra bền vững hơn.
Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.Long Khánh Trần Văn Việt vui vẻ khoe, khách đến gian hàng trưng bày các sản phẩm trái cây ngon của TP.Long Khánh có thể dễ dàng dùng điện thoại thông minh quét mã QR để tìm hiểu thông tin sản phẩm này có nguồn gốc từ nhà vườn nào, quy trình sản xuất an toàn như thế nào…
TP.Long Khánh có nhiều đặc sản trái cây ngon nên rất chú trọng phát triển du lịch vườn. Theo đó, thành phố rất chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất trái cây sạch theo chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ đáp ứng nhu cầu sản phẩm trái cây ngon, an toàn của du khách. Người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng trái cây ngon nên chúng tôi đang triển khai làm thí điểm để từ hiệu quả thực tế thuyết phục nông dân tích cực tham gia.
Bình Nguyên
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y Đồng Nai NGUYỄN TRƯỜNG GIANG: Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Không chỉ trái cây, rau củ quả, Đồng Nai còn là địa phương vừa sản xuất, vừa tiêu thụ các sản phẩm thịt heo; thịt, trứng gia cầm rất lớn. Theo đó, tỉnh rất chú trọng triển khai các đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn, nhất là theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Chương trình thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ngày càng thu hút đông đảo doanh nghiệp, cơ sở giết mổ và các trang trại chăn nuôi tham gia. Đến nay, toàn tỉnh đã có 535 trang trại đăng ký tham gia khai báo chăn nuôi trên phần mềm quản lý chăn nuôi Te-Food (hệ thống phần mềm quản lý đàn chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh) với 374 trại được xác nhận thông tin.
Việc thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc thực phẩm sẽ giúp quản lý chăn nuôi thuận lợi hơn, đồng thời nâng giá trị cho nông sản Đồng Nai và hướng đến xuất khẩu.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành hàng bán lẻ Việt Nam HOÀNG SƠN CÔNG: Nông sản Việt Nam thiệt thòi vì thiếu minh bạch
Nông sản chưa minh bạch về nguồn gốc và chất lượng là điểm yếu của nền nông nghiệp và chính người nông dân chịu thiệt hại. Hiện người tiêu dùng hầu như không rõ những món mình ăn hằng ngày được nuôi trồng kiểu gì, có sạch và an toàn không.
Sự minh bạch này phát bắt đầu từ chính người nông dân làm ra sản phẩm. Tức là vườn rau, vườn cây ăn trái này của ai, người này có tử tế hay không để khi chúng tôi nêu tên các chủ vườn đó lên mạng xã hội thì có hàng ngàn, thậm chí hàng vạn ánh mắt nhìn vào con người đó.
Ngoài ra, tôi rất chú trọng đến truyền thông. Chúng tôi luôn khuyến khích nông dân quay video clip hằng ngày về hoạt động sản xuất và đưa thông tin đó lên mạng xã hội là những phương tiện không mất tiền, nói cách khác là “khoe” thành tích của mình làm ngay từ những bước đầu. Ở đây, vai trò của giám sát viên cộng đồng rất quan trọng, vì minh bạch nguồn gốc nông sản không chỉ là chuyện riêng của từng nông dân mà gắn với lợi ích của cả vùng sản xuất, ai làm không tử tế thì sẽ không được nằm trong cộng đồng tử tế và nếu ai mạo danh cộng đồng đó thì lập tức bị phát hiện và hàng sẽ không bán được. Người tiêu dùng cũng thông qua mạng xã hội để nắm mọi thông tin về vườn sản xuất từ cách làm, chất lượng đến sản lượng…
Nguồn:baodongnai.com.vn