Việc xây dựng và áp dụng rộng rãi các mô hình quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp tiêu chuẩn hóa quá trình hoạt động, giảm thiểu lãng phí và rủi ro đối với hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Viện Năng suất Việt Nam do ThS. Nguyễn Thế Cường dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Xây dựng mô hình điểm áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng (ISO 50001), Hệ thống quản lý an toàn thông tin ISO 27000, Hệ thống quản lý tinh gọn Lean, Duy trì Hiệu suất thiết bị tổng thể TPM và Chỉ số đánh giá hoạt động chính KPIs” từ năm 2015 đến năm 2016 để hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.
Đề tài nhằm xây dựng mô hình điểm về áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến, năng suất chất lượng nhằm tạo cơ sở cho việc tuyên truyền, phổ biến và thúc đẩy áp dụng rộng rãi tại các tổ chức, doanh nghiệp như ISO 50001, ISO/IEC 27001, Lean, TPM và KPIs; tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp Việt Nam; tạo sự thay đổi nhận thức về các phương pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Một số kết quả nổi bật của đề tài:
-Đã hướng dẫn áp dụng các hệ thống, công cụ tại 89 công ty điểm (21 doanh nghiệp áp dụng ISO 50001, 18 doanh nghiệp áp dụng ISO/IEC 27001, 10 doanh nghiệp áp dụng TPM, 25 doanh nghiệp áp dụng Lean, 15 doanh nghiệp áp dụng KPIs), từ đó, xây dựng được cách thức, phương pháp áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam, phục vụ cho định hướng và kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.
-Đã xây dựng được nền tảng về chuyên môn cho đội ngũ chuyên gia tư vấn về phương pháp giảng dạy, cách thức hướng dẫn áp dụng các hệ thống, công cụ tại doanh nghiệp. Từ đó, các chuyên gia tích lũy kiến thức và kinh nghiệm để có thể tiếp tục giảng dạy và hướng dẫn. Các nhóm tham gia vào dự án tại các doanh nghiệp cũng là nguồn nhân lực được đào tạo và trang bị kiến thức, kinh nghiệm áp dụng các hệ thống công cụ. Các nhóm tham gia được đào tạo, hướng dẫn thực hành sẽ là nòng cốt để nhân rộng mô hình tại chính các doanh nghiệp đã áp dụng điểm, đồng thời tiếp tục học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khác.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16700/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Theo: N.P.D (NASATI)