Thực hiện chủ trương của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam và chỉ đạo của Bộ Giao thông về tăng cường kết nối cảng biển và các phương thức vận tải, đã có một số đề án và đề tài nghiên cứu như: Đề án “Kết hợp hài hòa các phương thức vận tải từ Hải Phòng đến Lào Cai”; đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2015 “Nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất kết hợp hài hòa các phương thức vận tải trên các hành lang, áp dụng thí điểm trên hành lang từ Hải Phòng đến Lào Cai”; đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2016 “Nghiên cứu xây dựng phương án tổ chức vận chuyển container trên đường sắt kết nối các phương thức vận tải trên trục Bắc – Nam”.
Các đề tài, đề án đã tập trung vào giải quyết vấn đề kết nối các phương thức vận tải để giảm tải áp lực vận chuyển hàng hóa cho một số tuyến đường bộ ở phía Bắc, nâng cao năng lực và chất lượng công tác tổ chức vận chuyển container bằng đường sắt. Tuy nhiên, hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu nào tập trung vào vấn đề đánh giá hiệu quả tổ chức kết nối vận tải đường sắt (VTĐS) với các phương thức vận tải khác để vận chuyển luồng hàng nội địa nói chung và luồng hàng xuất nhập khẩu qua các cảng biển nói riêng. Thực tế hiện nay việc vận chuyển các luồng hàng này đi tiếp vào nội địa vẫn chủ yếu được thực hiện với chỉ một phương thức vận tải là vận tải ô tô. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải của vận tải ô tô, mất an toàn giao thông, chi phí vận tải đang ở mức rất cao trong tổng chi phí logistics, hiệu quả chuỗi cung ứng dịch vụ logistics của Việt Nam đang ở mức kém cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt VTĐS đang ở thế yếu do thiếu kết nối với cảng biển và các phương thức vận tải khác.
Để khắc phục tình trạng này, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả giải pháp kết nối vận tải đường sắt với các cảng biển và các phương thức vận tải khác nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng dịch vụ logistics” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2019. Chủ nhiệm đề tài là TS. Lê Thu Sao.
Đề tài nhằm mục tiêu:
-Đánh giá ảnh hưởng của việc thiếu kết nối giữa VTĐS với các cảng biển và các phương thức vận tải khác đến hiệu quả công tác vận chuyển hàng hóa và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng dịch vụ logistics ở Việt Nam.
-Xây dựng và đánh giá hiệu quả các giải pháp kết nối VTĐS với cảng biển và các phương thức vận tải khác. Trên cơ sở đó đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam và các bên liên quan xây dựng cơ chế chính sách đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải, quy hoạch hệ thống giao thông kết nối phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng dịch vụ logistics ở Việt Nam.
Sau hơn một năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả sau:
-Đánh giá hiện trạng hoạt động vận chuyển hàng hóa trên đường sắt và hiệu quả chuỗi cung ứng dịch vụ logistics ở Việt Nam và hiện trạng kết nối vận tải VTĐS với các cảng biển và các phương thức vận tải trong vận chuyển hàng hóa. Từ đó đánh giá ảnh hưởng của việc thiếu kết nối VTĐS với các cảng biển và các phương thức vận tải khác đến hiệu quả hoạt động vận chuyển hàng hóa và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng dịch vụ logistics ở Việt Nam.
-Nghiên cứu kinh nghiệm kết nối vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt với các cảng biển và các phương thức vận tải khác của một số đường sắt quốc gia có các đặc điểm tương đồng với đường sắt Việt Nam về điều kiện địa lý, mạng lưới vận tải kết nối vận tải nội địa và vận tải liên vận đường sắt đa quốc gia. Từ đó có những khuyến nghị lựa chọn phương án chức kết nối VTĐS với các cảng biển và các phương thức vận tải khác đến hiệu quả hoạt động vận chuyển hàng hóa và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng dịch vụ logistics ở Việt Nam.
-Đánh giá nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua các cảng biển đến năm 2020 và 2030; định hướng phát triển dịch vụ logistics và khả năng kết nối các phương thức vận tải ở Việt Nam trong giai đoạn tới.
-Đề xuất các phương án kết nối vận chuyển hàng hóa trên đường sắt với các cảng biển và các phương thức vận tải khác. Các phương án đề xuất hướng đến thực hiện mục tiêu đáp ứng tối đa nhu cầu vận chuyển hàng hóa; phù hợp với năng lực vận chuyển của các tuyến đường sắt hiện tại; tận lượng khai thác năng lực các tuyến đường sắt nhánh nối đến cảng biển và kết nối hợp lý với các phương thức vận tải khác, đảm bảo nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng dịch vụ logistics đường sắt.
-Đưa ra các khuyến cáo về thời gian thực hiện, hình thức đầu tư và giải pháp huy động vốn đầu tư cho các phương án kết nối đã đề xuất cùng các tiêu chí đánh giá nhà đầu tư để đảm bảo độ an toan và tính khả thi cao cho các phương án đề xuất.
-Xác định chi phí thực hiện các phương án tổ chức kết nối vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt với các cảng biển và phương thức vận tải khác làm cơ sở cho việc đánh giá hiệu quả các giải pháp kết nối vận chuyển hàng hóa trên đường sắt với các cảng biển và các phương thức vận tải khác nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16721/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Theo: N.P.D (NASATI)