Tiêm vắc xin chống lại một số protein được tìm thấy trên tế bào ung thư, có thể giúp tăng cường phản ứng của tế bào T đối với các khối u.
Trong thập kỷ qua, các nhà khoa học đã phát hiện ra tiêm chủng như là cách giúp chống lại căn bệnh ung thư. Các vắc xin ung thư được thiết kế để kích thích hệ miễn dịch của chính cơ thể tiêu diệt khối u, bằng cách tiêm các đoạn protein ung thư được tìm thấy trên khối u.
Cho đến nay, chưa có loại vắc xin nào trong số đó được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ chấp thuận, nhưng một số loại vắc xin ung thư có triển vọng trong các thử nghiệm lâm sàng để điều trị khối u ác tính và một số loại ung thư phổi. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học tại MIT đã phát hiện ra rằng việc tiêm vắc xin chống lại một số protein ung thư có thể tăng cường phản ứng tổng thể của tế bào T và giúp thu nhỏ khối u ở chuột. Cụ thể, việc tiêm vắc xin chống lại các loại protein xác định có thể giúp tái sinh các quần thể tế bào T bất hoạt nhằm vào các protein đó và tăng cường phản ứng miễn dịch tổng thể.
Tế bào T cạnh tranh
Khi các tế bào bắt đầu chuyển thành ung thư, chúng sinh ra các protein đột biến, không có ở các tế bào khỏe mạnh. Các protein ung thư này, còn được gọi là neoantigen, sẽ cảnh báo cho hệ miễn dịch của cơ thể về sự cố xảy ra và các tế bào T khi nhận ra các neoantigen đó, bắt đầu tiêu diệt các tế bào ung thư. Cuối cùng, các tế bào T rơi vào tình trạng được gọi là “cạn kiệt tế bào T”, xảy ra khi khối u tạo ra môi trường ức chế miễn dịch vô hiệu hóa các tế bào T, cho phép khối u phát triển không kiểm soát.
Các nhà khoa học hy vọng vắc xin ung thư có thể giúp trẻ hóa các tế bào T và giúp chúng tấn công khối u. Trong những năm gần đây, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các phương pháp xác định neoantigen trong các khối u của bệnh nhân để đưa vào sử dụng loại vắc xin ung thư được cá nhân hóa. Một số loại vắc xin này đã cho thấy có triển vọng trong các thử nghiệm lâm sàng để điều trị u ác tính và dạng ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng trong số hàng trăm neoantigen được tìm thấy trong hầu hết các khối u, chỉ số ít tạo ra phản ứng tế bào T. Nghiên cứu mới của MIT đã giải thích lý do vì sao. Trong các nghiên cứu trên chuột bị u phổi, khi tế bào T nhắm vào khối u phát sinh, các tập hợp con của tế bào T nhằm vào các protein ung thư khác nhau sẽ cạnh tranh với nhau, cuối cùng dẫn đến sự xuất hiện của một quần thể tế bào T chiếm ưu thế. Sau khi các tế bào T này “kiệt sức”, chúng vẫn ở trong môi trường và ngăn chặn bất kỳ quần thể tế bào T cạnh tranh nào nhằm vào các protein khác nhau được tìm thấy trên khối u.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng nếu tiêm vắc xin chứa các neoantigen là mục tiêu của các tế bào T bị ức chế cho chuột, họ có thể trẻ hóa các quần thể tế bào T đó.
Thu nhỏ khối u
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã thành công nhất định khi tiêm vắc xin neoantigen cho chuột bị u phổi. Các khối u của chuột thu nhỏ trung bình 27%. Sau khi tiêm, quần thể tế bào T bao gồm một loại tế bào có tiềm năng liên tục thúc đẩy phản ứng, cho phép kiểm soát lâu dài khối u.
Trong tương lai, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ thử nghiệm các phương pháp kết hợp giữa chiến lược tiêm vắc xin neoantigen này với các loại thuốc điều trị ung thư được gọi là chất ức chế điểm kiểm soát để loại bỏ các tế bào T đang “kiệt sức”, kích thích chúng tấn công các khối u.
Theo: vista.gov.vn