Không chỉ Khánh Hòa, tỉnh Bình Thuận cũng chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ tập trung theo quyết định số 833 bởi hiệu quả đầu tư chưa đảm bảo.
Doanh nghiệp chưa mặn mà
Ngày 4/5/2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định số 833/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đến năm 2030.
Hiện tỉnh Bình Thuận chủ yếu là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Ảnh: KS.
Theo đó, mục tiêu chung của đề án nhằm rà soát, điều chỉnh, bổ sung địa điểm xây dựng các cơ sở giết mổ trên địa bàn toàn tỉnh đáp ứng các điều kiện theo quy định; đồng thời tạo điều kiện, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giết mổ trên địa bàn.
Xóa bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc không phù hợp quy định, sắp xếp vào các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo các điều kiện theo quy định, cung cấp sản phẩm động vật an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm trên thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu, kết nối vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ (theo chuỗi), góp phần nâng cao hiệu quả trong giết mổ gia súc, gia cầm, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Đảm bảo vệ sinh môi trường, chủ động kiểm soát và khống chế, không để lây lan các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và lây bệnh sang con người.
Việc đầu tư cơ sở giết mổ tập trung rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: KS.
Theo đề án này, đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận hoàn thành việc xây dựng 39 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Trong đó, giai đoạn từ năm 2023 – 2025, toàn tỉnh nâng cấp và xây dựng mới 26 cơ sở giết mổ.
Theo bà Đỗ Thị Hương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Bình Thuận, trên cơ sở đề án trên, UBND các địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến và triển khai các nội dung tại quyết định số 833 đến cán bộ, công chức, đảng viên, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở giết mổ, các tổ chức, cá nhân và nhân dân biết, tổ chức thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã rà soát, lựa chọn vị trí đất phù hợp điều kiện xây dựng cơ sở giết mổ tập trung để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện làm căn cứ thực hiện thủ tục đất đai và đầu tư. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tham gia đầu tư vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có hiệu quả đầu tư chưa đảm bảo.
Do đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chỉ có 1 cơ sở giết mổ gia súc tập trung (dê) tại xã Đức Tín (Đức Linh), trong khi có đến 296 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.
Doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư giết mổ tập trung. Ảnh: KS.
Cũng theo bà Hương, đối với cơ sở giết mổ dê tập trung có cung cấp thịt cho các tỉnh, thành lân cận. Còn các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đang hoạt động tại các huyện, thị xã, thành phố chủ yếu cung cấp thịt gia súc, gia cầm cho nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương và một số địa phương liền kề có nhu cầu. Tuy nhiên điều đáng nói cơ sở giết mổ nhỏ lẻ này khiến cho việc quản lý dịch bệnh và an toàn thực phẩm rất khó khăn.
Cần cơ chế chính sách phù hợp để thu hút
Ngoài nguyên nhân các tổ chức, cá nhân chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng mới cơ sở giết mổ tập trung do hiệu quả chưa đảm bảo, bà Hương còn cho rằng, một số địa phương, công tác triển khai thực hiện xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, quản lý hoạt động giết mổ động vật chưa được quan tâm đúng mức.
Cùng với đó, việc kiểm tra, thanh tra và xử lý đối với tình trạng giết mổ trái phép chưa thường xuyên, quyết liệt và triệt để. Từ đó đã tạo điều kiện để các cơ sở giết mổ trái phép ngang nhiên hoạt động. Ngoài ra do chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ trong việc xây mới, nâng cấp, di dời cơ sở giết mổ hoặc chuyển đổi phương thức giết mổ nên gây tâm lý e dè cho các nhà đầu tư khi xây mới hoặc nâng cấp cơ sở giết mổ.
Trước thực trạng trên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Bình Thuận cho rằng, để thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung cần có chính sách hỗ trợ về vốn vay và tín dụng, cũng như ưu đãi về đất đai, cơ sở hạ tầng.
Hiện chăn nuôi ở tỉnh Bình Thuận cũng rất phát triển. Ảnh: KS.
Song song đó, miễn, giảm thuế và phí như: phí thẩm định đánh giá tác động môi trường, phí, lệ phí về cấp giấy phép vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ. Cam kết bao tiêu sản phẩm, “đặt hàng” công (khuyến khích các trường học, bệnh viện công, doanh nghiệp Nhà nước ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm giết mổ tập trung, tạo đầu ra ổn định). Ngoài ra, nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ.
Qua chia sẻ của Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Bình Thuận thấy rằng, cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư xây dựng, hoạt động đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn nhiều bất cập cũng là nguyên nhân khó kêu gọi các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.
Trong khi giết mổ động vật tập trung có vai trò quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh như lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi, xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Do đó, Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Bình Thuận kiến nghị các địa phương tiếp tục tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Quyết định số 833 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đến năm 2030.
Rà soát, bổ sung các vị trí đã lựa chọn vào quy hoạch và kế hoạch sử dụngđất cấp huyện làm căn cứ thực hiện thủ tục đất đai và đầu tư. Hướng dẫn, tạo điềukiện các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh động vật, sảnphẩm động vật phù hợp quy hoạch có liên quan và quy định ngành. Đồng thời, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ như đã nói ở trên.
Được biết, đến cuối năm 2024, tỉnh Bình Thuận có tổng đàn bò đạt 186.570 con (tăng 2% so năm 2023), đàn lợn đạt 406.000 con (tăng 5,8% so năm 2023), đàn gia cầm đạt 7.050 ngàn con (tăng 3,8% so năm 2023). Tổng sản lượng thịt hơi các loại năm 2024 ước đạt 106.000 tấn, tăng 7,5% so năm 2023.
Một chủ cơ sở giết mổ cho biết, khi chuyển sang giết mổ tập trung, chi phí giết mổ cao. Điều này sẽ không cạnh tranh được với các hộ giết mổ nhỏ lẻ có chi phí thấp. Mặt khác, nguồn kinh phí xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung rất lớn, nhất là đối với hạng mục xử lý chất thải, nước thải bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường hiện nay.
Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn