Nhiều mô hình nuôi con đặc sản tại Thanh Hóa như nhím, dúi, ba ba… mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nâng cao thu nhập, cả thiện cuộc sống.
Trang trại nhím của chị Lê Thị Trang (xã Hợp Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) có quy mô khoảng 200m2, hiện đang nuôi 130 con nhím.
Chuồng trại được chị Trang bố trí thành hai dãy, ở giữa có lối đi để thuận tiện trong việc vận chuyển thức ăn. Bên trong chuồng được chia thành nhiều ngăn nhỏ, có thể nuôi từ 4-8 con. Nhím là loài vật dễ nuôi, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí đầu tư thấp, thức ăn lại đơn giản, chủ yếu gồm rau muống, các loại bầu, bí, ngô…
“Mỗi ngày, nhím được cho ăn hai lần. Buổi sáng ăn rau, củ, quả, buổi chiều tối ăn hạt bắp để bổ sung tinh bột. Nguồn thức ăn chủ yếu là phế phụ phẩm từ nông trại hữu cơ của gia đình nên đảm bảo chất lượng và an toàn”, chị Trang chia sẻ.
Nhím là loài vật dễ nuôi, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí đầu tư thấp nhưng lợi nhuận khá cao. Ảnh: Quốc Toản.
Theo chị Trang, nhím con nuôi từ 12 tháng trở lên bắt đầu sinh sản. Mỗi năm, nhím đẻ 2 lứa, số lượng con tùy thuộc vào độ tuổi và khả năng sinh sản. Nhím tơ thường sinh từ 2- 3 con/lứa. Mỗi cặp nhím giống 2 tháng tuổi, nặng khoảng 2-3 kg, được bán với giá 2,7 triệu đồng. Ngoài nuôi nhím thương phẩm, chị Trang còn bán nhím giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho người dân trong vùng.
Thịt nhím là một trong những đặc sản được nhiều thực khách ưa chuộng tại các nhà hàng và quán ăn. Năm 2025, chị Trang sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 50 con nhím thương phẩm và 150 con nhím giống, với tổng doanh thu đạt từ 200 đến 300 triệu đồng.
Con dúi đang mang lại thu nhập khá cao cho anh Tú. Ảnh: Quốc Toản.
Tại huyện Thạch Thành, anh Bùi Văn Tú, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thành An là người tiên phong phát triển mô hình nuôi dúi địa phương. Trang trại của anh hiện đang nuôi gần 100 cặp dúi thương phẩm, gồm dúi mốc và dúi má đào. Hai giống dúi có khả năng thích nghi tốt, lớn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo anh Tú, nuôi dúi có nhiều ưu điểm như: ít tốn công chăm sóc, kỹ thuật chăn nuôi không phức tạp, thức ăn dễ tìm như gốc tre, luồng, mía, ngô… Khác với chăn nuôi gia súc, gia cầm, thức ăn cho dúi cần được đảm bảo không bị ẩm mốc hay ôi thiu. Chuồng trại nuôi dúi khá đơn giản, không chiếm nhiều diện tích và không gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên vẫn cần đảm bảo sự thông thoáng và vệ sinh sạch sẽ.
Dúi nuôi từ nhỏ đến khi sinh sản mất khoảng một năm. Mỗi năm, dúi mẹ sinh ba lứa, mỗi lứa 4 – 6 con. Dúi giống sau 3 tháng có thể xuất chuồng, đạt trọng lượng khoảng 0,5 kg/con; dúi thương phẩm sau 8 tháng, trọng lượng đạt 1,5-2 kg/con.
Dúi là động vật dễ nuôi, sức đề kháng tốt, ít nhiễm bệnh. Ảnh: Quốc Toản.
Hiện nay, trang trại của anh Tú cung cấp cả dúi giống và dúi thương phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh, với giá từ 600-700 nghìn đồng/kg. Năm 2024, mô hình mang về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Thịt dúi là món đặc sản có vị ngọt, thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều nhà hàng tại thành phố Thanh Hóa và các vùng lân cận ưa chuộng nên đầu ra khá ổn định.
Không chỉ phát triển kinh tế cá nhân, anh Tú còn lan tỏa tinh thần làm giàu chính đáng đến thanh niên trong vùng. Với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế xã Thành An, anh tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật, tạo điều kiện để các thành viên cùng tham gia phát triển các mô hình hiệu quả như nuôi dúi, dê, gà thả vườn và ong mật. Đây đều là những mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên miền núi, giúp khai thác tối đa lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa, hiện nay nhóm vật nuôi đặc sản trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh, chủ yếu tại các huyện miền núi, với tổng đàn khoảng 2,47 triệu con, gồm các giống lợn, gà bản địa. Có khoảng 1.500 hộ được cấp phép nuôi các loại như ba ba, rùa câm, cầy hương, dúi…, với hơn 225 nghìn cá thể.
Nhiều mô hình đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, như nuôi ba ba, rùa câm tại xã Thiệu Hợp (huyện Thiệu Hóa); nuôi đà điểu ở huyện Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa; nuôi dê ở huyện Hà Trung; nuôi thỏ tại các huyện Quảng Xương, Triệu Sơn; nuôi nhím tại Thạch Thành, Như Thanh…
Để duy trì và bảo tồn nguồn gen quý của các giống vật nuôi bản địa, đồng thời phát triển bền vững các mô hình nuôi con đặc sản, ngành nông nghiệp đang phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn