Mỗi mùa vải chín, mảnh đất Thanh Hà (Hải Dương) lại đỏ rực một màu, thu hút thương lái trong và ngoài nước. Đó là kết quả cả hành trình lãnh đạo kiên định, sâu sát của Đảng bộ huyện Thanh Hà trong nhiều thập kỷ.
Lãnh đạo huyện Thanh Hà thăm và chỉ đạo sản xuất vùng vải sớm khu Hà Đông, vụ vải năm 2025. Ảnh: THÀNH CHUNG
Chủ trương đúng, hướng đi bền
Ngay từ những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thanh Hà đã xác định phát triển sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu để ổn định đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đất đai ngập lũ, canh tác khó khăn, Huyện ủy đã chỉ đạo cải tạo hệ thống đê điều, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, đặc biệt là khai thác lợi thế từ cây ăn quả.
Bước ngoặt lớn đến từ việc tổ chức phát triển giống vải thiều Thúy Lâm, một loại quả được coi là “tinh hoa đất trời” Thanh Hà, đặc sản xứ Đông. Cụ Hoàng Văn Cơm, người trồng cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm (xã Thanh Sơn) được vận động, tuyên truyền nhân rộng giống cây quý. Đến thập niên 60 của thế kỷ trước, hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây” do Bác Hồ phát động, các chi bộ đã đưa cây vải đi khắp các xã, từng bước hình thành vùng chuyên canh rộng lớn.
Giai đoạn sau đổi mới, tổ chức Đảng các cấp trong huyện tiếp tục giữ vai trò hạt nhân chính trị trong chuyển đổi mô hình sản xuất. Từ chỉ đạo cơ cấu lại giống vải theo đặc trưng và thế mạnh đất đai từng vùng, kỹ thuật canh tác đến bảo tồn cây vải tổ, tổ chức Đảng đã sát cánh cùng người dân.
Đặc biệt, từ những năm đầu thế kỷ 21, nhiều đề án lớn về nông nghiệp của tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà được triển khai đồng bộ. Huyện ủy Thanh Hà đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây ăn quả, xác định vải thiều là cây trồng chủ lực. Các xã khu Hà Đông, Hà Nam được quy hoạch vùng vải tập trung, trong đó khu Hà Đông chuyên trồng vải sớm, Hà Nam, Hà Bắc, Hà Tây chuyên trồng vải thiều chính vụ.
Ngày nay, vải thiều Thanh Hà không chỉ chinh phục thị trường nội địa mà còn vươn tới Nhật Bản, EU, Mỹ… Quả vải thiều được nhiều xã, chủ thể là cá nhân lựa chọn là sản phẩm tiêu biểu trong hành trình xây dựng sản phẩm OCOP “Mỗi xã một sản phẩm”. Toàn huyện duy trì 167 mã số vùng vải đủ điều kiện xuất khẩu, 7 cơ sở đóng gói với 20 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu được cấp phép. Hiện có hơn 200 ha vải sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP được tỉnh hỗ trợ kinh phí đánh giá chứng nhận, hỗ trợ phân bón hữu cơ sinh học.
Đặc sản vươn tầm
Vải thiều Thanh Hà trở thành đặc sản của Hải Dương. Ảnh: THÀNH CHUNG
Vải thiều Thanh Hà có vị ngọt sắc, cùi dầy, hạt nhỏ, khi bóc nước không dính ra tay. So với vải ở những nơi khác, chất lượng quả vải thiều vượt trội hơn hẳn, khi ăn không có vị chát. Vì thế, vải thiều Thanh Hà nức tiếng gần xa và được thị trường trong nước, quốc tế ưa chuộng. Vải thiều Thanh Hà từng là loại quả tiến vua nổi tiếng.
Toàn huyện Thanh Hà hiện có 3.282 ha vải thiều, sản lượng năm nay dự kiến đạt 35.000 tấn. Vùng vải tại các xã Thanh Quang, Thanh Cường, Thanh Xá, Thanh Sơn… đã hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, thu hoạch đến tiêu thụ và xuất khẩu. Tư duy “biến thế mạnh truyền thống thành lợi thế phát triển” được Đảng bộ huyện kiên định, hiện thực hóa bằng quy hoạch khoa học và chỉ đạo sát sao. Các tổ chức cơ sở đảng trực tiếp tham gia vận động nhân dân chuyển đổi giống cây, ứng dụng kỹ thuật VietGAP, GlobalGAP, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, người trồng vải Thanh Hà không chỉ cần cù mà còn sáng tạo. Họ không ngại thay đổi giống mới, học hỏi kỹ thuật canh tác sạch, sử dụng phân hữu cơ, cắt tỉa theo đúng quy trình kỹ thuật…
Không chỉ phát triển vải thiều tươi, người dân được hướng dẫn chế biến sâu như sấy khô, làm giấm vải, cấp đông… Nhờ vậy, giá trị kinh tế ngày càng nâng cao, bình quân đạt 250 triệu đồng/ha. Nhiều hộ vươn lên làm giàu từ cây vải, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao.
Đến nay, vải thiều Thanh Hà đã được chứng nhận “chỉ dẫn địa lý” và nhiều danh hiệu uy tín khác như: “Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng” và là đặc sản “Tinh hoa đặc sản 3 miền”, giải thưởng “Thương hiệu vàng”, chứng nhận “Thương hiệu Thực phẩm an toàn tin dùng”, top 10 Thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng do Liên hiệp Khoa học doanh nhân Việt Nam, Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo bình chọn.
Mới nhất là tháng 10/2024, vải thiều Thanh Hà được chứng nhận Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trao. Thành quả ấy có dấu ấn đậm nét của vai trò lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt của các cấp ủy Thanh Hà.
Nguồn: Baomoi.com