Theo PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, việc nuôi biển xa bờ ứng dụng công tiên tiến, công nghệ cao là xu hướng và tất yếu.
3 yếu tố và 6 lưu ý để phát triển nuôi biển
Theo PGS.TS Võ Văn Nha, ngành thủy sản Việt Nam đang hướng về nuôi biển. Bởi các vũng vịnh ven bờ của nước ta đang chịu áp lực lớn về số lượng lồng bè nuôi, về môi trường và sự chồng lấn với các hoạt động kinh tế khác.
PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III. Ảnh: KS.
Do đó, việc chuyển từ nuôi biển quy mô nhỏ lẻ, phương thức nuôi truyền thống sang nuôi biển công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, hiện đại; chuyển từ vùng nước ven bờ, với hệ sinh thái nhạy cảm ra vùng biển xa bờ và tiến dần ra nuôi ở đại dương là xu hướng của các quốc gia phát triển mạnh về biển, trong đó có Việt Nam, nhằm hướng tới phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để vươn ra nuôi trồng thuỷ sản trên biển quy mô lớn và bền vững, PGS.TS Võ Văn Nha cho rằng, ngoài tầm nhìn chiến lược rõ ràng đã có, cần 3 yếu tố chính đó là: (i) công nghệ và hạ tầng nuôi biển hiện đại, (ii) nguồn lực tài chính đủ mạnh, nhân lực chuyên môn và quản trị đủ tầm (iii) thị trường tiêu thụ và chuỗi giá trị đầu ra ổn định. Về chiến lược kinh tế biển, chúng ta đã có Nghị quyết số 36-NQ/TW; Nghị quyết số 26/NQ-CP; Quyết định số 339/QĐ-TTg.
Đặc biệt, Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu: “Phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc”.
“Với chiến lược đã có, bây giờ cần tập trung đầu tư vào công nghệ, hạ tầng nuôi hiện đại, nguồn lực đủ mạnh và đủ tầm để tham gia vào nuôi biển. Do đi sau nhiều nước nên chúng ta không phải đi từ cái chưa có gì, mà đi từ cái thế giới đã có, bằng cách học tập, trao đổi kinh nghiệm từ những nước có nghề nuôi biển tiên tiến, hiện đại như Na Uy, Đài Loan (Trung Quốc)… Từ đó, chúng ta tiếp tục phát triển, cải tiến và áp dụng phù hợp cho Việt Nam”, PGS.TS Võ Văn Nha bày tỏ.
Nuôi tôm hùm trong lồng vuông HDPE tại vùng biển hở tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.
Theo PGS.TS Võ Văn Nha, mặc dù chúng ta không thể một sớm một chiều làm cùng một lúc được tất cả, nhưng nếu có lộ trình rõ ràng thì sẽ có những hạt nhân, là những người trong cộng đồng rất đam mê, gắn bó các hoạt động trên biển. Từ đó, tổ chức hình thành hợp tác xã, các tổ đội, cộng đồng… làm cánh tay nối dài cho chính quyền cơ sở triển khai các hoạt động phát triển nuôi biển.
Bên cạnh đó, ông còn lưu ý thêm, khi triển khai thí điểm hay phát triển nuôi biển đạt hiệu quả, các địa phương cần tập trung giải quyết các vấn đề sau:
Thứ nhất, cần quy hoạch và quản lý không gian biển, tránh xung đột các ngành nghề. Bởi hoạt động trên biển không chỉ thủy sản mà còn có hoạt động kinh tế khác. Do đó, chúng ta cần quy hoạch và quản lý không gian mặt biển và giao cho các chủ thể để quản lý.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, các mô hình nuôi biển phù hợp với thực tiễn ở từng địa phương. Nuôi trồng thuỷ sản trên biển tiên tiến khác với phương thức nuôi truyền thống, sử dụng lồng bè chịu được sóng to, gió lớn (chằng hạn như lồng làm bằng vật liệu HDPE); ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), hệ thống giám sát môi trường, sức khoẻ vật nuôi chủ động, cho ăn tự động và an ninh trên biển… Tất cả các vấn đề trên được tích hợp trong một hệ thống nuôi, giúp cho sự quản lý, kiểm soát các hoạt động nuôi biển một cách hiệu quả.
Thứ ba, các địa phương phải chú trọng bảo vệ môi trường biển và kiểm soát dịch bệnh. Bởi bất cứ hoạt động nào khi mới khởi đầu đều chưa thấy ảnh hưởng gì, nhưng khi đã phát triển, chắc chắn sẽ tác động đến môi trường và an toàn dịch bệnh. Do đó, để tránh tình trạng này, các địa phương phải thường xuyên giám sát chất lượng nước, kiểm soát lồng bè nuôi và chủ động phòng, chống dịch bệnh các đối tượng nuôi. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho cộng đồng nuôi biển nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, thu gom đưa chất thải trong quá trình hoạt động trên biển vào bờ xử lý theo quy định.
Thứ tư, cần phát triển liên kết chuỗi giá trị từ khâu đầu vào cho đến đầu ra, với sự tham gia của doanh nghiệp, nhà khoa học và cả các nhà quản lý.
Để phát triển nuôi biển, các địa phương cần có những chính sách hỗ trợ cho người dân. Ảnh: KS.
Thứ năm, cần phải chuyển đổi mô hình sinh kế và đào tạo ngắn hạn cho cộng đồng người tham gia. Chẳng hạn, chúng ta có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi mô hình và có chương trình đào tạo ngắn hạn hay hướng nghiệp nuôi kết hợp các đối tượng để tận dụng không gian mặt nước biển hay kết hợp nuôi trồng với du lịch sinh thái biển. Từ đó giúp bà con chuyển từ nuôi truyền thống nhỏ lẻ sang nuôi tích hợp, đa giá trị.
Thứ sáu, có cơ chế chính sách thu hút nguồn lực các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Nếu các địa phương thu hút được nguồn lực này thì nuôi biển sẽ phát triển và đạt các mục tiêu đề ra theo định hướng chiến lược phát triển nuôi biển của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các địa phương.
Nhà khoa học đồng hành phát triển nuôi biển
Là đơn vị nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thủy sản, PGS.TS Võ Văn Nha cho biết sẽ đồng hành cùng với địa phương, nhất là các tỉnh khu vực Nam Trung bộ trong việc thúc đẩy phát triển nuôi biển trong thời gian tới.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được thể hiện tại Quyết định số 354/QĐ-BNN-KHCN, ngày 18/01/2023 về việc ban hành chiến lược nghiên cứu, phát triển Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đã được Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phê duyệt.
Thời gian qua, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã đồng hành các địa phương để phát triển nuôi biển. Ảnh: KS.
Do đó, để tiếp tục phát huy những kết quả được và trên cơ sở định hướng của Bộ, Viện sẽ tập trung nghiên cứu chọn tạo các giống mới, đối tượng nuôi có tính trạng sinh trưởng tốt, kháng được bệnh, có giá trị kinh tế để chủ động cung cấp giống cho việc nuôi biển.
Đây là điểm mạnh và cũng là ưu thế của Viện trong thời gian qua, khi có 2 trung tâm lớn là Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Trung và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang, cùng với đội ngũ nhà khoa học có kinh nghiệm về nuôi biển được đào tạo từ Na Uy, Đan Mạch, Úc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Bên cạnh đó, Viện cũng sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển các mô hình công nghệ nuôi biển tiên tiến trên thế giới, từ đó ứng dụng hiệu quả, phù hợp cho điều kiện môi trường vùng biển của Việt Nam. Đồng thời, cũng cần hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi thương phẩm cho một số đối tượng nuôi biển bằng lồng bè trong điều kiện khác hoàn toàn nuôi ven bờ. Vì nuôi biển là trong hệ sinh thái hở, hoàn toàn không phải quản lý như hệ thống ao hay bể nuôi.
Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cũng sẽ nghiên cứu, tích hợp các công nghệ, đặc biệt ứng dụng IoT, AI trong quan trắc môi trường nước, giám sát sức khoẻ vật nuôi, sử dụng hệ thống cho ăn tự động… giúp việc nuôi biển của bà con được hiệu quả hơn, tránh thiệt hại do môi trường và dịch bệnh.
Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn