Thiết lập ‘hàng rào xanh’ xuất khẩu sầu riêng: Hoàn thiện hệ thống giám sát

Các địa phương sản xuất sầu riêng cần phối hợp tốt hơn với các cơ quan trung ương để hoàn thiện hệ thống truy xuất, giám sát và phản hồi khi có vi phạm.

Minh bạch hóa việc sử dụng mã số vùng trồng

Là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất vùng ĐBSCL, đến nay tỉnh Tiền Giang đã cấp được 155 mã số vùng trồng cho hơn 6.900 ha sầu riêng. Đây là lợi thế rất lớn để địa phương này đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.

Các vùng trồng sầu riêng Tiền Giang được giao cho Phòng Nông nghiệp và Môi trường địa phương giám sát. Ảnh: Kim Anh.

Tuy nhiên, công tác quản lý mã số vùng trồng tại Tiền Giang cũng đang đối mặt với những thách thức. Theo ông Võ Văn Men – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, hiện nay quy trình cấp mã số vùng trồng đang thực hiện theo Công văn 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Bộ NN-PTNT). Thế nhưng, chế tài xử phạt đối với hành vi gian lận mã số vùng trồng, sử dụng sai mã hoặc “đánh cắp” mã chưa cụ thể. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

Vài năm trở lại đây, TP Cần Thơ cũng nổi lên như một vùng trồng sầu riêng trọng điểm với diện tích gần 7.000 ha. Thế nhưng, đến nay, chỉ mới có khoảng 70 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp, tương ứng diện tích khoảng 1.500 ha – tức chỉ chiếm hơn 21% tổng diện tích. Điều này đồng nghĩa, chỉ một phần nhỏ sản lượng sầu riêng nơi đây đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch.

Ông Trần Thái Nghiêm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ đánh giá, thời gian qua việc sử dụng mã số vùng trồng ở địa phương đã có tiến bộ nhất định. Trường hợp phát hiện vi phạm về dư lượng vượt mức cho phép hoặc nhiễm sinh vật gây hại, ngành nông nghiệp thành phố đều phối hợp chặt chẽ với Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để xử lý kịp thời.

Diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng tại TP Cần Thơ hiện còn rất hạn chế. Ảnh: Kim Anh.

Tuy nhiên, việc cấp mã tại TP Cần Thơ lại đang vướng phải hai điểm nghẽn lớn: thứ nhất là diện tích sản xuất manh mún, không tập trung, khiến nhiều nơi không đạt quy mô tối thiểu để được cấp mã; thứ hai là tập quán canh tác, nhiều nông dân chưa quen ghi chép nhật ký sản xuất, gây khó khăn cho truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, TP Cần Thơ chỉ có duy nhất một cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu. Trong khi phần lớn sầu riêng lại do thương lái hoặc doanh nghiệp từ địa phương khác đến thu mua, sau đó mang đi đóng gói ngoài địa bàn. Chính thực tế này dẫn đến tình trạng sử dụng mã số không minh bạch, hay nói cách khác là gian lận mã vùng trồng.

Hiện nay phần lớn sản lượng sầu riêng ở TP Cần Thơ được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu. Ảnh: Kim Anh.

“Ngành nông nghiệp chỉ có thể nắm được doanh nghiệp nào mua mã nào, nhưng việc trộn lẫn mã, khai gian sản lượng hay gán nhầm mã vùng trồng… là điều rất khó kiểm soát nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan trung ương như Cục Hải quan, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Hoàn thiện hệ thống truy xuất, giám sát, phản hồi vi phạm

Năm 2024, sản lượng sầu riêng của TP Cần Thơ đạt hơn 50.000 tấn và ước tính năm 2025 có thể tăng lên tới 80.000 – 100.000 tấn. Sầu riêng đang là cây trồng có sản lượng lớn chỉ sau cây lúa. Do đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ đưa ra 4 giải pháp ưu tiên để ngành sầu riêng phát triển bền vững.

Thứ nhất, nâng cao tính chuyên nghiệp cho nông dân thông qua việc sản xuất phải minh bạch, có ghi chép nhật ký. Bà con không thể cứ quen với giá sầu riêng 80.000 – 100.000 đồng/kg, rồi khi giá rớt xuống 30.000 đồng/kg lại than khó. Thực tế, ở Cần Thơ, giá thành sản xuất sầu riêng chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, bán với giá 35.000 – 40.000 đồng/kg đã mang lại lợi nhuận tốt cho nông dân nếu sản xuất bài bản.

Thứ hai, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu trái tươi. Bởi khi chính vụ hoặc trường hợp cửa khẩu “đóng băng”, giá giảm là điều khó tránh. Do đó, ông Nghiêm kiến nghị cần chú trọng thị trường nội địa. Đồng thời, phát triển công nghệ bảo quản, chế biến, từ sầu riêng cấp đông, tách múi, đến các sản phẩm ăn liền, Việt Nam hoàn toàn có thể đi theo hướng này.

Dự kiến, sản lượng sầu riêng của TP Cần Thơ trong năm 2025 có thể đạt 80.000 – 100.000 tấn. Ảnh: Kim Anh.

Thứ ba, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân để có sự thấu hiểu nhau, chia sẻ lợi ích, rủi ro thì chuỗi giá trị mới bền vững.

“Sầu riêng không thể mãi là câu chuyện mùa vụ và giá cao ngất ngưởng trong nhất thời. Muốn đi đường dài, phải chuẩn hóa sản xuất, gắn kết các mắt xích trong chuỗi và nhìn xa hơn bài toán hôm nay”, ông Võ Văn Men chia sẻ.

Thứ tư, siết chặt quản lý mã số vùng trồng và kiểm soát dư lượng. Vừa qua, việc Trung Quốc cho phép xuất khẩu sầu riêng cấp đông đã tháo gỡ phần nào khó khăn. Tuy nhiên, các rào cản kỹ thuật mới như Cadimi, Vàng O… tiếp tục là thách thức lớn. Các địa phương sản xuất sầu riêng cần phối hợp tốt hơn với các cơ quan trung ương để sớm loại bỏ các loại phân bón, hóa chất dễ gây tồn dư. Đồng thời hoàn thiện hệ thống truy xuất, giám sát và phản hồi khi có vi phạm.

“Hiện nay, hơn 80% sản lượng sầu riêng Cần Thơ được tiêu thụ thông qua các doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu. Nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ trong cấp mã vùng trồng, kiểm soát mã, gắn kết sản xuất – tiêu thụ và phát triển chế biến, thì nguy cơ “nghẽn đầu ra” sẽ càng hiện hữu”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Ông Võ Văn Men cũng nhấn mạnh, việc siết chặt quản lý chỉ thật sự hiệu quả khi có khung pháp lý đầy đủ, rõ ràng, đặc biệt là các chế tài xử lý vi phạm. Do đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần có văn bản hoặc tiêu chuẩn hướng dẫn cấp, quản lý mã số vùng trồng. Trong đó, quy định cụ thể về xử phạt đối với các trường hợp sử dụng mã số vùng trồng không đúng quy định.

Một điểm tập kết thu mua sầu riêng trên địa bàn huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Để ngăn chặn rủi ro gian lận mã số vùng trồng, Tiền Giang hiện vẫn duy trì hoạt động giám sát vùng trồng theo từng mã số đã được cấp. Trường hợp phát hiện sử dụng sai mã, không đảm bảo điều kiện sản xuất, địa phương sẽ tạm dừng hoặc đề nghị thu hồi mã. Đồng thời ngành chuyên môn sẽ báo cáo ngay Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để ngăn việc làm thủ tục xuất khẩu với mã số vi phạm.

Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng chú trọng công tác tuyên truyền. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tham gia vùng trồng đều được phổ biến quy định nhập khẩu, thông tin mã số đã cấp, tình trạng sử dụng và cơ chế ủy quyền – nhằm bảo vệ tính hợp pháp của mã số và đảm bảo sản xuất theo hướng bền vững.

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Lắng nghe, tháo gỡ rào cản cho ngành hàng lúa gạo

Sản xuất lúa gạo ở nước ta có nhiều tiềm năng nhưng giá trị xuất …