Đào tạo lại cho lao động nông thôn trong thời đại công nghệ

Theo số liệu mới nhất từ Cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý I/2025 đạt khoảng 52,9 triệu người, với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,2%; lao động có việc làm khu vực nông thôn là 31,8 triệu người (chiếm 61,4%), giảm 118,1 nghìn người so với quý trước và tăng 98,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 28,8%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, cho thấy chất lượng nguồn nhân lực đang được cải thiện.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý

Trong kỷ nguyên công nghệ số, khi trí tuệ nhân tạo và tự động hóa dần thay thế sức lao động truyền thống, chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo lại trở thành giải pháp cấp bách để người lao động không bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt, người lao động làm việc tại các ngành truyền thống, thu nhập thấp hoặc khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa là nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất bởi xu hướng này. Việc thiếu kỹ năng số, kiến thức mới và cơ hội tiếp cận đào tạo hiện đại khiến họ dễ bị mất việc hoặc thu nhập giảm sút. Do đó, chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo lại là con đường duy nhất để họ thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động trong nền kinh tế số.

Tác động của công nghệ đến thị trường lao động

Công nghệ đang làm thay đổi sâu sắc cấu trúc thị trường lao động Việt Nam. Những dây chuyền sản xuất tự động, robot trong ngành công nghiệp, cùng các phần mềm quản lý và dịch vụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã làm giảm nhu cầu đối với nhiều vị trí lao động thủ công và các công việc lặp đi lặp lại. Không chỉ vậy, nhiều lĩnh vực như tài chính, kế toán hay nhân sự cũng đang dần áp dụng công nghệ để tối ưu hóa hiệu suất làm việc.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo ra thách thức, công nghệ cũng mở ra những cơ hội mới với nhu cầu tăng cao về nhân lực có kỹ năng số, lập trình, phân tích dữ liệu, và quản trị hệ thống công nghệ thông tin. Người lao động truyền thống nếu không kịp thích nghi sẽ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp sang các lĩnh vực mới.

Nhận thức rõ thực trạng này, các cấp chính quyền và doanh nghiệp đã tập trung triển khai các chương trình đào tạo lại, đào tạo nghề, nhằm giúp người lao động nâng cao kỹ năng, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với xu hướng phát triển. Đào tạo lại không chỉ là quá trình bổ sung kiến thức mà còn là cách giúp thay đổi tư duy, chuẩn bị hành trang cho người lao động bước vào tương lai nghề nghiệp bền vững hơn.

Ở nhiều địa phương, ví dụ như Huế và Quảng Trị, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, trang bị kiến thức mới.

Tại thành phố Huế, trong tháng 2/2025, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng dành cho người lao động trên địa bàn. Kế hoạch này hướng đến đào tạo khoảng 3.300 lao động nông thôn, trong đó 64% học nghề phi nông nghiệp và 36% học nghề nông nghiệp. Các ngành nghề được đào tạo bao gồm kỹ thuật, công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp hiện đại, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sử dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phân phối sản phẩm nông nghiệp… Mục tiêu quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ người lao động có việc làm mới hoặc cải thiện năng suất, thu nhập sau khi tốt nghiệp.

Bà Lê Thị Mai, một nông dân ở huyện Phú Lộc, Huế đã từng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất truyền thống với năng suất thấp và chi phí cao. Từ năm 2023, bà Mai tham gia 1 khóa học về sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý.

Từ kiến thức được học, bà sử dụng phần mềm quản lý nông nghiệp trên điện thoại để theo dõi lịch bón phân, phun thuốc, lịch thu hoạch và lưu trữ thông tin về giống cây, tình trạng cây trồng từng ngày. Ngoài ra, bà kết hợp hệ thống tưới tiêu tự động và cảm biến đo độ ẩm đất giúp tối ưu lượng nước sử dụng.

Sản phẩm của bà được chứng nhận hữu cơ, được người tiêu dùng ưa chuộng. Việc ứng dụng công nghệ giúp bà giảm được 30% chi phí đầu vào, tăng năng suất khoảng 15% và cải thiện đáng kể chất lượng sản phẩm.

Bà Mai chia sẻ: “Ứng dụng công nghệ vào sản xuất không những giúp tôi kiểm soát tốt quy trình canh tác mà còn tạo điều kiện để sản phẩm của tôi tiếp cận được nhiều thị trường hơn, nâng cao thu nhập và cuộc sống gia đình.”

Tương tự, tỉnh Quảng Trị cũng triển khai kế hoạch đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chương trình nhấn mạnh vai trò của giáo dục nghề nghiệp gắn liền với phát triển ngành nghề nông thôn, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống người dân. Đào tạo nghề tập trung vào các ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và công nghệ số, với mục tiêu đào tạo khoảng 8.000 lượt lao động nông thôn mỗi năm đến năm 2030. Bên cạnh việc trang bị kiến thức kỹ thuật, các chương trình còn chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, an toàn vệ sinh lao động, khởi nghiệp và chuyển đổi số. Việc kết nối chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và hợp tác xã cũng được xem là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm cho người học.

“Kế hoạch đào tạo nghề này không chỉ giúp chuyển dịch cơ cấu lao động mà còn tạo điều kiện cho người lao động thích ứng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đào tạo nghề gắn với chuyển đổi số được xem là “chìa khóa” để người lao động nắm bắt các cơ hội việc làm trong nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ”, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết.

Thách thức và giải pháp cho quá trình chuyển đổi nghề nghiệp

Dù được đánh giá là cần thiết, quá trình chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo lại vẫn gặp không ít khó khăn. Một trong những thách thức lớn nhất là sự hạn chế về nguồn lực tài chính và thời gian của người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, người thu nhập thấp hay người làm việc ở vùng sâu vùng xa. Việc học tập lại đòi hỏi sự nỗ lực lớn, cân bằng giữa công việc hiện tại, gia đình và thời gian đào tạo.

Thêm vào đó, nhiều người lao động còn e ngại thay đổi nghề nghiệp hoặc không tự tin vào khả năng học tập để tiếp thu các kỹ năng mới. Tâm lý này có thể làm giảm hiệu quả của các chương trình đào tạo nếu không có sự động viên, hỗ trợ thích hợp.

Để khắc phục các khó khăn trên, các chương trình đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp cần được thiết kế linh hoạt, đa dạng về hình thức như đào tạo trực tuyến, bán thời gian hoặc kết hợp lý thuyết với thực hành. Việc cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính như miễn giảm học phí, cho vay vốn học tập cũng là giải pháp quan trọng nhằm khuyến khích người lao động tham gia học tập.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu về đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, đào tạo cần chủ động đề xuất, có sự tham gia doanh nghiệp, cơ sở đào tạo xây dựng chính sách pháp luật về đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động để kịp thời giải quyết bức xúc của công nhân, lao động về nhu cầu đào tạo nghề và nâng cao kỹ năng nghề. Cùng với đó, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động là hết sức quan trọng để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của học tập suốt đời và chuyển đổi nghề nghiệp đóng vai trò thiết yếu. Người lao động cần được tạo điều kiện thuận lợi để chủ động cập nhật kỹ năng, thích nghi với sự thay đổi nhanh của thị trường lao động.

Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là nền tảng để xây dựng hệ thống đào tạo nghề hiệu quả, gắn liền với nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo lại ở khu vực nông thôn nói riêng, các khu vực khác nói chung không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là cơ hội để người lao động phát triển và hòa nhập vào xã hội công nghệ hiện đại. Việc thực hiện thành công những chương trình đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp tại các địa phương như Huế, Quảng Trị là minh chứng cho sự nỗ lực và quyết tâm đưa Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới.

Nguồn: Baomoi.com

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Lúa đông xuân Quảng Bình cơ bản được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

Vụ đông xuân năm nay dù thời tiết không thuận lợi nhưng lúa tại Quảng …