Liệu pháp vận động được khuyến nghị là phương pháp điều trị ưu tiên để cải thiện tình trạng đau khớp và giảm chức năng do thoái hóa khớp (OA); một rối loạn cơ xương ảnh hưởng đến hơn 595 triệu người trên toàn thế giới. Yoga và các bài tập tăng cường cơ đều được biết đến là những phương pháp hiệu quả trong quản lý thoái hóa khớp gối, nhưng liệu phương pháp nào tốt hơn?
Một nghiên cứu so sánh trực tiếp giữa yoga và các bài tập tăng cường đối với thoái hóa khớp gối cho thấy, dù mỗi phương pháp có cơ chế riêng để giảm đau và cải thiện chức năng vận động, nhưng không có phương pháp nào vượt trội hơn phương pháp kia.
Việc kiểm soát cơn đau ở bệnh nhân thoái hóa khớp gối đã được cải thiện sau 12 tuần, và yoga cho thấy hiệu quả tương đương với các bài tập tăng cường cơ truyền thống, theo kết quả được công bố trên tạp chí JAMA Network Open.
Các nhà nghiên cứu đề xuất rằng việc tích hợp yoga vào thực hành lâm sàng, dù là thay thế hay bổ trợ, đều có thể mang lại lợi ích thiết thực cho người mắc thoái hóa khớp gối, như giảm đau rõ rệt ở khớp gối, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm trầm cảm.
Bằng chứng cho thấy các bài tập tăng cường cơ giúp giảm đau do áp lực cơ học bằng cách nâng cao sức mạnh cơ quanh khớp gối và cải thiện chức năng khớp. Trong khi đó, yoga tập trung vào kỹ thuật thở, tư thế vận động và chánh niệm để giảm căng thẳng, tăng tính linh hoạt và hỗ trợ quản lý cơn đau.
Dù các hướng dẫn lâm sàng thường khuyến khích sử dụng yoga để kiểm soát tình trạng khó chịu do thoái hóa khớp gối, nhưng vẫn còn thiếu các bằng chứng chất lượng cao để củng cố khuyến nghị này. Nhiều nghiên cứu trước đó có cỡ mẫu nhỏ, nguy cơ sai lệch cao và không áp dụng tiêu chí chẩn đoán chuẩn hóa.
Nhằm đánh giá hiệu quả của yoga trong quản lý thoái hóa khớp gối so với một chương trình bài bản về bài tập tăng cường, các nhà nghiên cứu đã tuyển chọn 117 bệnh nhân từ miền Nam Tasmania, Úc. Tất cả những người tham gia đều báo cáo mức độ đau khớp gối từ 40 trở lên trên thang điểm đau (VAS) 100mm; đây là một công cụ đo mức độ đau dựa trên phản ứng tâm lý thông qua thị giác. Thang điểm này gồm một đường thẳng dài 100mm, với một đầu là “không đau” và đầu kia là “đau không chịu đựng nổi”.
Có 58 người được phân vào nhóm tập yoga và 59 người vào nhóm tập tăng cường cơ, với hơn 70% là phụ nữ trong mỗi nhóm. Trong 12 tuần đầu, cả hai nhóm tham gia hai buổi tập có giám sát và một buổi tập tại nhà mỗi tuần. Từ tuần 13 đến 24, họ tiếp tục thực hiện ba buổi tập tại nhà mỗi tuần mà không cần giám sát.
Kết quả chính của nghiên cứu là so sánh mức thay đổi cơn đau ở khớp gối thông qua sự khác biệt điểm số VAS sau 12 tuần. Cả hai nhóm đều ghi nhận mức độ đau giảm, nhưng không có sự khác biệt đáng kể giữa hai phương pháp, khi chênh lệch trung bình chỉ là -1,1 mm.
Theo tiêu chí lâm sàng, để một phương pháp được xem là vượt trội hơn phương pháp còn lại, mức chênh lệch điểm VAS giữa hai nhóm cần vượt quá 15 mm. Kết quả cho thấy yoga đáp ứng tiêu chí để được coi là không kém hiệu quả hơn các bài tập tăng cường cơ.
Phát hiện này khẳng định yoga là một lựa chọn tập luyện hiệu quả cho những người muốn kiểm soát thoái hóa khớp gối bằng phương pháp không dùng thuốc.
Theo: vista.gov.vn