Mô hình lúa giảm phát thải không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra cơ hội mới cho nông dân từ thị trường tín chỉ carbon.
Hành trình giảm phát thải từ đồng ruộng không chỉ dừng lại ở việc cải thiện môi trường hay tăng năng suất cho người nông dân. Những mô hình trồng lúa bền vững hôm nay còn mở ra một cánh cửa mới: bước vào nền kinh tế carbon, nơi giá trị của mỗi ha lúa sạch có thể được đo đếm bằng tín chỉ phát thải – loại “tài sản vô hình” đang ngày càng có giá trong nền kinh tế xanh.
Theo TS Trần Minh Hải, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải là tuyên bố của Việt Nam với thế giới về cam kết phát triển xanh. Ảnh: Trần Phi.
Theo TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, Việt Nam không thiếu nỗ lực trong xây dựng nền nông nghiệp bền vững, nhưng trước đây còn manh mún, thiếu liên kết. “Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải là bước chuyển lớn, không chỉ ở kỹ thuật mà còn là cách Việt Nam tuyên bố với thế giới rằng chúng ta sẵn sàng bước vào sân chơi phát triển xanh”, ông nói.
Thực tế cho thấy nền tảng cho bước chuyển này đã được tích lũy từ lâu: Từ việc cơ giới hóa đồng bộ, sử dụng giống tốt, giảm lượng gieo sạ, tiết kiệm nước cho đến thu gom rơm rạ làm phân vi sinh, nhiên liệu sinh học. Những thay đổi nhỏ nhưng nhất quán ấy đang góp phần thay đổi diện mạo của ngành lúa gạo Việt Nam – cả về năng suất lẫn tác động môi trường.
Tuy nhiên, công nghệ không thể tự vận hành nếu thiếu con người. “Người nông dân hôm nay không chỉ biết trồng lúa mà còn phải hiểu đất, nước, vi sinh và thị trường. Họ cần trở thành người nông dân thông minh trong một cộng đồng thông minh”, TS Hải chia sẻ. Việc thay phân hóa học bằng phân sinh học, giảm thuốc trừ sâu hay tham gia tổ nhóm, hợp tác xã… đang từng bước trở thành chuẩn mực mới.
Từ cơ giới hóa, dùng giống tốt đến tiết kiệm nước, tận dụng rơm rạ – những thay đổi nhỏ nhưng đồng bộ đang góp phần “xanh hóa” ngành lúa gạo Việt Nam. Ảnh: Trần Phi.
Chính mô hình hợp tác “ba nhà” – nông dân, doanh nghiệp và nhà nước – đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Như tại Bình Dương và Tây Ninh, các doanh nghiệp như HTX Đồng Thuận Phát hay Công ty Đức Thành không chỉ cung ứng giống, phân bón mà còn bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa sạch. Cùng lúc, chính quyền địa phương hỗ trợ 30% chi phí, đào tạo kỹ thuật và truyền thông, tạo nên một chuỗi liên kết khép kín, hiệu quả.
Ở một cấp độ lớn hơn, những mô hình này đang tiến gần hơn đến thị trường tín chỉ carbon, một lĩnh vực còn rất mới ở Việt Nam nhưng có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Theo TS Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The Vos, tín chỉ carbon từ cây lúa, nếu được đo lường và chứng nhận đúng chuẩn thì hoàn toàn có thể giao dịch trên thị trường quốc tế.
“Tín chỉ carbon không chỉ là số liệu môi trường. Nó là một loại tài sản có thể được mua bán, trao đổi. Nếu chúng ta biết cách đo đếm và chứng minh được hiệu quả phát thải, cây lúa Việt sẽ có thêm một dòng doanh thu mới”, ông Thế phân tích.
Khi hạt lúa sạch tạo ra gạo sạch và tín chỉ carbon, lúa gạo Việt không chỉ có giá trị dinh dưỡng mà còn góp phần vào kinh tế xanh toàn cầu. Ảnh: Trần Phi.
Tuy nhiên, để tín chỉ carbon từ ruộng lúa trở thành hiện thực, cần có hệ thống nhân lực và công nghệ bài bản, từ việc kê khai giống lúa, đo lường phát thải, kiểm kê quy trình đến xác thực, chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế. Nếu làm đúng, một ha lúa có thể mang lại tín chỉ carbon với giá trị gấp nhiều lần so với sản phẩm truyền thống.
“Hạt lúa giờ không chỉ là kết tinh của cần cù, mà còn là biểu tượng của trí tuệ và sự chuyển đổi bền vững”, TS Trần Minh Hải nhấn mạnh.
Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn