14 trong tổng số 35 cá thể voi nhà tại Đắk Lắk đã được cải thiện điều kiện sống, trong đó 11 cá thể đang tham gia mô hình du lịch không cưỡi voi.
Cần nhìn nhận lại cách đối xử với động vật hoang dã
Ngày 16/5, tại tỉnh Đắk Lắk, Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation – AAF), phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng (ECC) cùng Trường Đại học Tây Nguyên, tổ chức tọa đàm với chủ đề “Phúc lợi động vật trong hoạt động giải trí – Câu chuyện voi nuôi nhốt”.
Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường trao đổi chuyên môn và thúc đẩy các giải pháp bền vững trong công tác bảo tồn voi, đồng thời góp phần cải thiện phúc lợi động vật hoang dã tại Việt Nam. Tọa đàm có sự tham dự của các chuyên gia quốc tế và trong nước, đại diện chính quyền địa phương, cùng gần 200 giảng viên, sinh viên ngành thú y và cán bộ thú y đến từ các đơn vị chuyên môn.
Ông David Neale, Giám đốc toàn cầu về Tri giác và phúc lợi động vật, Tổ chức Động vật châu Á phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Trần Thọ.
PGS.TS Trần Quang Hạnh, Phó Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: “Voi không chỉ là biểu tượng văn hóa, mà còn là sinh linh xứng đáng được tôn trọng và bảo vệ. Đã đến lúc chúng ta nhìn lại cách con người đối xử với động vật hoang dã để phúc lợi không chỉ là khái niệm, mà trở thành chuẩn mực sống. Một tương lai tử tế hơn bắt đầu từ sự thấu cảm hôm nay”.
Tại buổi tọa đàm, ông David Neale, Giám đốc toàn cầu về Tri giác và phúc lợi động vật, Tổ chức Động vật châu Á nhấn mạnh rằng, việc cải thiện điều kiện sống và giảm thiểu các hình thức sử dụng động vật không phù hợp là cần thiết để hướng đến sự phát triển du lịch bền vững.
Ông David Neale chia sẻ: “Sự hợp tác với Trường Đại học Tây Nguyên và Trung tâm Bảo tồn voi đã tạo điều kiện lan tỏa kiến thức thiết yếu về tri giác và phúc lợi động vật đến những người trực tiếp chăm sóc và quản lý động vật. Đây là diễn đàn cởi mở để cùng nhìn nhận các thách thức hiện hữu và thúc đẩy các giải pháp khoa học, thiết thực nhằm cải thiện điều kiện sống cho voi nuôi nhốt tại Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng những kiến thức được chia sẻ sẽ sớm được áp dụng vào công việc hàng ngày, góp phần cải thiện đời sống của tất cả các loài động vật tại Việt Nam”.
Thay thế hình thức du lịch cưỡi voi
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk, giới thiệu mô hình du lịch thân thiện với voi, đang được triển khai tại tỉnh nhằm thay thế hình thức cưỡi voi và biểu diễn voi.
Tính đến năm 2025, Đắk Lắk có 35 cá thể voi nhà. Ảnh: Vườn quốc gia Yok Đôn.
Tính đến năm 2025, Đắk Lắk có 35 cá thể voi nhà, giảm mạnh so với hơn 500 cá thể được ghi nhận vào đầu thập niên 1980. Để bảo tồn loài voi và cải thiện phúc lợi cho các cá thể voi nuôi nhốt, năm 2021, UBND tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức Động vật châu Á đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác chuyển đổi mô hình du lịch với voi theo hướng thân thiện, không cưỡi voi và không sử dụng voi vào các hoạt động giải trí có hại.
Theo nội dung hợp tác, Tổ chức Động vật châu Á cam kết tài trợ trên 2 triệu USD cho tỉnh Đắk Lắk để triển khai mô hình du lịch voi mới. Từ năm 2016 đến nay, tổ chức này đã hỗ trợ khoảng 350.000 USD phục vụ công tác bảo tồn voi tại tỉnh. Tính đến hiện tại, 14 trong tổng số 35 cá thể voi nhà tại Đắk Lắk đã được cải thiện điều kiện sống, trong đó 11 cá thể đang tham gia mô hình du lịch không cưỡi voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn và 3 cá thể được chăm sóc tại Trung tâm Bảo tồn voi.
Tọa đàm lần này nằm trong khuôn khổ chương trình “Tập huấn về Phúc lợi động vật cho khoa Chăn nuôi Thú y – Trường Đại học Tây Nguyên và các đơn vị liên quan năm 2025”. Chương trình do Tổ chức Động vật châu Á phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn voi và Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện, hướng tới việc nâng cao năng lực chuyên môn cho khoảng 30 giảng viên, cán bộ thú y tại địa phương. Nội dung tập huấn bao gồm lý thuyết, thực hành tại cơ sở, học tập thực địa tại Vườn quốc gia Yok Đôn và Trung tâm Bảo tồn voi.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Trần Thọ.
Chương trình đào tạo được thiết kế nhằm cập nhật các tiêu chuẩn quốc tế về phúc lợi động vật, giới thiệu phương pháp áp dụng thực tiễn trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y, đồng thời trang bị công cụ giảng dạy hiện đại cho đội ngũ giảng viên. Ngoài ra, chương trình còn thúc đẩy nhận thức cộng đồng về bảo vệ động vật và phát triển bền vững, góp phần tạo nền tảng cho các sáng kiến bảo tồn dài hạn tại khu vực Tây Nguyên.
Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn