Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Northwestern, Hoa Kỳ đã chứng minh pha trà theo cách tự nhiên giúp hấp thụ kim loại nặng như chì và cadmi thông qua lọc các chất ô nhiễm nguy hiểm ra khỏi đồ uống. Các ion kim loại nặng sẽ bám vào bề mặt lá trà và được giữ lại cho đến khi vứt bỏ túi trà đã qua sử dụng. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí ACS Food Science & Technology.
Vinayak Dravid, tác giả chính của nghiên cứu cho rằng họ không khuyến nghị mọi người sử dụng lá trà làm bộ lọc nước. Nghiên cứu này nhằm mục tiêu đo khả năng hấp thụ kim loại nặng của trà. Thông qua định lượng tác động này, nghiên cứu làm nổi bật tiềm năng chưa được công nhận của việc tiêu thụ trà góp phần giúp mọi người giảm phơi nhiễm kim loại nặng.
Khám phá các biến số khác nhau
Các tác giả đã nghiên cứu ảnh hưởng của loại trà, túi trà và phương pháp pha trà khác nhau đến khả năng hấp thụ kim loại nặng. Các loại trà được thử nghiệm, gồm có trà đen, trà xanh, trà ô long, trà trắng, trà hoa cúc và trà lá rời. Sự khác biệt giữa trà lá rời và trà đóng túi thương mại đã được xem xét.
Các nhà nghiên cứu đã pha dung dịch nước chứa chì và các kim loại khác như crom, đồng, kẽm và cadmi, sau đó đun nóng dung dịch đến gần mức nhiệt độ sôi. Tiếp đến, họ cho thêm lá trà vào, ngâm trong nhiều khoảng thời gian từ vài giây đến 24 giờ. Sau khi ngâm, nhóm nghiên cứu đã đo hàm lượng kim loại còn lại trong nước và tính toán được hàm lượng kim loại đã được loại bỏ hiệu quả bằng cách so sánh hàm lượng kim loại trước và sau khi thêm lá trà vào.
Túi xenlulô hoạt động tốt nhất và không giải phóng vi nhựa
Sau nhiều thí nghiệm, các tác giả đã xác định được một số xu hướng. Trong thử nghiệm các loại túi khác nhau không có trà bên trong, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng túi cotton và túi nylon chỉ hấp thụ một lượng nhỏ chất ô nhiễm. Tuy nhiên, túi xenlulô hoạt động cực kỳ tốt.
Một vật liệu hấp thụ hiệu quả chất ô nhiễm cần có diện tích bề mặt lớn. Tương tự như cách nam châm dính vào cánh cửa tủ lạnh, các ion kim loại bám vào bề mặt của vật liệu. Vì vậy, diện tích để các hạt bám vào càng lớn thì khả năng hấp thụ càng tốt. Ông Shindel đưa ra giả thuyết xenlulô, vật liệu tự nhiên có thể phân hủy sinh học được làm từ bột gỗ, có diện tích bề mặt lớn hơn nên có nhiều vị trí liên kết hơn so với các vật liệu tổng hợp bóng hơn.
Ông Shindel cho rằng: “Túi trà cotton và nylon gần như không loại bỏ được kim loại nặng khỏi nước. Túi trà nylon vốn có hạn chế vì chúng giải phóng vi nhựa, nhưng phần lớn túi trà được sử dụng ngày nay, đều được làm từ vật liệu tự nhiên như xenlulô. Chúng có thể giải phóng vi hạt xenlulô, nhưng đó chỉ là chất xơ mà cơ thể chúng ta có thể xử lý được”.
Thời gian ngâm càng lâu, càng loại bỏ được nhiều kim loại
Khi so sánh các loại trà khác nhau, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra loại trà và cách xay góp phần nhỏ vào việc hấp thụ chất ô nhiễm. Lá trà xay mịn, đặc biệt là lá trà đen, hấp thụ nhiều ion kim loại hơn một chút so với lá trà còn nguyên. Một lần nữa, các nhà nghiên cứu cho rằng hiệu quả này là do diện tích bề mặt.
Một yếu tố nổi bật trong trong tất cả các thí nghiệm: Đó là thời gian ngâm tác động nhiều nhất đến khả năng hấp thụ các ion kim loại của lá trà. Thời gian ngâm càng lâu, càng nhiều chất ô nhiễm được hấp thụ.
Cơ hội trong tương lai
Mặc dù kết quả nghiên cứu phụ thuộc vào một số yếu tố như thời gian ngâm và tỷ lệ nước/trà, nhưng việc pha trà đã loại bỏ chì khỏi nước. Điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Từ các thí nghiệm, nhóm nghiên cứu ước tính việc pha trà có thể loại bỏ khoảng 15% chì trong nước uống, thậm chí nồng độ chì lên tới 10 phần triệu. Ước tính đó chỉ áp dụng cho một tách trà “thông thường”, bao gồm một cốc nước và một túi trà, pha trong thời gian từ 3 đến 5 phút. Thay đổi các thông số sẽ ảnh hưởng đến hàm lượng chì được hấp thụ. Ví dụ, ngâm lâu hơn 5 phút sẽ hấp thụ nhiều chì hơn so với thời gian ngâm trung bình.
Nếu cuộc khủng hoảng nước diễn ra, việc pha trà sẽ không giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cung cấp thông tin mới hữu ích có thể áp dụng cho nghiên cứu sức khỏe cộng đồng. Ông Shindel cho rằng: “Nếu mọi người uống thêm một tách trà mỗi ngày, theo thời gian, chúng ta có thể nhận thấy tỷ lệ mắc bệnh do tiếp xúc với kim loại nặng, sẽ giảm. Hoặc việc uống trà có thể giúp giải thích tại sao những nhóm dân số uống nhiều trà hơn sẽ có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ thấp hơn những nhóm dân số uống ít trà hơn“.
Theo: vista.gov.vn