Để đảm bảo nguồn cung ổn định cho xuất khẩu thủy sản, hướng tới mục tiêu 1 tỷ USD, Khánh Hòa đầu tư hơn 545 tỷ đồng phát triển 240ha nuôi biển công nghệ cao.
Với đường bờ biển dài 385km, hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều đầm, vịnh kín gió và các cảng nước sâu, tỉnh Khánh Hòa rất thuận lợi cho phát triển thủy sản.
Khánh Hòa có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển thủy sản. Ảnh: KS.
Hiện tỉnh này có 3.416 tàu cá, trong đó 633 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, chuyên hành nghề đánh bắt các loại cá ngừ đại dương, cá ngừ sọc dưa… ở vùng biển xa bờ.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa, năm 2024, sản lượng thủy sản khai thác trên địa bàn tỉnh ước đạt 103.000 tấn, tăng 0,2% so với năm 2023.
Trong khi đó, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ở Khánh Hòa gần 4.300ha. Đối tượng nuôi chủ yếu là tôm hùm và một số loài cá biển, tập trung ở 4 vùng nuôi gồm Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh, với tổng sản lượng đạt hơn 22.570 tấn, tăng 21% so với năm 2023.
Khánh Hòa cũng là tỉnh có thế mạnh chế biến và xuất khẩu thủy sản, với 149 cơ sở sản xuất chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa và 57 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu. Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu gồm cá ngừ, tôm… của Khánh Hòa đã có mặt trên thị trường 64 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm từ 35-44% giá trị xuất khẩu của tỉnh, đưa Khánh Hòa trở thành một trong 5 tỉnh xuất khẩu thủy sản mạnh của cả nước.
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Khánh Hòa ước đạt 850 triệu USD, tăng 26,8% so cùng kỳ, góp phần vào sự tăng trưởng chung của tỉnh.
Khánh Hòa có đội tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương. Ảnh: KS.
Ông Nguyễn Trọng Chánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa, cho biết, những năm qua kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh đều tăng trưởng. Năm 2025, tỉnh phấn đấu thu về khoảng 1 tỷ USD từ xuất khẩu thủy sản.
Để đạt mục tiêu này, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được trong khai thác, nuôi trồng, chế biến và thương mại. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 231 ngày 24/1/2025.
Theo ông Chánh, để thúc đẩy nuôi biển công nghệ cao, ngày 18/2 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 1884 để triển khai thực hiện đề án, trong đó có xây dựng các chính sách để khuyến khích chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao và sử dụng vật liệu mới.
Cụ thể như chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè nuôi trồng thủy sản và trên các phương tiện phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thủy sản nuôi trên biển; hỗ trợ kinh phí chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật liệu truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu mới.
Cùng với đó triển khai các giải pháp và các chương trình, đề án, dự án để thực hiện như: đầu tư hạ tầng vùng nuôi; về quản lý và tổ chức sản xuất; kêu gọi đầu tư về thức ăn, con giống, công nghệ nuôi, công nghệ hỗ trợ và dịch vụ nuôi biển, cũng như quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường…
Khánh Hòa sẽ mở rộng nuôi biển công nghệ cao để góp phần đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản. Ảnh: KS.
Bên cạnh đó, trong Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, có cơ chế chính sách về giao khu vực biển và miễn giảm thuế cho các tổ chức cá nhân hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển.
“Với các chính sách phát triển thủy sản hiện có và đang được xây dựng, sau khi hoàn thiện ban hành sẽ tạo điều kiện pháp lý, môi trường thuận lợi, hỗ trợ ngư dân phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả và bền vững, góp phần đạt mục tiêu thu 1 tỷ USD từ xuất khẩu thủy sản”, ông Chánh tin tưởng.
Được biết, trước khi đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Khánh Hòa cũng đã xây dựng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở. Sau 1 năm triển khai, các lồng HDPE của mô hình nuôi thí điểm đều thu hoạch cho lợi nhuận cao hơn mô hình nuôi bằng lồng gỗ truyền thống. Trong đó, mô hình nuôi cá bớp tỷ suất lợi nhuận trung bình đạt 172%, mô hình nuôi tôm hùm đạt 112%, mô hình nuôi cá mú đạt hơn 131%.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Khánh Hòa, đến năm 2029, tỉnh nhân rộng khoảng 240ha nuôi biển công nghệ cao, với tổng nguồn kinh phí hơn 545 tỷ đồng, để chuyển đổi lồng nuôi truyền thống sang lồng nuôi HDPE.
Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn