Huyện Phú Giáo: Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

Huyện Phú Giáo đang từng bước khẳng định vai trò là địa phương phát triển chăn nuôi trọng điểm của tỉnh, với định hướng rõ ràng: Lấy công nghệ cao làm trụ cột, gắn chặt với mục tiêu bảo vệ môi trường và an toàn sinh học. Với hơn 200 trang trại quy mô lớn, ngành chăn nuôi huyện Phú Giáo đã và đang chuyển từ phương thức truyền thống sang sản xuất hiện đại, tuần hoàn, tạo tiền đề cho một nền nông nghiệp sinh thái bền vững.

 Mô hình chăn nuôi vịt lạnh của chị Đặng Như Thuận, xã Tân Hiệp cho năng suất cao, bảo đảm về môi trường

 Bảo vệ môi trường từ chuồng trại

Nhằm nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường và giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Giáo đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Từ hệ thống chuồng trại hiện đại, tự động hóa cho đến các giải pháp xử lý chất thải bằng vi sinh, mô hình chăn nuôi này không chỉ giúp tăng hiệu quả kinh tế mà còn hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Một trong những điểm sáng là mô hình chuồng trại khép kín kết hợp hệ thống làm mát tự động và kiểm soát nhiệt độ, giúp giảm stress cho vật nuôi và hạn chế dịch bệnh. Tại Công ty CP Việt Nam – Chi nhánh Phú Giáo, hệ thống này đã được triển khai cho đàn heo lên đến 5.000 con. Nhờ kiểm soát tốt các yếu tố môi trường trong chuồng, tỷ lệ hao hụt do dịch bệnh đã giảm tới 30%, mang lại hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế lẫn an toàn dịch tễ.

Không chỉ vậy, việc sử dụng máy cho ăn tự động và giám sát bằng công nghệ IoT (internet vạn vật) đang trở nên phổ biến tại các trang trại quy mô lớn trên địa bàn huyện. Mô hình này giúp cung cấp thức ăn chính xác về thời gian và khối lượng, hạn chế dư thừa, nâng cao tỷ lệ tăng trọng và giảm chi phí lao động. Điển hình như trang trại gà của anh Nguyễn Hữu Quang, xã Vĩnh Hòa, hiện đang nuôi 10.000 con gà theo mô hình tự động hóa. Anh Quang chia sẻ: “Nhờ ứng dụng máy cho ăn và uống nước tự động, tôi đã tiết kiệm được khoảng 30% chi phí nhân công và sản lượng thịt gà tăng thêm 10% so với cách nuôi truyền thống trước đây”.

Song song với sản xuất, các trang trại cũng chú trọng đến xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện nay, Công ty Japfa Comfeed đang áp dụng công nghệ vi sinh để xử lý chất thải từ trại heo 20.000 con tại huyện Phú Giáo, tạo ra khoảng 200 tấn phân hữu cơ mỗi tháng.

Theo ông Trần Minh Đức, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo, để giảm thiểu tác động tiêu cực từ chăn nuôi đến môi trường, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, chủ trang trại xây dựng mô hình an toàn sinh học toàn diện, từ quản lý dịch bệnh đến xử lý chất thải. “Chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác tiêm phòng, vệ sinh, khử trùng chuồng trại định kỳ. Xử lý chất thải chăn nuôi cũng là nhiệm vụ quan trọng. Nhiều cơ sở đã lắp đặt hệ thống biogas quy mô lớn, vừa xử lý chất thải rắn, lỏng, vừa sản xuất khí đốt phục vụ sinh hoạt, nấu ăn và vận hành chuồng trại”, ông Trần Minh Đức cho hay.

Hướng đến chăn nuôi bền vững

Tại xã Tân Hiệp, một trong những địa phương có số lượng trang trại chăn nuôi quy mô lớn nhiều nhất huyện Phú Giáo, mô hình chăn nuôi vịt lạnh của chị Đặng Như Thuận ở ấp 5 là điển hình của phương thức sản xuất thân thiện với môi trường. Trang trại của chị quy mô khoảng 24.000 con với 6 chuồng được đầu tư hệ thống giám sát nhiệt độ, độ ẩm và thông khí tự động. Ngoài ra, chị còn lắp đặt hầm biogas để xử lý chất thải khép kín, giảm thiểu mùi hôi và hạn chế nguy cơ dịch bệnh. “Trung bình 45 ngày tôi xuất 1 lứa. Nuôi vịt áp dụng công nghệ cao và quy trình an toàn sinh học, đàn vịt phát triển ổn định, đầu ra cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để chăn nuôi công nghệ cao và an toàn sinh học được nhân rộng, chi phí đầu tư ban đầu cho các hệ thống hiện đại là trở ngại lớn nhất đối với các hộ nhỏ lẻ”, chị Thuận chia sẻ.

Việc phát triển ngành chăn nuôi công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường đang từng bước định hình lại diện mạo ngành nông nghiệp huyện Phú Giáo. Theo lãnh đạo huyện, thời gian qua địa phương đã và đang tích cực hỗ trợ các chủ trang trại, hộ chăn nuôi tiếp cận công nghệ, nâng cao kỹ thuật sản xuất, đồng thời thúc đẩy việc xử lý chất thải chăn nuôi một cách bài bản, khoa học. Trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác hỗ trợ kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn trực tiếp tại các hộ dân và trang trại. Nội dung trọng tâm là giúp người dân tiếp cận kỹ thuật an toàn sinh học, hiểu và ứng dụng công nghệ chăn nuôi mới, đặc biệt là sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải và phòng ngừa dịch bệnh.

Bên cạnh đó, huyện Phú Giáo định hướng xây dựng mô hình điểm về chăn nuôi công nghệ cao tại từng xã. Mỗi mô hình sẽ đóng vai trò như một “vườn ươm” kỹ thuật, từ đó lan tỏa ra các địa phương khác, tạo nền tảng vững chắc để nhân rộng sản xuất hiện đại. Đây được xem là giải pháp thiết thực nhằm nâng cao trình độ sản xuất và ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng nông dân.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện là xây dựng chuỗi giá trị nông sản sạch gắn với thị trường tiêu thụ. Tới đây, huyện sẽ kết nối các khâu trong chuỗi từ cung ứng thức ăn, con giống, giết mổ, chế biến đến phân phối sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, truy xuất được nguồn gốc và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi của địa phương. Song song đó, địa phương sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ chất lượng nước thải, khí thải tại các trang trại; phối hợp hỗ trợ thủ tục pháp lý, giám sát môi trường và bảo vệ hệ sinh thái xung quanh vùng chăn nuôi…

 Toàn huyện Phú Giáo hiện có gần 470.000 con heo; có 112 trang trại heo áp dụng công nghệ cao, chiếm 85,1% tổng đàn; về gia cầm có hơn 3,6 triệu con, với 92 trang trại, chiếm hơn 85,5% tổng đàn. Đáng chú ý, trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao đầu tiên tại địa phương đã đi vào hoạt động, với quy mô 500 con bò, chiếm tới 22% tổng đàn trâu, bò toàn huyện. Toàn huyện có 205 trang trại ứng dụng công nghệ cao.

Nguồn: Baomoi.com

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Chuyển đổi từ con tôm sang cá nước lợ, hiệu quả vẫn là ẩn số

Khi nuôi tôm gặp khó, nhiều nông dân Sóc Trăng chuyển đổi sang cá nước …