Không phải tất cả san hô đều bám vào đáy biển, một số loài “sống tự do” được biết là di cư đến môi trường sống mà chúng ưa thích. Tuy nhiên, cụ thể cách di chuyển và hướng đi của chúng vẫn còn là bí ẩn. Giờ đây, nhóm nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Queensland đã phát hiện ra rằng Cycloseris cyclolites, loài san hô nấm nhỏ sống tự do, sử dụng các chuyển động lăn, trượt hoặc đập để hướng đến các điều kiện ánh sáng tối ưu.
Tiếp xúc với ánh sáng rất quan trọng đối với sự sống còn của san hô, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp và sự sinh trưởng, cũng như sức khỏe của chúng. Các nhà nghiên cứu nhận thấy san hô di chuyển bằng cách làm cho các mô phồng lên và xẹp xuống theo nhịp để tiến về phía trước giống như sứa rất thích ánh sáng xanh và trắng.
Những loài san hô sống tự do xem ra cũng sử dụng chuyển động chưa từng thấy này cho các chức năng khác, như tự điều chỉnh lại khi bị lật ngược và loại bỏ trầm tích khi bị chôn vùi trong bão, giúp chúng sống sót trong môi trường phức tạp. Brett Lewis, đồng tác giả nghiên cứu, cho rằng: “Khả năng Cycloseris cyclolite di chuyển về phía các nguồn sáng cụ thể là một điểm tương đồng thú vị với các loài sinh vật biển khác như sứa. Điều này cho thấy chúng có hệ thần kinh phức tạp hơn so với đánh giá trước đây“.
Theo các tác giả, sở thích của san hô đối với các loại ánh sáng cụ thể dường như phù hợp với sở thích của chúng với môi trường sống ở vùng nước sâu hơn. Ánh sáng xanh chiếm ưu thế ở độ sâu gần đáy biển hơn và việc thể hiện sở thích đối với bước sóng này rất quan trọng đối với quá trình di cư của san hô để sinh tồn, sinh sản và phân tán.
Phát hiện mới mở ra góc nhìn về khả năng đáng chú ý của san hô, thách thức quan điểm cho rằng các sinh vật này là những thực thể thụ động. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng có ý nghĩa đối với công tác bảo vệ san hô đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Theo TS. Lewis, hiểu được các chiến lược di chuyển của san hô sẽ giúp các nhà khoa học dự đoán khả năng của san hô trong việc chống lại, sống sót hoặc thích nghi với những thay đổi điều kiện môi trường như thay đổi bề mặt nước biển do biến đổi khí hậu, có thể giảm bớt nhờ vùng nước sâu hơn mà san hô di cư đến. Theo đó, tốc độ di cư càng nhanh thì cơ hội sống sót càng cao.
Theo: vista.gov.vn