Phía Australia vừa có “Báo cáo cuối cùng về yêu cầu an toàn sinh học đối với quả bưởi tươi nhập khẩu từ Việt Nam” trong đó khẳng định trái bưởi đủ điều kiện nhập khẩu vào Australia. Việc hoàn thiện báo cáo này không chỉ đánh dấu bước tiến trong đàm phán mở cửa thị trường mà còn thể hiện năng lực ngày càng cao của ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn sinh học quốc tế.
Bưởi Diễn của tỉnh Hòa Bình đã xuất khẩu sang thị trường Anh. Ảnh: M.Minh.
Cánh cửa mới cho bưởi tươi Việt Nam
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia (DAFF) vừa chính thức ban hành “Báo cáo cuối cùng về yêu cầu an toàn sinh học đối với quả bưởi tươi nhập khẩu từ Việt Nam”. Báo cáo này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình đàm phán kéo dài nhiều năm giữa hai bên.
Theo kế hoạch, sau khi báo cáo được công bố, phía Australia sẽ tiến hành các bước xác minh cuối cùng với Việt Nam để đảm bảo năng lực triển khai các biện pháp kiểm dịch. Việc Australia công nhận khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn sinh học của Việt Nam, mở ra cơ hội lớn cho sản phẩm bưởi.
Trước đó, tháng 5/2022, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chính thức đề nghị Australia mở cửa thị trường cho quả bưởi xuất khẩu sang thị trường này. Trong tháng 10, 11/2022, các cán bộ của phía Australia đã đến thăm các vùng sản xuất bưởi tại Việt Nam để quan sát quy trình sản xuất thương mại, quản lý sinh vật gây hại và các hoạt động xuất khẩu khác. Tháng 7/2023, phía Australia đã thông báo tới các bên liên quan về quyết định tiến hành xem xét đề nghị mở cửa thị trường cho quả bưởi Việt Nam dưới hình thức rà soát các yêu cầu nhập khẩu về an toàn sinh học.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, diện tích trồng bưởi cả nước đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, từ 50.000ha năm 2015 lên hơn 100.000ha hiện nay, sản lượng gần 1 triệu tấn, tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc. Các giống bưởi như Năm Roi, Da Xanh, Diễn, Tân Lạc… đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Canada, Nhật Bản. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu còn khiêm tốn, khoảng 5.000 tấn/năm, chủ yếu do hạn chế về kỹ thuật và công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Việc mở cửa thị trường Australia sẽ tạo thêm động lực để bưởi Việt Nam phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Xây dựng chuỗi liên kết
Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam – SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đánh giá, việc Australia công nhận khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn sinh học của Việt Nam là bước tiến trong quá trình đàm phán mở cửa thị trường, đồng thời khẳng định năng lực của ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật Việt Nam.
Cũng theo ông Nam, Australia là một trong những thị trường khó tính với các tiêu chuẩn an toàn sinh học nghiêm ngặt. Việc bưởi Việt Nam vượt qua được hàng rào kỹ thuật này mở ra cơ hội lớn cho ngành trái cây xuất khẩu của nước nhà.
Theo thống kê của Cục Hải quan Việt Nam, quý I/2025 chứng kiến sự sụt giảm trong kim ngạch xuất khẩu rau quả, một phần do những thay đổi trong chính sách nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc. Tuy nhiên, bưởi lại đi ngược dòng, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 17,5 triệu USD, tăng 60,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này giúp bưởi lọt vào top 10 mặt hàng quả và quả hạch có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu, với thị phần tăng từ 0,85% lên 1,5% chỉ trong 3 tháng đầu năm.
Do đó, việc mở cửa chính ngạch với trái bưởi tươi sang Australia có ý nghĩa rất lớn trong việc đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu ngành trái cây trong thời gian tới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, bưởi Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Trung Quốc chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Canada, New Zealand, Đức, Hà Lan, UAE, Hồng Kông (Trung Quốc) và Na Uy.
Nguồn: Baomoi.com