Chăn nuôi an toàn không dịch bệnh là ‘chìa khóa’ cho sinh kế bền vững

Chăn nuôi an toàn dịch bệnh không chỉ là giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi mà còn là chìa khóa ổn định sản xuất, giữ vững sinh kế cho người dân ở Tuyên Quang.

Hiện, tỉnh Tuyên Quang có trên 86.000 con trâu, hơn 42.300 con bò, khoảng 593.000 con lợn và trên 7,5 triệu con gia cầm. Trước nguy cơ dịch bệnh ngày càng phức tạp, tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đồng thời ban hành Kế hoạch 207/KH-UBND năm 2024 nhằm tăng cường phòng, chống dịch cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang,

Các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh được mở rộng tại Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Theo đó, ngành Nông nghiệp và Môi trường Tuyên Quang phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm phòng vacxin, đảm bảo tỷ lệ bao phủ tối thiểu 80% tổng đàn. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát dịch bệnh, xử lý dứt điểm các ổ dịch mới phát sinh, kiểm soát chặt hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã tiêm vacxin lở mồm long móng cho hơn 31.500 con trâu, 21.100 con bò và hơn 74.500 con lợn. Ngoài ra, vacxin tụ huyết trùng cũng được triển khai cho hơn 34.000 con trâu, 21.000 con bò, 357.000 con lợn và gần 2,4 triệu con gia cầm. Công tác kiểm dịch vận chuyển động vật được kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Tuyên Quang cho biết, toàn tỉnh hiện có nhiều cơ sở chăn nuôi đạt chuẩn an toàn dịch bệnh, trong đó có các công ty lớn, hợp tác xã và trang trại quy mô vừa và lớn đang hoạt động hiệu quả.

Trong năm 2024, sản lượng thịt hơi toàn tỉnh đạt hơn 8.290 tấn trâu, gần 1.800 tấn bò, trên 69.400 tấn lợn và 18.500 tấn gia cầm, tăng từ 6 đến 7% so với năm 2023, phản ánh hiệu quả từ việc chăn nuôi an toàn, phòng dịch tốt.

Gia đình ông Đào Văn Chi, thôn Tân Trào, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thường xuyên chăn nuôi hơn 100 con lợn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông chủ động tiêm vacxin phòng bệnh lở mồm long móng, thường xuyên khử trùng chuồng trại, áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đồng thời quản lý nghiêm ngặt người và phương tiện ra vào trại.

Chăn nuôi an toàn dịch bệnh là chìa khóa quan trọng giúp người nông dân ở Tuyên Quang có sinh kế bền vững. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Chi chia sẻ, gia đình tuân thủ chặt quy trình phòng dịch. Ngoài tiêm đầy đủ các loại vacxin bắt buộc, còn chủ động vệ sinh, xử lý chất thải mỗi ngày để không gây ô nhiễm môi trường.

Hợp tác xã sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang hiện nuôi trên 2.000 con lợn thịt, mỗi năm xuất khoảng 400 tấn thịt ra thị trường. HTX áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh thú y, khử trùng định kỳ, hạn chế tối đa nguy cơ mầm bệnh xâm nhập.

Anh Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX cho biết, quy trình chăn nuôi của đơn vị đã đạt chứng nhận VietGAP. Đặc biệt, sản phẩm thịt lợn thảo dược Sáng Nhung đạt OCOP 4 sao. Nhiều sản phẩm chế biến như lạp xưởng, giò, chả, xúc xích… cũng được công nhận từ 3 đến 4 sao, góp phần nâng cao giá trị chăn nuôi và thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, chăn nuôi an toàn dịch bệnh ở Tuyên Quang vẫn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân do nhận thức của một bộ phận người dân về phòng dịch còn hạn chế; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chăn nuôi, thú y tại một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu; việc kiểm soát buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm còn lỏng lẻo, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh…

Ngành Nông nghiệp và Môi trường Tuyên Quang cùng chính quyền địa phương đang tập trung tháo gỡ khó khăn bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi an toàn, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở thú y và kiểm soát chặt khâu vận chuyển, giết mổ.

Chăn nuôi an toàn dịch bệnh là hướng đi tất yếu trong phát triển nông nghiệp hiện đại. Với sự đồng lòng từ chính quyền, ngành chuyên môn và người dân, Tuyên Quang đang dần xây dựng thành công các vùng chăn nuôi an toàn, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Chuyển đổi canh tác cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

Nắng gắt hơn, mưa bất thường, sâu bệnh khó lường… – những dấu hiệu của biến …