Nghiên cứu của Tiến sĩ Siddhant Kerhalkar, nghiên cứu sinh tại Trường Khoa học và Công nghệ Hàng hải UMass Dartmouth (SMAST), đã mang lại cái nhìn mới về cách các cấu trúc nhiệt trong đại dương phục hồi sau bão. Đây là một lĩnh vực hải dương học ít được nghiên cứu trước đây, chủ yếu do thiếu các quan sát trực tiếp trên tàu. Kết quả nghiên cứu giúp hiểu rõ hơn quá trình phục hồi của đại dương sau khi bão đi qua, cung cấp dữ liệu quan trọng trong việc cải thiện các mô hình khí hậu và dự đoán các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters và là kết quả của sự hợp tác nghiên cứu quốc tế tại vùng Biển Ả Rập. Kerhalkar cùng các đồng tác giả gồm Ankitha Kannad, Alex Kinsella, Amit Tandon, Janet Sprintall và Craig M. Lee đã sử dụng dữ liệu thu thập từ tàu nghiên cứu R/V Thompson trong chiến dịch thực địa năm 2023 để nghiên cứu các hậu quả do Bão Biparjoy gây ra.
Phát hiện của các nhà nghiên cứu cho thấy chuyển động chậm của xoáy thuận, kết hợp với gió mùa, đã kích hoạt các quá trình đại dương quy mô nhỏ tạo ra các cấu trúc không đối xứng về nhiệt độ, độ mặn và vận tốc trong luồng xoáy. Đây là lần đầu tiên các phép đo này được thực hiện tại Biển Ả Rập, nơi dù đã trải qua sự ấm lên bất thường trong những năm gần đây, nhưng vẫn là một khu vực ít được nghiên cứu hơn so với nhiều đại dương khác trên thế giới.
Những quan sát này, thuộc một phần trong Chương trình “Enhancing Knowledge of the Arabian Sea Marine environment through Science and Advanced Training (EKAMSAT), đã tập trung vào việc thu thập và phân tích các tập dữ liệu khí quyển và hải dương học đương đại nhằm cải thiện khả năng dự đoán của các mô hình gió mùa trong việc giải quyết các vấn đề an toàn của tàu thuyền trên biển, nâng cao chất lượng dự báo giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ các hoạt động hàng hải.
Kerhalkar cho biết: “chúng tôi phát hiện rằng các quá trình đại dương quy mô nhỏ, hay còn gọi là các quá trình đại dương dưới quy mô trung bình – là những hiện tượng và tương tác diễn ra trong môi trường đại dương ở phạm vi không gian và thời gian nhỏ hơn so với các quá trình đại dương quy mô lớn (như dòng hải lưu hoặc chu trình nước toàn cầu) – giúp hiểu rõ hơn về sự động lực học của đại dương và ảnh hưởng của chúng đến môi trường biển cũng như khí hậu, có vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi cấu trúc nhiệt của đại dương sau cơn bão. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc vận chuyển nhiệt, phân phối chất dinh dưỡng và cải thiện khả năng dự báo thời tiết của đại dương, đặc biệt là trong dự báo gió mùa”.
Nghiên cứu này làm rõ cách các quá trình đại dương này có thể tác động đến trao đổi nhiệt giữa không khí và biển, cũng như ảnh hưởng của chúng đến động lực khí hậu nói chung. Những phát hiện này cung cấp cái nhìn sâu sắc, giúp nâng cao khả năng dự đoán hành vi của bão và các biến động của gió mùa. Diễn biến gió mùa Ấn Độ có tác động trực tiếp đến khoảng 1/3 dân số toàn cầu, do đó, nghiên cứu nhấn mạnh sự quan trọng của việc hiểu rõ các cơ chế này nhằm cải thiện dự báo khí hậu và tăng cường khả năng ứng phó với thảm họa.
Amit Tandon, đồng tác giả và giáo sư kỹ thuật cơ khí, khoa học cửa sông và đại dương tại UMass Dartmouth chia sẻ rằng, “nghiên cứu này đóng góp vào việc mở rộng hiểu biết của chúng ta về sự tương tác giữa đại dương và khí quyển, đặc biệt là ở những khu vực chịu ảnh hưởng của các hệ thống nhiệt đới mạnh.
Nghiên cứu của Siddhant cung cấp bằng chứng quan sát mới sẽ giúp cải tiến các mô hình dự báo cho các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, ông nhấn mạnh.
Theo: vista.gov.vn