Các nhà nghiên cứu từ Đại học Auburn-Hoa Kỳ, phối hợp với Quỹ Oswaldo Cruz (FIOCRUZ) của Brazil; tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới về bệnh Chagas vừa công bố một nghiên cứu quan trọng trên tạp chí Biochemistry. Nghiên cứu cung cấp những hiểu biết mới về cách ký sinh trùng gây bệnh Chagas xâm nhập vào tế bào người, mở ra hướng đi quan trọng trong việc phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả cho căn bệnh nhiệt đới bị lãng quên này.
Tiến sĩ Bernardi cho biết: “Bệnh Chagas do ký sinh trùng Trypanosoma cruzi gây ra, vốn phổ biến ở khu vực Mỹ Latinh nhưng đang trở thành mối đe dọa toàn cầu do sự gia tăng của du lịch quốc tế và di cư. Sự lây lan của bệnh ra ngoài biên giới khiến nó trở thành một mối đe dọa tại các khu vực như Hoa Kỳ và châu Âu, nơi bệnh thường không được nhận diện do các triệu chứng ban đầu không rõ rệt”.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng mô phỏng động học phân tử tiên tiến để phân tích sự tương tác giữa protein gp82 của ký sinh trùng và thụ thể LAMP2 của con người. Đây là cơ chế quan trọng giúp T. cruzi xâm nhập vào tế bào vật chủ. Lần đầu tiên, mô hình này cung cấp cái nhìn chi tiết ở cấp độ nguyên tử về sự tương tác giữa hai thành phần này, giúp xác định các mục tiêu tiềm năng cho các liệu pháp ngăn chặn quá trình nhiễm trùng.
Tiến sĩ Bernardi nhấn mạnh: “Nghiên cứu này không chỉ là một khám phá khoa học mà còn nhằm giải quyết một vấn đề y tế toàn cầu bị bỏ quên. Bệnh Chagas ảnh hưởng đến hàng triệu người và tạo ra gánh nặng lớn cho hệ thống y tế, đặc biệt là ở Mỹ Latinh. Tuy nhiên, sự lan rộng của bệnh đến Hoa Kỳ và châu Âu, nơi dữ liệu về tỷ lệ mắc bệnh còn rất hạn chế; cho thấy sự cấp thiết của việc tăng cường giám sát và nghiên cứu”.
Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Leal da Silva cho biết: “Sự hợp tác với Viện nghiên cứu FIOCRUZ càng nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu quốc tế trong việc đối phó với bệnh Chagas. Phối hợp với Đại học Auburn giúp chúng tôi kết hợp công nghệ tiên tiến với nhiều thập kỷ kinh nghiệm trong nghiên cứu về bệnh Chagas. Nghiên cứu này là bước quan trọng để hiểu rõ hơn các cơ chế phân tử của bệnh Chagas, từ đó hỗ trợ phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả”.
Nghiên cứu sinh Raissa Rosa, tại Viện nghiên cứu FIOCRUZ và Đại học Auburn, cho biết: “Sự hợp tác này mang lại những kết nối các kết quả thực nghiệm với nghiên cứu tính toán, từ đó quan sát được sự tương tác ở mức độ nguyên tử. Điều này không chỉ giải thích các kết quả thực nghiệm trước đây mà còn giúp phát hiện những khía cạnh mới của sự tương tác giữa ký sinh trùng và vật chủ mà trước đây chúng tôi chưa từng thấy”.
Theo: vista.gov.vn