HTX giúp đẩy lùi cái nghèo ở Vĩnh Hanh

Xác định công tác giảm nghèo hướng đến mục tiêu cao nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần cho người dân, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đã triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ các tiêu chí giảm nghèo, gắn liền với quá trình xây dựng Nông thôn mới, trong đó, chú trọng đến vai trò của HTX. Nhờ đó, Vĩnh Hanh đã gặt hái được những thành quả đáng tự hào trong công cuộc giảm nghèo, từng bước giúp cải thiện đời sống của người dân.

HTX góp phần thay đổi tư duy sản xuất, giúp giảm nghèo bền vữngHTX tiên phong “số hóa”, kiến tạo tương lai cho đồng bào vùng caoNhững mô hình HTX do phụ nữ làm chủ ở Lào Cai

Việc lồng ghép các tiêu chí giảm nghèo vào chương trình xây dựng Nông thôn mới đã tạo ra một sức mạnh tổng hợp, mang lại hiệu quả thiết thực cho xã Vĩnh Hanh.

Chủ trương lớn đi vào cuộc sống

Nhờ nguồn lực đầu tư từ chương trình Nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn ở Vĩnh Hanh ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương, vận chuyển hàng hóa. Các công trình thủy lợi được nâng cấp, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu ổn định cho sản xuất nông nghiệp, giúp người dân yên tâm canh tác, tăng năng suất và thu nhập.

Không dừng lại ở đó, một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công trong công tác giảm nghèo ở Vĩnh Hanh chính là sự phát triển và hoạt động hiệu quả của mô hình HTX.

Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Vĩnh Hanh hoạt động với ngành nghề: sản xuất – kinh doanh cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; dịch vụ cày xới, cấy lúa, vận chuyển nông nghiệp; phun xịt thuốc bảo vệ thực vật; thu hoạch lúa bằng cơ giới; tiêu thụ nông sản… Ngoài tổ chức hợp tác sản xuất, HTX còn phổ biến, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến, tạo điều kiện thuận lợi liên kết với các doanh nghiệp, đảm bảo cung ứng đầu vào, tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm cho thành viên, người dân.

HTX đang là cầu nối người dân với chính quyền địa phương và doanh nghiệp

Đặc biệt, HTX đã hình thành mô hình liên kết sản xuất Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam Vinarice 02; thực hiện 01 mô hình 15 hecta lúa phục vụ đề án 1 triệu hecta ở ấp Vĩnh Thuận góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động.

Có thể thấy, với sự nỗ lực của ban giám đốc và sự tham gia tích cực của các thành viên, HTX đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một tổ chức kinh tế vững mạnh trên địa bàn xã. HTX Vĩnh Hanh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các thành viên, đặc biệt là các hộ có hoàn cảnh khó khăn, như: cung cấp giống cây trồng, vật tư nông nghiệp với giá ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm ổn định với thu nhập khá. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã được HTX tạo điều kiện tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó có nguồn thu nhập ổn định, từng bước thoát khỏi khó khăn.

Theo đánh giá của UBND xã, mô hình HTX Vĩnh Hanh đã phát huy vai trò tập hợp sức mạnh cộng đồng, giúp các hộ sản xuất nhỏ lẻ liên kết lại với nhau, tạo ra lợi thế kinh tế về quy mô. Thông qua HTX, người dân có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, được hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Đặc biệt, HTX còn là cầu nối giữa người dân với các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, giúp các hộ nghèo và cận nghèo có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế.

Những kết quả tích cực

Nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa việc thực hiện các Tiêu chí giảm nghèo gắn với xây dựng Nông thôn mới và vai trò “đầu tàu” của các HTX, công tác giảm nghèo ở xã Vĩnh Hanh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Kinh tế – xã hội của xã không ngừng phát triển theo hướng bền vững, tạo tiền đề cho những bước tiến xa hơn trong tương lai.

Đặc biệt, thông qua mô hình HTX, các nguồn vốn phân bổ được sử dụng, hỗ trợ đúng mục đích, đã giúp cho các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập gia đình. Với mô hình HTX Vĩnh Hanh làm bệ đỡ, nhân dân đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và thay đổi tập quán canh tác cũ. Họ đã biết sử dụng các giống mới có năng suất, sản lượng cao, các ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp được Nhân dân áp dụng từ khâu làm đất, gieo sạ, cho đến khâu thu hoạch sản phẩm.

Lan tỏa mô hình liên kết sản xuất ở Vinh Hanh.

HTX cũng triển khai thực hiện nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; Mô hình Cánh đồng lớn. Thông qua HTX, ngành nông nghiệp, Liên minh HTX tỉnh, Hội phụ nữ, Hội Nông dân…cũng tích cực hướng dẫn, lồng ghép các chính sách, nguồn vốn thực hiện các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa các loại cây trồng trên đất lúa, chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện đồng bộ các Chương trình mục tiêu giảm nghèo, đào tạo việc làm cho lao động nông thôn…

Có thể thấy, thông qua mô hình HTX, chương trình giảm nghèo đến được với đông đảo người dân, làm khơi dậy được ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, thay đổi dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách đãi ngộ của Nhà nước, từ đó giảm dần số hộ nghèo, cận nghèo tái nghèo, phát sinh nghèo mới hằng năm.

Theo kết quả điều tra, đến cuối năm 2024, toàn xã chỉ còn 82 hộ nghèo, tỉ lệ 2,4%; hộ cận nghèo 55 hộ, tỷ lệ 1,6%. Thu nhập bình quân đầu người trên 65 triệu đồng/người/năm 2024. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư xây dựng mới nhà ở, có tiền đầu tư cho con em ăn học… Nhờ đó, đời sống của người dân ngày một cải thiện.

Giảm nghèo là quá trình lâu dài

Ông Nguyễn Văn Văn, người dân ấp Vĩnh Thuận cho biết: “Bản thân rất vui mừng vì tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm theo thời gian. Hiện giờ, kinh tế hàng hóa đã phát triển, có HTX hỗ trợ và liên kết với doanh nghiệp tạo thuận tiện cho sản xuất. Đời sống nhân dân ở đây cũng được nâng cao hơn rõ ràng.

Đặc biệt, từ mô hình của HTX Vĩnh Hanh, nhiều nông dân đang tích cực học tập với mong muốn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Như mô hình trồng na của ông Nguyễn Ngọc Châu (ấp Vĩnh Thạnh) không những mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho 10 lao động ở địa phương. Bên cạnh việc cần cù sản xuất, lợi nhuận từ việc trồng na đã giúp đời sống của gia đình ông Châu ngày một khá giả. Hiện, ông Châu đang mong muốn tập hợp người dân phát triển mô hình sản xuất này thông qua Tổ hợp tác hoặc HTX để thuận lợi đưa sản phẩm nông nghiệp phát triển trên thị trường cũng như thu hút doanh nghiệp liên kết.

Từ những thành công trên, chính quyền xã Vĩnh Hanh vẫn luôn xác định rằng công tác giảm nghèo là một quá trình lâu dài và cần sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Do đó, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ, tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề đa dạng, đặc biệt là các ngành nghề có tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Đồng thời, vai trò của các HTX sẽ tiếp tục được phát huy, trở thành những hạt nhân quan trọng trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ, tạo ra chuỗi giá trị bền vững, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo một cách căn cơ và hiệu quả hơn nữa.

Nguồn: Baomoi.com

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Giảm nghèo phải bắt đầu từ khoa học, công nghệ

Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ phục vụ phát …