Tìm nguyên nhân lúa đông xuân tại Nghệ An kết hạt kém

Hiện tượng lúa xuân trỗ không thoát, thoái hóa đầu bông, lúa không kết hạt, tỷ lệ lép cao xảy ra tại nhiều địa phương, nhất là các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu.

Vụ đông xuân 2024 – 2025, nhiều địa phương vùng Bắc Trung bộ có lúa bị thiệt hại với hiện tượng trỗ bông nhưng không kết hạt hoặc tỷ lệ lép cao. Nguyên nhân bước đầu được xác định do thời tiết bất thuận, lạnh kéo dài.

Nhiều hộ dân trên địa bàn Nghệ An buồn bã gặt lúa trỗ bông nhưng không kết hạt cho gia súc ăn. Ảnh: Ngọc Linh.

Lúa trỗ thoái hóa đầu bông, không kết hạt, tỷ lệ lép cao

Ghi nhận trên địa bàn Nghệ An đến thời điểm này cho thấy hiện tượng lúa xuân trỗ không thoát, thoái hóa đầu bông, lúa không kết hạt và tỷ lệ lép cao xảy ra tại nhiều địa phương, nhất là các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu.

Thực trạng này khiến nông dân rất buồn, nhất là khi thời điểm thu hoạch đã cận kề. Theo ghi nhận của ngành nông nghiệp các địa phương ở Nghệ An, các diện tích lúa bị thiệt hại chủ yếu xảy ra ở trà sớm, trỗ trước ngày 20/4, các diện tích trỗ sau ngày 20/4 bị thiệt hại nhẹ hơn.

Các diện tích lúa bị lép xanh, không kết hạt xuất hiện nhiều trên những trà lúa trỗ trước 15/4. Qua rà soát đến thời điểm này, có trên 2.500ha lúa bị lép hạt, tập trung tại các huyện Diễn Châu (1.858ha), thị xã Thái Hòa (305ha), Anh Sơn (193ha), Yên Thành (150ha), Nghi Lộc (6ha). Trong đó các giống có mức độ lép cao là Dương Ưu 725 (Hà Xuyên), An Nông 1424, HYT 100, AYT 77, VT 404… với tỷ lệ khoảng 40 – 60%, cục bộ một số diện tích tỷ lệ bị lép lửng, không kết hạt trên 70%…

Nhiều diện tích lúa xuân tại huyện Yên Thành trỗ bông nhưng không kết hạt. Ảnh: Ngọc Linh.

Những ngày này, nông dân ở các vùng lúa bị thiệt hại buồn rượi. Không khí trầm lắng bao trùm khắp các xứ đồng của huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… Nhìn những bông lúa trổ đứng thẳng tưng, bông lép xẹp vào thời điểm cuối vụ, ai cũng xót xa.

Ông Nguyễn Đình Chữ (xã Đồng Thành, huyện Yên Thành) cho biết, đến thời điểm này, lúa vụ xuân năm nay của gia đình chắc mất trắng. “Mất hết rồi. Năm nay tôi ưu tiên sử dụng giống An Nông 1424 với diện tích 1 mẫu, đinh ninh giống mới cho năng suất cao, nào ngờ lại mất trắng. Gia đình xuống giống đúng lịch thời vụ, chăm sóc theo quy trình nhưng khi lúa trổ thì xảy ra tình trạng bông lép, không kết hạt”.

Cùng chung nỗi lòng là hộ bà Nguyễn Thị Quý cách đó không xa. Vụ xuân năm nay gia đình bà Quý trồng tổng cộng 8 sào lúa, trong đó 5 sào gần như mất trắng.

Vụ xuân 2025, huyện Yên Thành gieo cấy trên 12.850ha. Ước tính sơ bộ đến thời điểm này có khoảng 150ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó tỷ lệ lép xanh phổ biến từ 30 – 50%, cá biệt có những diện tích lên đến 60 – 80%, không có khả năng thu hoạch.

Ông Nguyễn Đình Chữ (xã Đồng Thành, huyện Yên Thành) thất vọng não nề khi phải bừa trục ruộng lúa không có bông. Ảnh: Ngọc Linh.

Theo ông Nguyễn Trọng Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành, hầu hết các trà lúa, các giống lúa vụ xuân 2025 trổ không thoát, thời gian trổ kéo dài, không đều, thoái hóa đầu bông, tỷ lệ lép xanh cao.

Nguyên nhân là do giai đoạn lúa phân hóa đòng và trổ bông thời tiết lạnh kéo dài, ẩm độ không khí cao, ít ánh sáng, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Một số vùng xuống giống sớm hơn lịch thời vụ từ 15 – 20 ngày, cùng với việc sử dụng các giống không đảm bảo, giống mẫn cảm với nhiệt độ thấp cũng góp phần làm tăng mức độ thiệt hại.

Nhiều nguyên nhân

Qua kiểm tra thực tế, Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An nhận định có nhiều nguyên nhân khiến nhiều diện tích lúa xuân năm nay trỗ không thoát, không kết hạt và tỷ lệ lép cao.

Về yếu tố khách quan, đầu tiên phải kể đến do điều kiện thời tiết trong cả vụ nhiệt độ thấp, chênh lệnh nhiệt độ ngày – đêm quá lớn, nhiệt độ cao – thấp thay đổi nhanh, thời gian, cường độ chiếu sáng thấp…, nhất là trong khoảng tháng 3 đến đầu tháng 4/2025.

Bà Nguyễn Thị Quý (xã Đồng Thành, huyện Yên Thành) buồn bã vì lúa đứng như lau sậy, không trỗ thoát, không kết hạt. Ảnh: Ngọc Linh.

Chưa hết, thời điểm lúa làm đòng, trỗ bông (trà trước 15/4, đặc biệt trước 10/4) nhiệt độ trung bình thấp hơn 7 – 10 độ C so với yêu cầu tối ưu. Số giờ nắng trung bình trong ngày thấp hơn cùng kỳ nhiều năm (trung bình 2,83 – 4,7 giờ nắng/ngày)… đã làm kìm hãm đà phát triển, sinh trưởng của cây lúa.

Về yếu tố chủ quan, nhiều vùng nông dân vẫn duy trì tập quán gieo cấy sớm, hoặc rất sớm, không tuân thủ lịch thời vụ, điển hình như huyện Anh Sơn, Tân Kỳ, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, một số vùng nông dân không tuân thủ cơ cấu giống của địa phương.

Ngày 13/5, ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An thông tin: “Sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra tổng quan trên địa bàn, bao gồm vùng lúa trọng điểm “Diễn – Yên – Quỳnh”. Trước mắt khó thống kê chính xác diện tích bị ảnh hưởng nhưng hiện tượng lúa trỗ không đạt là có thật”.

“Phải chăng giống không đảm bảo, kém chất lượng cũng là một nguyên nhân?” – phóng viên đặt câu hỏi. Ông Nguyễn Tiến Đức cho rằng, mất mùa là do nhiều yếu tố (tác động của thời tiết, ảnh hưởng của tiểu vùng khí hậu, thói quen gieo cấy sớm của bà con…), trước mắt chưa thể kết luận do giống.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An, thời tiết bất thường là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mất mùa tại nhiều địa phương. Ảnh: Ngọc Linh. 

“Bây giờ rất khó nhận định, như tại huyện Tân Kỳ, Anh Sơn đều bị đồng loạt trên các giống lúa. Hay như tại xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu có 2 hộ cùng sử dụng giống lúa Hà Xuyên nhưng cho kết quả trái ngược, nhà cấy đại trà thì lúa phát triển đều, năng suất ổn định, nhà còn lại cấy trên phạm vi hẹp thì mất, lúa trỗ không cúi”, ông Đức nói.

Phân tích nguyên nhân lúa xuân 2025 lép hạt tại Nghệ An

Lịch thời vụ:

– Theo Đề án sản xuất vụ xuân năm 2025 của Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An: Để đảm bảo tránh rét đậm rét hại thời kỳ gieo cấy và đảm bảo các trà lúa trỗ trong khung thời vụ an toàn (15/4 – 30/4/2025), Đề án xác định lịch gieo cấy các trà như sau:

+ Lúa cấy: Thời điểm gieo mạ 2/1 – 15/1/2025, riêng các giống có thời gian sinh trưởng dưới 125 ngày bắt đầu từ 10/1/2025.

+ Lúa gieo thẳng: Gieo muộn hơn 5 – 7 ngày so với lịch gieo mạ.

Diễn biến tình hình thời tiết vụ xuân 2025:

Vụ xuân 2025, nhiệt độ không khí trung bình thấp hơn cùng kỳ các năm trước, tần suất xảy ra các đợt không khí lạnh (KKL) cao hơn. Từ tháng 1 đến đầu tháng 5/2025 có 14 đợt KKL, cường độ hoạt động mạnh hơn năm 2024.

Nhận định nguyên nhân:

– Nguyên nhân khách quan:

+ Thời tiết bất thuận ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và làm đòng của lúa.

+ Một số giống lúa mẫn cảm với điều kiện thời tiết hơn so với các giống khác.

– Nguyên nhân chủ quan:

+ Nông dân vẫn duy trì tập quán gieo cấy sớm hoặc không tuân thủ lịch thời vụ của tỉnh, huyện.

+ Một số vùng nông dân không tuân thủ cơ cấu giống của địa phương.

Giải pháp:

– Các địa phương cần đánh giá đúng tình hình, làm bài học tuyên truyền cho bà con nông dân để rút kinh nghiệm cho việc chỉ đạo thời vụ năm sau.

– Những diện tích tỷ lệ lép, không kết hạt ảnh hưởng đến năng suất từ 70% trở lên thì tiến hành cắt bỏ làm thức ăn cho gia súc và chuẩn bị các điều kiện để làm vụ hè thu.

– Những diện tích bị ảnh hưởng nhẹ thì tiếp tục chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại để tận thu sản lượng.

– Các địa phương tiếp tục theo dõi các trà lúa làm đúng lịch thời vụ và các giống lúa bị lép, không kết hạt làm trước lịch thời vụ để có cơ sở đánh giá cơ cấu giống lúa.

(Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An)

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

‘Cầu nối’ chuyển đổi tư duy sản xuất ở Châu Đức

Là vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với các …