Hành trình 15 năm gầy dựng ‘thủ phủ’ cá chẽm Sóc Trăng

Trang trại cá chẽm của anh Võ Điền Trung Dũng là đầu mối quan trọng cung cấp nguyên liệu chế biến, đưa cá chẽm Sóc Trăng xuất khẩu đến nhiều quốc gia.

Tầm nhìn dài hạn

Hơn một thập kỷ trước, khi nguồn lợi thủy sản khai thác ngày càng khan hiếm, nuôi trồng thủy sản nước lợ dần trở thành hướng đi thay thế. Trong đó, cá chẽm được đánh giá là loài có khả năng thích ứng tốt với điều kiện xâm nhập mặn tại tỉnh Sóc Trăng.

Năm 2010, anh Võ Điền Trung Dũng (ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề) đã nhìn ra được cơ hội phát triển từ đối tượng nuôi này. Anh tiên phong chuyển đổi 1,5ha ao tôm kém hiệu quả để thử nghiệm nuôi cá chẽm. Nguồn giống ban đầu được lấy từ các viện, trường ở tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Anh Võ Điền Trung Dũng (ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề) – người được xem là “vua cá chẽm” ở miền Tây. Ảnh: Kim Anh.

“Nuôi cá chẽm đến với tôi như một cái duyên. Ban đầu, tôi nuôi ít vì thị trường còn mới, sản lượng năm đầu tiên chỉ khoảng 50-70 tấn, nhưng tăng dần theo chiều dọc phát triển của nghề. Cộng với cơ hội mở ra khi con cá chẽm được xuất khẩu, tôi từng bước mở rộng quy mô, nuôi tới đâu học tới đó, vừa làm vừa học”, anh Dũng bộc bạch.

Tuy thị trường cá chẽm còn sơ khởi, nhưng theo thời gian, nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến càng tăng. Cuối năm 2019, anh Dũng quyết định táo bạo là bỏ hẳn việc nuôi tôm, dồn mọi tâm huyết phát triển và mở rộng trang trại nuôi cá chẽm lên 40ha theo hướng thâm canh công nghiệp.

Trang trại được đầu tư bài bản với hệ thống xử lý nước tuần hoàn, đảm bảo chất lượng môi trường. Chỉ riêng chi phí đầu tư hạ tầng đã lên đến khoảng 1,5 tỷ đồng/ha mặt nước.

Bên trong trang trại nuôi cá chẽm của anh Võ Điền Trung Dũng khi vào vụ thu hoạch. Ảnh: Kim Anh.

Theo anh Dũng, tùy theo mức độ đầu tư, người nuôi cá chẽm có thể lựa chọn các hình thức nuôi khác nhau như quảng canh, thâm canh hoặc bán thâm canh. Nhưng để nuôi thành công, cần chú trọng chất lượng nước tốt, có độ mặn phù hợp từ 5-15‰; cơ sở hạ tầng đầu tư bài bản; con giống được chọn kỹ lưỡng với kích cỡ ban đầu khoảng 10cm. Thời gian nuôi dao động từ 8-12 tháng tùy theo nhu cầu thị trường.

Anh nhấn mạnh, muốn làm nông nghiệp bền vững, không thể chỉ dựa vào sản xuất mà phải xây dựng nền kinh tế nông nghiệp dựa trên 4 trụ cột chính: hạ tầng hoàn thiện; đội ngũ nhân sự và hệ thống quản trị chặt chẽ; ứng dụng khoa học kỹ thuật; xác định nhu cầu, kiểm soát chất lượng sản phẩm để xuất khẩu.

Khẳng định thương hiệu cá chẽm Sóc Trăng

Hiện nay, trang trại cá chẽm của anh Dũng được đánh giá có quy mô lớn nhất khu vực ĐBSCL. Anh đang liên kết với nhà máy chế biến để xuất khẩu phile cá chẽm sang các thị trường Thái Lan, Australia, Hoa Kỳ, Canada, Trung Đông…, sản lượng trên 1.000 tấn mỗi năm.

Bên cạnh đó, khoảng 2.000 tấn cá chẽm được tiêu thụ trong nước, chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, Long An, Tiền Giang… mang về doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Hiện nay, cá chẽm Sóc Trăng đã được xuất khẩu sang các thị trường Thái Lan, Australia, Hoa Kỳ, Canada, Trung Đông… Ảnh: Kim Anh.

Giá cá chẽm đang ở mức cao, nếu cung ứng cho nhà máy chế biến để xuất khẩu là 90.000 đồng/kg (thu mua tại ao), còn tiêu thụ nội địa từ 95.000-100.000 đồng/kg (kích cỡ trung bình trên 1kg/con).

Tuy nhiên, thị trường cá chẽm cũng trải qua nhiều biến động giá, khiến người nuôi gặp không ít thăng trầm. Chẳng hạn, năm 2022, giá cá dao động từ 90.000-95.000 đồng/kg, nhưng năm 2023 giảm còn 75.000-85.000 đồng/kg; đến năm 2024, tiếp đà sụt giảm chỉ còn 60.000-65.000 đồng/kg, còn dưới giá thành sản xuất (khoảng 70.000 đồng/kg).

“Giá cá hiện tại phản ánh những việc đã xảy ra trong quá khứ. Giá cao vì nguồn cung quá ít so với nhu cầu. Bởi trong thời gian rất dài, người nuôi cá thua lỗ nên không tái sản xuất”, anh Dũng cho biết thêm.

Hiện tại, anh Dũng đang hợp tác với khoảng 5-10 hộ nuôi cá chẽm trong khu vực. Anh cũng xây dựng đội ngũ 10 kỹ sư giám sát tại các vùng nuôi, để hướng dẫn kỹ thuật và thu mua sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho bà con.

Mô hình nuôi cá chẽm đang được nhiều nông dân Sóc Trăng lựa chọn phát triển. Ảnh: Kim Anh.

Theo anh Dũng, cá chẽm xuất khẩu phải trải qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, việc kiểm soát chất lượng cũng là yếu tố then chốt giúp cá chẽm Sóc Trăng cạnh tranh với các quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.

Dù đã gặt hái nhiều thành công, anh Dũng vẫn thận trọng với tương lai của mô hình nuôi này. Anh cho rằng, ngành thủy sản đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức và sự kiên trì.

Hiện nay, giá cá chẽm vẫn chịu nhiều tác động từ chi phí sản xuất và biến động thị trường. Do đó, việc xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người nuôi, doanh nghiệp chế biến và nhà xuất khẩu là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Trung Quốc chấp thuận thêm 829 mã vùng trồng, 131 mã đóng gói sầu riêng Việt Nam

Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa mở rộng danh sách mã số vùng trồng …