Môi trường sạch, giá thành giảm nhờ nuôi heo ứng dụng công nghệ sinh học

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum lần đầu đưa vào sử dụng đệm lót và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi heo, hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế.

Môi trường sạch sẽ, heo ít bệnh tật

Chăn nuôi trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum) trước đây chủ yếu là nhỏ lẻ, hộ gia đình nhất là tập quán chăn nuôi thả rông. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi thường làm chuồng trên các sườn dốc, không kiên cố, mất vệ sinh dẫn đến sức khỏe vật nuôi yếu ốm, gây ô nhiễm môi trường.

Đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Kon Plông lần đầu sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo. Ảnh: Tuấn Anh.

Năm 2024 và đầu 2025, UBND huyện Kon Plông triển khai thí điểm mô hình chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh bằng việc sử dụng đệm lót sinh học. Đây là mô hình đầu tiên của tỉnh Kon Tum được triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số với sự tham gia của các hộ dân tại thôn Kon Vơng Kia (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông).

Mô hình được triển khai nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực tại chỗ, giảm chi phí sản xuất cho bà con nông dân, đồng thời chọn đây là mô hình điểm để triển khai rộng trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận thực tế tại thôn Kon Vơng Kia, cơn mưa bất chợt khiến con đường đi vào các hô chăn nuôi heo trở nên lầy lội. Thời tiết dù không ủng hộ nhưng các hộ dân nơi đây vẫn cảm thấy yêu tâm khi những con heo trong chuồng đã được bảo vệ bằng đệm lót sinh học an toàn và êm ấm. Người dân không còn lo sợ mỗi khi cơn mưa kéo đến khiến đàn heo bị lạnh rồi chết dần, chết mòn.

Thấy chúng tôi đến thăm, ông A Biang (thôn Kon Vơng Kia) đang băm những lát chuối chuẩn bị cho heo ăn thì dừng lại, nở nụ cười tiếp đón. Gia đình ông A Biang là một trong các hộ dân được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học.

Theo đó, gia đình ông A Biang được hỗ trợ sửa lại chuồng, sử dụng đệm lót mùn cưa, vỏ trấu, cám gạo kết hợp với lớp men vi sinh vật có ích trải trên nền chuồng.

Thức ăn cho heo ăn là những phụ phẩm trong nông nghiệp kết hợp với men vi sinh. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông A Biang cho biết, cách làm này giúp chuồng nuôi heo của gia đình không bị ô nhiễm, hạn chế sự phát triển của hệ vi sinh vật có hại. Mặt khác, sử dụng đệm lót sinh học có tác dụng giữ ấm cho đàn heo hiệu quả, tăng tuổi thọ của nền chuồng.

Điều mà gia đình ông A Biang hài lòng nhất với mô hình nuôi heo an toàn sinh học chính là không phải tốn quá nhiều chi phí thức ăn thông qua việc tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp có sẵn kết hợp với men vi sinh rồi ủ theo tỉ lệ nhất định và trực tiếp cho heo ăn.

“Giờ đây chúng tôi không mất nhiều thời gian thức khuya, dậy sớm nấu cám cho heo ăn ngày 2 bữa. Hiện, gia đình tôi thường tranh thủ buổi sáng đi cắt những đọt chuối, rau rừng… bỏ vào thùng phi và heo có thể ăn trong nhiều ngày”, ông A Biang chia sẻ.

Ông A Biang cũng cho biết thêm, trước đây khi chưa sử dụng đệm lót sinh học, đàn heo 7 con của gia đình hay ốm yếu, thường xuyên bị bệnh. Còn bây giờ, dù cho thời tiết gió rét đàn heo cũng không bị ảnh hưởng vì luôn được giữ ấm bằng đệm lót sinh học. Đặc biệt, việc ứng dụng an toàn sinh học giúp cho đàn êm ăn khỏe, nhanh tăng cân so với nuôi theo kiểu truyền thống trước đây.

“Sau 3 tháng nuôi bằng đệm lót sinh học, gia đình đã bán được 2 con heo, thu về 7 triệu đồng. Số tiền này, gia đình sẽ tiếp tục mua vài con heo giống về nuôi để mở rộng quy mô, tăng thu nhập”, ông A Biang chia sẻ.

Đánh giá kỹ lưỡng trước khi nhân rộng

Cũng được hỗ trợ sử dụng đệm lót sinh học trong nuôi heo, gia đình anh A Ngút (thôn Kon Vơng Kia) cho biết, ngày trước gia đình nuôi heo theo kiểu truyền thống nên môi trường bị ô nhiễm nặng, bản thân đến gần chuồng không thể chịu nổi mùi hôi thối. Thêm vào đó, đàn heo phải nằm trên nền đất bùn, chỉ cần thời tiết lạnh kéo đến sẽ dễ bị cảm bệnh. Còn hiện tại, đàn heo được nằm trên đệm lót sinh học rất ấm, thời tiết lạnh quanh năm gia đình cũng không phải lo sợ.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông hướng dẫn người dân làm đệm lót sinh học. Ảnh: Tuấn Anh.

Về thức ăn, hiện gia đình đang tập dụng tất cả những phế phẩm nông nghiệp như chuối, ngô, rau củ… ủ với men vi sinh cho heo ăn, trong khi trước đây, hàng ngày phải nấu cám ngày hai bữa, mất nhiều thời gian và tốn kém.

“Nuôi heo trên đệm lót sinh học nhàn, heo lại nhanh lớn, lông mượt, giá trị kinh tế đem lại cho gia đình cao hơn trước đây nhiều”, anh A Ngút chia sẻ.

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông, sau khi sử dụng đệm lót sinh học, chuồng trại chăn nuôi heo của các hộ dân rất sạch sẽ, xung quanh không có mùi hôi. Đặc biệt, heo rất khỏe mạnh, năng suất cao và giá bán cũng tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Thức, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông cho biết, để phát triển hiệu quả mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động các hộ dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Lúc bấy giờ, người dân ngại thay đổi cũng như không tin vào phương pháp chăn nuôi theo kiểu mới nên còn dè dặt khi tham gia.

Tuy nhiên, sau khi đơn vị đến tận nơi, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật xây dựng chuồng trại, cũng như công thức ủ thức ăn bằng men vi sinh các hộ dân mới hào hứng tham gia.

“Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học chi phí thấp, người dân có thể tận dụng các phế phẩm tại chỗ như trấu, mùn cưa… để làm nền chuồng, cám gạo, rỉ mật đường, men vi sinh… để làm thức ăn hiệu quả”, bà Thức chia sẻ.

Mô hình nuôi heo an toàn sinh học giúp tiết kiệm chi phí thức ăn nhờ tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương. Ảnh: Tuấn Anh.

Bà Thức cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ tham mưu cho UBND huyện Kon Plông xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình chăn nuôi heo kết hợp đệm lót sinh học đến khắp các thôn, xã trên địa bàn huyện để đánh giá diện rộng của mô hình. Trong đó, ưu tiên các khu vực là người đồng bào dân tộc thiểu số, có tỉ lệ hộ nghèo cao, điều kiện vệ sinh chuồng trại còn hạn chế. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ kỹ thuật và vật tư, cung cấp định kỳ các lớp tập huấn về ủ thức ăn, vệ sinh chuồng trại bằng vi sinh.

Ông Ưng Văn Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Môi trường Kon Tum) nhấn mạnh, mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học không phải mới nhưng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đây là lần đầu tiên đưa vào áp dụng. Đặc biệt, vùng khí hậu lạnh như huyện Kon Plông, việc chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học rất phù hợp, giúp đàn heo giữ ấm hiệu quả, tăng giá trị kinh tế.

“Do mô hình mới đưa vào triển khai thực hiện nên cần có thêm thời gian để đánh giá tổng thể thêm, trong thời gian tới khi thực sự chứng minh hiệu quả bền vững, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch để nhân rộng mô hình không chỉ ở huyện Kon Plông và mà trên toàn tỉnh Kon Tum”. Ông Ưng Văn Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp tỉnh Kon Tum.

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Giảm nghèo phải bắt đầu từ khoa học, công nghệ

Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ phục vụ phát …