Túi đựng rác thải trên tàu cá bằng lưới có thể chịu tác động của sóng gió cấp 8, cấp 10. Đặc biệt, túi rác này có thể treo bất cứ chỗ nào trên tàu cá.
Tấm lòng với ngư dân
Theo ông Trần Văn Vinh, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Bình Định, trước đây, nhờ hưởng lợi từ nhiều dự án, Bình Định đã hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ thùng rác đặt trên tàu cá để thu gom rác thải đưa về bờ xử lý. Tuy nhiên, đặc thù của nghề cá là hoạt động gữa trùng khơi, chịu tác động của sóng gió, nên nhiều khi thùng rác đặt trên boong tàu bị gió thổi bay xuống biển. Thêm nữa, thùng rác đặt trên boong tàu thường xuyên bị sóng gió xô ngã, đổ rác thải ra ngoài làm bẩn boong tàu, làm mất thời gian dọn dẹp của ngư dân.
Từ phản ánh của ngư dân trên các tàu cá đánh bắt xa bờ, ông Vinh đã bỏ công thiết kế ra túi đựng rác bằng lưới có thể chịu tác động của sóng gió từ cấp 8 đến cấp 10. Đặc biệt, túi rác này có thể treo bất cứ chỗ nào trên tàu cá, nếu biển có gió lớn, sóng to, túi rác có thể xoay tứ bề mà không đổ rác ra ngoài, không bị ngã đổ như thùng rác. Túi rác được thiết kế làm 3 ngăn, khi chưa sử dụng có thể xếp lại gọn gàng, bên hông có cửa để bỏ vật thải vào.
Túi thu gom rác thải tàu cá được ngư dân Bình Định treo tại nơi không ảnh hưởng hoạt động đánh bắt cá. Ảnh: V.Đ.T.
Ông Trần Văn Vinh cho hay: Rác thải các loại của một tàu cá trong một chuyến biển kéo dài 20-30 ngày sẽ từ 13,5-15kg. Bình Định có 3.000 tàu cá đánh bắt xa bờ, nếu không thu gom, lực lượng tàu cá của Bình Định sẽ đóng góp vào đại dương khoảng 4,5 tấn rác thải trong một chuyến biển.
“Trong quá trình nghiên cứu về quản lý rác thải, tôi nhận thấy, lượng rác thải nhựa từ ngư dân lao động trên tàu cá, nhất là tàu đánh bắt xa bờ phát thải ra môi trường rất nhiều, như chai nước, túi ni-lông đựng hải sản… Nếu xả thải xuống biển sẽ tác động rất nghiêm trọng đến môi trường biển, nên tôi thiết kế ra túi đựng rác thải tàu cá phù hợp với tập quán của ngư dân”, ông Vinh chia sẻ.
Ông Trần Văn Vinh, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Bình Định, trình bày tiện ích của túi đựng rác thải tàu cá tại Hội thảo Chống rác thải nhựa đại dương được tổ chức ở Nhật Bản. Ảnh: T.V.V.
Túi đựng rác “đốn tim” nhiều khách quốc tế
Sau khi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ký kết với UBND tỉnh Bình Định và thành phố Quy Nhơn triển khai giai đoạn 2 của Dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại thành phố Quy Nhơn”, ông Vinh đã đề xuất ý tưởng xây dựng mô hình quản lý rác thải nhựa trên tàu cá.
“Tôi đặt ra phương pháp, nội dung tiếp cận, cũng như phân loại rác thải nhựa trên tàu cá sao cho thuận tiện nhất cho bà con ngư dân, nên đã thiết kế một “sọt rác” dạng như cái túi đảm bảo tính thẩm mỹ, an toàn, rẻ tiền, dễ dùng và thân thiện với môi trường”, ông Vinh chia sẻ.
Làm sao để ngư dân thuận tiện trong việc thu gom rác thải nhựa trên tàu cá để đưa về bờ sau chuyến biển là mục tiêu khi ông Vinh thiết kế ra túi đựng rác bằng lưới.
“Túi lưới đựng rác trên tàu cá có chi phí thấp, dễ áp dụng, dễ nhân rộng. Cái “sọt rác” được làm bằng lưới được tôi lấy ý tưởng từ chiếc túi lưới mà ngư dân thường dùng đựng cá khi đi câu, dạng túi dài như miệng phễu treo trên tàu cá để ngư dân thấy gần gũi”, ông Vinh nói.
Đại biểu tham dự Hội thảo Chống rác thải nhựa đại dương của các nước Philippines, Indonesia, Lào, Nhật Bản… đều thích thú tiện ích của túi đựng rác thải tàu cá. Ảnh: T.V.V.
Quan sát kỹ, có thể thấy túi rác được thiết kế dạng hình tròn, xoay tự do, đặc biệt là chịu được tác động ngoại lực bởi sóng gió khi tàu hoạt động trên biển mà không bị biến dạng, có thể xếp lại tùy theo nhu cầu sử dụng, không chiếm nhiều diện tích trên tàu cá như các thùng rác bằng nhựa.
Ngư dân Nguyễn Thành Long, chủ tàu cá đánh bắt xa bờ ở phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), cho biết: “Rác thải nhựa trong những chuyến biển được chúng tôi bỏ vào túi đựng rác qua miệng túi dạng ống tròn làm bằng lưới mềm nên không thể rơi ra ngoài. Khi tàu về bờ, chúng tôi chỉ cần mở phần đuôi của túi rác là rác tự động trút ra, rất thuận tiện. Do túi đựng rác làm bằng lưới nên nếu bị hư hỏng chúng tôi có thể dùng cước, ni-lông để vá lại, rất tiện lợi, hiệu quả”.
“Giữa tháng 3/2025 vừa qua, tôi được ngành thủy sản Bình Định cử tham dự Hội thảo Chống rác thải nhựa đại dương tại Nhật Bản. Tại hội thảo, tôi đã trình bày giải pháp sáng tạo và thiết kế, ứng dụng túi lưới chuyên dụng thu gom rác thải nhựa trên tàu cá. Thiết kế của tôi được giải “Zero-Plastic Hero Awards. Đại biểu tham dự hội thảo của các nước Philippines, Indonesia, Lào, Nhật Bản đều rất thú vị với túi đựng rác thải của Việt Nam”, ông Trần Văn Vinh, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Bình Định, chia sẻ.
Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn