Hiệu quả hoạt động của HTXDVNN Kim Bình

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Kim Bình (thành phố Phủ Lý) có diện tích đất nông nghiệp hơn 200 ha. Trong quá trình hoạt động, HTX đã tổ chức tốt các khâu dịch vụ, gồm cả dịch vụ thiết yếu và dịch vụ thỏa thuận nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển.

Trong quá trình hoạt động, Hội đồng quản trị HTXDVNN Kim Bình luôn coi trọng, nâng cao chất lượng các dịch vụ thiết yếu như: Dịch vụ thủy nông – bảo vệ sản xuất, bảo vệ thực vật, khuyến nông… Điển hình, khi bước vào vụ sản xuất, dịch vụ thủy nông – bảo vệ đồng ruộng được triển khai đến các trưởng thôn, đồng thời là đội trưởng sản xuất điều tiết, dong dẫn nước theo chỉ đạo chung của HTX ở từng thời điểm của mùa vụ. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức vớt bèo, rác khơi thông dòng chảy, kết hợp bảo vệ lúa, hoa màu. Hằng năm, HTXDVNN đều dành nguồn kinh phí theo quy định từ khoản cấp bù thủy lợi phí đầu tư sửa chữa trạm bơm, cầu, cống và nạo vét kênh mương. Mỗi năm, khối lượng đất đào đắp thủy lợi của HTX khoảng hơn 3.000 m3…

Do làm tốt dịch vụ thủy nông – bảo vệ sản xuất, nhiều vụ gần đây sản xuất trên đồng ruộng ở Kim Bình luôn được bảo đảm. Với dịch vụ khuyến nông, HTX thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Môi trường và của thành phố tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Tính trong 5 năm (từ 2020 – 2024) HTXDVNN Kim Bình đã phối hợp tổ chức được 45 lớp tập huấn cho hơn 2.500 lượt xã viên. Hội đồng quản trị HTX trích quỹ phát triển sản xuất hỗ trợ xã viên phát triển diện tích cây trồng hàng hóa (tập trung vào cây dưa chuột)…

Diện tích trồng dưa chuột cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Kim Bình (TP Phủ Lý).

Cùng với dịch vụ thiết yếu, HTXDVNN Kim Bình còn tổ chức một số dịch vụ thỏa thuận với xã viên (dịch vụ cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm, diệt chuột và làm đất). Cụ thể, dịch vụ cung ứng vật tư phân bón và tiêu thụ sản phẩm được HTX liên hệ với các doanh nghiệp giống cây trồng… và sản xuất phân bón uy tín nhập giống lúa và các loại phân bón phục vụ sản xuất trên địa bàn bảo đảm chất lượng, giá cả. Từ năm 2020 đến vụ xuân 2025, HTX đã cung ứng được 250 tấn phân bón (chủ yếu là phân tổng hợp NPK), hơn 15 tấn giống lúa, 35 nghìn gói thuốc trừ sâu, bệnh và thuốc diệt chuột các loại. Trong tiêu thụ sản phẩm, HTX đã liên hệ với doanh nghiệp chế biến, đại lý thu mua nông sản cho người dân…

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc HTXDVNN Kim Bình cho biết: HTX luôn duy trì và nâng cao chất lượng các khâu dịch vụ để hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhờ vậy, sản xuất trên đồng ruộng của xã chuyển dịch mạnh theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, tạo việc làm cho  lao động địa phương…

Từ hiệu quả hoạt động của HTXDVNN, sản xuất nông nghiệp ở Kim Bình có sự thay đổi đáng kể. Đối với 2 vụ lúa, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống được chuyển đổi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Riêng vụ mùa, lúa chất lượng được gieo cấy gần 90% diện tích, nâng giá trị sản xuất từ 15 – 20% so với trước. Cùng với cây lúa, HTXDVNN Kim Bình đã tổ chức quy hoạch vùng sản xuất cây vụ đông hàng hóa trên 50 ha trồng ngô ngọt, bí xanh, bí đỏ… Riêng cây dưa chuột cho giá trị kinh tế cao được phát triển ở cả 3 vụ trong năm (vụ xuân, vụ hè thu và vụ đông), có tổng diện tích hơn 10 ha/năm. Cây hàng hóa phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương, nhiều hộ đạt thu nhập 60 – 120 triệu đồng/vụ.

Điển hình, hộ bác Nguyễn Thị Kiêm, thôn An Lạc duy trì trồng 8 sào dưa chuột mỗi vụ. Với diện tích này, trừ mọi chi phí bác Kiêm thu  lợi nhuận bình quân từ 120 – 150 triệu đồng/năm, cao gấp 5 – 7 lần cấy lúa trước đây. Theo bác Kiêm, các dịch vụ của HTXDVNN Kim Bình là chỗ dựa tin cậy, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Để hỗ trợ sản xuất, thời gian tới, HTXDVNN Kim Bình tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ. Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng; ứng dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; từng bước đưa cơ giới đồng bộ vào đồng ruộng; tổ chức liên kết sản xuất… Đặc biệt, HTX hướng đến áp dụng chuyển đổi số trong công tác điều hành nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương ngày càng phát triển.

Nguồn: Baomoi.com

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Nâng sức cạnh tranh cho gạo Việt

Thực hiện “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa …