HTX An Thanh kiên trì vận động bà con thay đổi tư duy canh tác, phát triển mô hình lúa – rươi – cáy hữu cơ, vun đắp sinh kế xanh cho tương lai.
Thay đổi tư duy ứng xử với đất, nước và thiên nhiên
Năm 2013, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp An Thanh, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương ra đời, đánh dấu một bước ngoặt lớn. Với quyết tâm thay đổi, HTX đã mạnh dạn dồn điền đổi thửa, chỉnh trang lại đồng ruộng và quan trọng nhất là lựa chọn con đường canh tác hữu cơ, thân thiện với môi trường. Đây không chỉ là thay đổi phương pháp canh tác, mà còn là thay đổi cả tư duy ứng xử với đất, với nước và với thiên nhiên.
Ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX An Thanh dẫn chúng tôi thăm đồng, chỉ tay về những thửa ruộng lúa – rươi – cáy xanh mướt, ánh mắt ngập tràn niềm tin: “Thiên nhiên chẳng phụ con người, đối với con rươi, yếu tố môi trường là rất quan trọng. Nếu trồng lúa bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu, ruộng sẽ mất rươi. Vùng chiêm trũng An Thanh giờ đây đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu ổn định nhờ khai thác tốt tiềm năng của địa phương, nuôi con đặc sản rươi – cáy, kết hợp với lúa hữu cơ một vụ. Mỗi vụ, một sào bà con có thể thu hoạch được bình quân 50 kg rươi”.
Nhìn từ trên cao, một phần trong tổng diện tích 137 ha diện tích sản xuất lúa – rươi – cáy của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Thanh đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Ảnh: Duy Học.
Trên những cánh đồng An Thanh hôm nay, mỗi ruộng lúa đều được “chăm chút” bằng bàn tay của con người. Dẫn chúng tôi len qua những thửa lúa đang vững vàng vươn mình, bà Phạm Thị Giang – xã viên HTX An Thanh giới thiệu những khóm hoa vàng rực ven bờ ruộng và nói: “Hoa này không chỉ để làm đẹp đâu, mà còn để dẫn dụ các loài côn trùng có hại, người ta gọi vui là ‘khắc tinh’ của chuột đấy. Cánh đồng vừa có sắc, vừa có sinh khí, thiên nhiên tự cân bằng với nhau, mình làm nông cũng thấy an lòng hơn nhiều”.
Từng là người trồng chuối thất bại trên đất bạc màu, bà Giang thấm thía sự khác biệt khi làm lúa hữu cơ: “Vừa nhàn vừa an tâm. Phải sạch thì mới nuôi được rươi, nên chẳng ai dám dùng hóa chất”.
Bà Phạm Thị Thắm cũng kể: “Ngày trước dùng thuốc sâu ảnh hưởng sức khỏe lắm. Từ ngày làm lúa – rươi – cáy hữu cơ, thấy khỏe hơn, lúa đến mùa thì có người thu mua tận nơi, không lo đầu ra”.
Chính sự cam kết giữa sản xuất sạch và tiêu thụ ổn định đã tạo nên điểm tựa vững chắc cho nông dân An Thanh. HTX chủ động liên kết với doanh nghiệp, xây dựng hợp đồng bao tiêu sản phẩm hữu cơ ngay từ đầu vụ. Nhờ đó, người nông dân chỉ chuyên tâm vào việc giữ đất, giữ nước, làm ra sản phẩm tốt nhất, không còn nỗi lo “được mùa mất giá”.
Với triết lý “sản xuất theo tín hiệu thị trường”, HTX An Thanh đã vận động nông dân chuyển đổi giống lúa từ lúa địa phương dễ sâu bệnh sang các giống mới như JO1, JO2, ST25 – những giống lúa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.
Song, thay đổi tư duy chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Một số hộ dân ban đầu còn e dè, quen lối cũ. Nhưng những kết quả rõ rệt từ mô hình hữu cơ – năng suất ổn định, chất lượng gạo ngon, rươi cáy hồi sinh – đã dần chinh phục từng người, từng gia đình.
Ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Thanh say sưa nói về cây lúa và sự trở lại nhanh chóng của con rươi khi bà con chuyển sang canh tác hữu cơ. Ảnh: Hồng Thắm.
Một bước ngoặt quan trọng nữa của An Thanh đến vào cuối năm 2020 khi cống Sồi được xây dựng và đưa vào vận hành. Công trình này cho phép đưa nước lợ từ sông Thái Bình vào sâu trong đồng, đem theo cả nguồn lợi tự nhiên quý giá là rươi và cáy.
“Ngày đầu tiên cống Sồi mở nước vào đồng, bà con vui như mở hội. Đó chính là cột mốc khởi đầu cho giấc mơ xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững”, ông Luận nhớ lại.
Nếu trước đây, người dân An Thanh chỉ có thể khai thác rươi cáy ngoài bãi sông, thì nay, nhờ hệ thống thủy lợi chủ động, toàn bộ vùng trũng phía trong đồng đã có thể kết hợp canh tác lúa hữu cơ và nuôi rươi cáy đặc sản, gia tăng giá trị sinh kế.
Đến nay, HTX An Thanh đã phát triển 137 ha diện tích lúa – rươi – cáy được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, với thu nhập bình quân đạt 400 – 450 triệu đồng/ha/năm – con số mơ ước đối với một HTX ở vùng nông thôn.
Khát vọng “thổi bùng” lên một nền nông nghiệp tử tế
Dù đạt được nhiều thành quả, nhưng chặng đường phát triển nông nghiệp hữu cơ của An Thanh chưa bao giờ bằng phẳng. Một trong những thách thức lớn nhất mà HTX An Thanh đang đối mặt là vấn đề môi trường của cả hệ thống sông Thái Bình.
Ông Luận thẳng thắn nói: “Môi trường phải được quan tâm mới bảo tồn được con rươi, con cáy. Con sông mà ô nhiễm thì không làm gì được. Mà vấn đề này thì rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành”.
Tại vùng sản xuất hữu cơ An Thanh, bên trên là lúa, dưới ruộng là rươi, bờ ruộng là cáy và trên bờ là hoa. Ảnh: Hồng Thắm.
Bên cạnh đó, thay đổi tập quán canh tác của người dân, từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết chuỗi bền vững, vẫn còn nhiều gian nan. “Lúc rươi được giá, bà con có tâm lý bán ngoài, khi rớt giá mới quay về HTX. Làm hữu cơ là làm lâu dài, phải có tính gắn kết”, ông Luận tâm sự.
HTX An Thanh vì vậy không chỉ đơn thuần là đơn vị sản xuất, mà còn kiên trì làm công tác tư tưởng, giáo dục, vận động nông dân đồng lòng đi cùng con đường phát triển bền vững.
Không chỉ dừng lại ở thành quả hiện tại, An Thanh đang từng bước mở rộng. Sau thành công tại 137 ha hữu cơ, hiện HTX tiếp tục chuyển đổi thêm 214 ha ruộng lúa sang canh tác hữu cơ, xây dựng mô hình lúa – rươi – cáy đồng bộ. Đây là vùng đất mới triển khai từ năm 2021, kỳ vọng tạo nên một hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng.
Những xã viên của HTX An Thanh đã tự nguyện thay đổi tư duy, từ sản xuất lúa truyền thống sang canh tác lúa – rươi – cáy hữu cơ. Ảnh: Hồng Thắm.
Mục tiêu của HTX An Thanh không chỉ là tạo ra “gạo xanh, rươi sạch”, mà còn là xây dựng một cộng đồng nông dân văn minh, có tri thức, sống hài hòa với thiên nhiên. Hơn hết, đó còn là sự kế thừa cho thế hệ tương lai một môi trường sống trong lành, một nền nông nghiệp tử tế, bền vững.
Từ mô hình HTX An Thanh có thể thấy, phát triển nông nghiệp hữu cơ không chỉ là xu hướng, mà là tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường gia tăng. Những đốm sáng như An Thanh cần được nhân rộng, lan tỏa để góp phần kiến tạo nên một nền nông nghiệp Việt Nam xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn.
Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn