Huyện Trảng Bom có nhiều vùng trồng cây ăn trái và cây lấy hạt quy mô lớn như: chuối, bưởi, ca cao, điều… Mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ đang được các nhà vườn áp dụng nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm.
Nông dân xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) đóng gói chuối để bán cho cửa hàng tiện ích. Ảnh: B.Mai
Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình Hành động số 04-CTr/HU ngày 25-8-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trảng Bom khóa IV về xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh.
Hướng đến xuất khẩu
Huyện Trảng Bom là vùng trồng chuối cấy mô lớn nhất tỉnh, với từ 6-7 ngàn hécta. Nếu trước đây, nông dân địa phương chủ yếu trồng, chăm sóc và thu hoạch theo kinh nghiệm thì nay đã chuyển sang sản xuất theo quy trình kỹ thuật. Từ khâu làm đất, xuống giống, bón phân đến thu hoạch, bảo quản đều được kiểm soát chặt chẽ về thời gian và liều lượng, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Nhờ áp dụng quy trình nghiêm ngặt, nhiều diện tích cây trồng đã được cấp mã số vùng trồng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, hoặc được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.
Giám đốc Hợp tác xã Thanh Bình Lý Minh Hùng cho biết, việc canh tác không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu tổng hợp mà thay vào đó là phân vi sinh, phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường đang được nhiều nông dân trồng chuối áp dụng. Song song đó, hợp tác xã phối hợp với ngành chức năng xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm bảo đảm chất lượng và mở rộng đầu ra tại thị trường nước ngoài. Hướng đi này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người trồng chuối, mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương.
Việc sản xuất theo quy trình sạch cũng được Tổ hợp tác Bưởi Ý Hồng (xã Đông Hòa) áp dụng. Chủ nhiệm tổ hợp tác Nguyễn Văn Hồng cho biết, hàng chục hécta bưởi đang được canh tác hoàn toàn bằng phân chuồng ủ hoai và chế phẩm sinh học. Đối với việc phòng trừ sâu bệnh, các thành viên tổ hợp tác sử dụng men vi sinh kết hợp với vỏ trái cây và tỏi, ớt, gừng ngâm lấy nước pha loãng để xịt lên thân và lá cây. Nhờ cách làm này, nông dân không cần mua thuốc trừ sâu, không lo ảnh hưởng đến sức khỏe do tiếp xúc với hóa chất, trong khi cây trồng sinh trưởng tốt và hệ vi sinh vật có lợi trong đất được bảo tồn.
Từng trồng nhiều loại cây khác nhau, nay chị Nguyễn Thị Hằng (ngụ xã Sông Trầu) đã chuyển sang trồng táo kết hợp ớt trong nhà lưới. Chị Hằng chia sẻ, việc đầu tư nhà lưới tuy tốn kém chi phí ban đầu nhưng bù lại không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cũng không tốn nhiều nhân công.
“Sản phẩm táo hữu cơ thu hoạch đến đâu là thương lái và khách đến tham quan Khu du lịch Thác Đá Hàn mua đến đó. Ớt thì tôi bỏ mối cho các chợ” – chị Hằng cho biết.
Tổ trưởng Tổ hợp tác Ca cao Trung Hòa (ở xã Trung Hòa) Phạm Thành Lập bộc bạch: “Sau vài năm canh tác theo hướng hữu cơ, đất đai trở nên tơi xốp hơn, cây trồng ít sâu bệnh và phát triển tốt hơn. Năng suất cũng nhờ đó cải thiện. Sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, tránh tình trạng được mùa mất giá”.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Việc áp dụng mô hình sản xuất hữu cơ thực sự mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho nông dân. Trước hết, chất lượng nông sản được nâng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định khắt khe của đối tác nhập khẩu. Sản xuất theo hướng hữu cơ còn giúp cải tạo đất, bảo vệ nguồn nước và đa dạng sinh học nhờ hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất. Ngoài ra, sức khỏe của người làm vườn được đảm bảo.
Thời gian qua, để thúc đẩy và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, huyện Trảng Bom đã ban hành nhiều chính sách như: Chương trình Hành động số 04-CTr/HU ngày 25-8-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa IV về xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến đến tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện; Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 7-2-2025 của UBND huyện về hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 7-2-2025 của UBND huyện về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ không chỉ đơn thuần là thay đổi phương thức canh tác, mà còn là bước đi chiến lược trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Huyện Trảng Bom đang hướng đến mục tiêu mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, giám sát chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản chủ lực. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển bền vững, cần sự đồng hành lâu dài từ các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, doanh nghiệp và chính người nông dân.
Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lê Ngọc Tiên cho biết, những năm gần đây, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch. Nhờ vậy, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện dần được cải thiện, chất lượng nông sản được nâng cao. Huyện đã xác định một số vùng sản xuất tập trung để phát triển nông nghiệp hữu cơ như: vùng trồng bưởi Sông Thao, Bàu Hàm, Trung Hòa; vùng trồng chuối ở Thanh Bình, Cây Gáo, Sông Thao và một số mô hình trồng ca cao, sầu riêng. Các ngành chức năng của huyện thông qua tập huấn, hội thảo, học tập kinh nghiệm để tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất hữu cơ.
Theo đánh giá của huyện, ngày càng nhiều hộ nông dân ý thức được việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ là tích cực và có hiệu quả, từ đó dần chuyển đổi sản xuất theo hình thức nông nghiệp này. Huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã đưa nông sản sạch vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích và chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn.
Nguồn: Baodongnai.com.vn