Tỷ lệ phủ vacxin đàn vật nuôi tối thiểu 80% mới phát huy hiệu quả

An Giang đang tăng cường giám sát dịch bệnh, khẩn trương tiêm phòng bệnh nguy hiểm, bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được vacxin bảo vệ.

Ngành Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản An Giang đặt mục tiêu đến giữa năm 2025, tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm vacxin phòng các dịch bệnh nguy hiểm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhằm chủ động, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, tỉnh An Giang đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tiêm phòng vacxin nhằm kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sản xuất chăn nuôi, nhất là tại các vùng biên giới, khu vực nguy cơ cao.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản An Giang, từ đầu năm đến nay, tổng đàn vật nuôi của tỉnh An Giang có khoảng 8 triệu con gia cầm, gần 100.000 con heo và hơn 47.000 con trâu, bò. Với quy mô lớn, nếu không kiểm soát dịch bệnh kịp thời sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi, an toàn thực phẩm và thu nhập của người dân.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 4/4/2025 chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, UBND tỉnh An Giang và các cơ quan chuyên môn đã lập tức vào cuộc. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản An Giang đã ban hành nhiều kế hoạch, công văn khẩn, hướng dẫn các địa phương tổ chức tiêm phòng, giám sát, tiêu độc khử trùng và xử lý nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Ông Phạm Thành Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản An Giang cho biết: Ngành Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đặt ra mục tiêu đến giữa năm 2025, tối thiểu 80% đàn vật nuôi trên địa bàn được tiêm phòng đầy đủ và đúng loại vacxin đối với các bệnh bắt buộc như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, bệnh dại trên chó, mèo… Đến nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã triển khai xong đợt tiêm phòng đầu tiên. Một số huyện như: Tịnh Biên, An Phú, Tri Tôn nơi giáp biên giới, được ưu tiên triển khai sớm và kỹ lưỡng để ngăn dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập.

Theo ông Quang, việc tiêm phòng vacxin không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi mà còn là tiêu chí quan trọng trong xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong tương lai.

Còn tại huyện Tri Tôn, ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện cho biết: Ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp chặt chẽ với Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản huyện, phân bổ vacxin hợp lý theo nhu cầu từng xã. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến người dân về tầm quan trọng của việc tiêm phòng. Kinh phí tiêm phòng cho trâu, bò tại các xã biên giới được hỗ trợ miễn phí theo kế hoạch 72/CNTY, góp phần khuyến khích người dân chủ động hơn.

Ngoài việc tiêm phòng, các lực lượng thú y địa phương còn thường xuyên lấy mẫu giám sát dịch bệnh tại các điểm nóng, đặc biệt là các khu vực từng xuất hiện ổ dịch cũ, chăn nuôi nhỏ lẻ xen lẫn khu dân cư.

Tại xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn), bà Lê Thị Mai, hộ chăn nuôi gà gần 2.000 con cho biết: Trước đây gia đình ngại tiêm phòng vì tốn chi phí và mất thời gian, nhưng nay được cán bộ thú y hướng dẫn tận tình, lại thấy hiệu quả rõ rệt. Mấy năm nay gà ít bệnh, không bị chết hàng loạt như trước, nhờ tuân thủ tiêm phòng định kỳ giúp bà yên tâm mở rộng quy mô đàn và ký hợp đồng tiêu thụ ổn định với doanh nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang, để phòng dịch hiệu quả, tỉnh còn tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán động vật qua biên giới, đặc biệt là các huyện giáp Campuchia như An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn. Các trạm kiểm dịch được duy trì 24/24, phối hợp liên ngành để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch thú y.

Việc tiêm phòng vacxin không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi mà còn là tiêu chí quan trọng trong xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngoài ra, ngành chức năng còn đẩy mạnh tuyên truyền qua loa truyền thanh, mạng xã hội, tờ rơi và hội nghị trực tiếp với người chăn nuôi để nâng cao nhận thức về bệnh dại, lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch tả heo Châu Phi và các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Ông Phạm Thành Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản An Giang cho biết thêm: Không có vacxin nào hiệu quả nếu người dân không hợp tác. Việc tiêm phòng chỉ thật sự có ý nghĩa khi đạt độ bao phủ toàn đàn. Do đó, ngành Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản kêu gọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ đàn vật nuôi, tuân thủ các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Với sự chủ động, quyết liệt của ngành nông nghiệp An Giang và sự vào cuộc tích cực từ chính quyền địa phương, cùng tinh thần hợp tác của người chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại An Giang đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Đây là tiền đề quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, hướng đến an toàn dịch bệnh.

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Đồng Nai dẫn đầu xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp hiện đại

Năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng …