Giống lúa LH12 năng suất ổn định trong thời tiết khắc nghiệt

Với những kết quả đạt được từ mô hình trình diễn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kỳ vọng LH12 sẽ trở thành giống lúa chủ lực tại các tỉnh Tây Nguyên.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị tham quan mô hình và bàn giải pháp phát triển giống lúa thuần LH12 tại Gia Lai. Đây là mô hình thuộc dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất và phát triển giống lúa thuần LH12 tại Tây Nguyên”.

Bà con tham gia mô hình giống lúa thuần LH12 tại huyện Krông Pa. Ảnh: Tuấn Anh.

Trước đó, để chọn một số giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt thay thế những giống lúa cũ đang bị thoái hóa, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai triển khai mô hình sản xuất giống lúa LH12 tại cánh đồng Cầu II (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa). Mô hình được thực hiện trên diện tích 10ha với 15 hộ dân tham gia, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa, giống lúa thuần LH12 có tỷ lệ nảy mầm cao trên 95%, lượng giống gieo sạ 100 – 120kg/ha, cây con mọc khỏe.

Đặc biệt, cây lúa LH12 chống chịu tốt với điều kiện thời tiết bất lợi, ít sâu bệnh gây hại. Lúa sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh trung bình, bộ lá giữ được màu xanh đến cuối vụ.

Ông Âu Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa cho biết, qua kết quả theo dõi xuyên suốt cả vụ đông xuân 2024 – 2025 cho thấy, giống lúa LH12 sinh trưởng phát triển qua các thời kỳ đạt yêu cầu, năng suất dự kiến bình quân đạt 8 tạ/sào (sào 1.000m2). Giống lúa thích nghi với đất đai, khí hậu của địa bàn huyện.

“Mô hình được nhân rộng là điều kiện để người dân giảm lệ thuộc vào các loại giống lúa vốn đã bị thoái hóa và nhiễm sâu bệnh, tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện hiệu quả chương trình nông thôn mới”, ông Trung chia sẻ.

Giống lúa thuần LH12 cho năng suất 8 tấn tươi/ha. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Trung cũng kiến nghị thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa trình diễn nhiều mô hình với quy mô lớn hơn, đưa thêm nhiều loại giống lúa mới và các cây trồng khác chất lượng cao để làm các mô hình sản xuất. Mặt khác, đề nghị UBND huyện xem xét, bố trí ngân sách và chỉ đạo để nhân rộng mô hình giống lúa LH12 trên quy mô toàn huyện.

Sau khi trực tiếp tham quan mô hình sản xuất giống lúa LH12 trên cánh đồng Cầu II, ông Hoàng Tuyển Phương, Trưởng phòng Trồng trọt – Lâm nghiệp (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết, thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn. Theo thống kê, rất nhiều địa phương năng suất lúa giảm từ 30 – 40%. Tuy nhiên, vượt qua khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, mô hình sản xuất giống lúa thuần LH12 vẫn cho năng suất 8 tấn tươi/ha.

Từ những kết quả đã đạt được, ông Phương cho biết, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ có những mục tiêu để nâng cao trình độ sản xuất giống cho cán bộ, HTX, nông dân để từ đó nhân rộng giống lúa LH12 trên địa bàn. Qua đó cung ứng giống lúa chất lượng cao phục vụ sản xuất không chỉ ở tỉnh Gia Lai mà cả ở các tỉnh Tây Nguyên.

“Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục phối hợp với ngành chức năng để nhân rộng giống lúa thuần LH12 đến các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng như các tình Tây Nguyên. Qua đó, đưa LH12 trở thành giống lúa chủ lực ở khu vực này”, ông Phương chia sẻ.

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Đồng Nai dẫn đầu xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp hiện đại

Năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng …