Nguy cơ mất mùa do sâu cuốn lá nhỏ gây ra là rất lớn nếu không được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh, phát triển, tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo người dân tập trung thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh, sinh vật gây hại.
Ông Phạm Hồng Ánh, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cho biết: Vụ đông xuân 2024 – 2025, toàn xã gieo cấy 218ha lúa. Hiện nay lúa chủ yếu bị bệnh đạo ôn trên lá. Trạm trồng trọt và Chăn nuôi huyện Vũ Thư đã chỉ đạo các biện pháp chủ động phòng trừ sâu bệnh cho lúa, UBND xã đã tuyên truyền để người dân cập nhật tình hình và tập trung thực hiện phun thuốc phòng trừ.
HTX nông nghiệp xã Hòa Bình cung ứng phân bón, thuốc BVTV đến tận thôn, xóm và tuyên truyền, hướng dẫn nông dân cách phòng trừ sâu bệnh. Việc HTX cung ứng vật tư nông nghiệp phục vụ nông dân sẽ giúp bà con tránh được thuốc trừ sâu giả, thuốc kém chất lượng, thuốc ngoài danh mục, đảm bảo phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.
Nông dân xã Hòa Bình (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) phun thuốc trừ sâu bảo vệ lúa xuân 2025. Ảnh: Xuân Vũ.
UBND tỉnh Thái Bình mới ban hành công điện về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ và các đối tượng sâu, bệnh hại khác, bảo vệ lúa vụ xuân năm 2025. Theo báo cáo của các trạm trồng trọt và chăn nuôi và kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, hiện sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 có mật độ trung bình 15 – 30 con/m2, nơi cao 40 – 60 con/m2, cục bộ 100 – 120 con/m2, sâu non lứa 2 nở rộ từ 29/4 – 4/5/2025 gây hại trên toàn bộ diện tích lúa xuân, nguy cơ mất mùa do sâu cuốn lá nhỏ gây ra là rất lớn nếu không được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời.
Ngoài ra, các đối tượng sâu bệnh hại như rầy, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, sâu đục thân, chuột… đang phát sinh gây hại trên đồng ruộng.
Để bảo vệ lúa, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các huyện chỉ các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình sinh trưởng của lúa xuân và mức độ gây hại của sâu cuốn lá nhỏ cùng các đối tượng sâu, bệnh khác trên địa bàn. Chủ động mọi vật tư thiết yếu phục vụ việc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ trong trường hợp sâu cuốn lá nhỏ có nguy cơ bùng phát thành dịch. Tổ chức họp triển khai các nội dung về phòng trừ sâu bệnh đến cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền để nông dân nhận thức rõ tầm quan trọng của đợt phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ sản xuất vụ xuân.
Thái Bình đề cao vai trò lãnh đạo của chủ tịch UBND xã trong việc chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng, trừ sâu bệnh hại lúa. Ảnh: Xuân Vũ.
Các xã chỉ đạo các thôn thông báo, hướng dẫn nông dân đồng loạt phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ. Những diện tích có mật độ sâu non từ 200 con/m2 trở lên sau phun thuốc 5 ngày phải tổ chức kiểm tra và chủ động phun lại lần 2 nếu mật độ sâu sống còn trên 20 con/m2 trở lên; phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông cho toàn bộ trà lúa trổ bông trước ngày 10/5/2025.
Huyện Vũ Thư quán triệt, địa phương nào chủ quan, thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ để mất mùa thì chủ tịch UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước UBND huyện. Huyện chỉ đạo các HTX nông nghiệp chuẩn bị các loại thuốc đặc hiệu cung ứng cho nông dân phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ và các đối tượng sâu bệnh hại khác; phối hợp điều tiết nước thuận lợi để phòng trừ sâu bệnh.
Cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân sử dụng các loại thuốc theo thông báo của trạm trồng trọt và chăn nuôi. Trường hợp sau phun trong vòng 3 giờ gặp mưa phải phun lại và giữ nguyên nồng độ, liều lượng như phun lần đầu. Đối với diện tích lúa đang trỗ bông phun vào lúc chiều mát, tránh thời điểm trỗ bông phơi màu.
Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn