Giữ nguồn gen cây bản địa Về vùng nếp Quạ đen 200 ha dùng vôi bột diệt ốc bươu vàng

Sau 3 năm trở lại, tôi bất ngờ khi ông Đinh Văn Dự -Tổ trưởng Tổ khuyến nông xã Thắng Sơn báo tin 100% diện tích vụ mùa quê mình cấy nếp Quạ đen.

Dễ bán, lợi nhuận cao

Ông Dự cho biết, trong 200 ha cấy giống lúa nếp Quạ đen, có 80-90% diện tích bà con đã áp dụng kỹ thuật tung vôi để diệt ốc bươu vàng, mầm bệnh và khử chua thay vì thuốc trừ ốc độc hại như trước. 67 tuổi rồi nhưng vụ mùa nào ông Đinh Văn Xuân ở khu Giai Thượng cũng cấy 8 sào nếp Quạ đen bởi dễ bán và lợi nhuận cao.

Bà Quách Thị Việt đã 73 tuổi mà vẫn cấy 4 sào lúa và làm cỏ chứ không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Giống không đáng là bao, chỉ 300-400 gram/sào vì cấy 1 dảnh nên chỉ tốn mỗi khâu thuê máy móc để làm đất, phun thuốc BVTV và thu hoạch. Với 8 sào nếp Quạ đen, vụ vừa rồi tôi thu hơn 1 tấn thóc nhưng giờ chỉ còn vài kilogram vì đã bán hết. Tính ra lãi được cỡ 12 triệu đồng”, ông hồ hởi.

Bà Quách Thị Việt (khu Giai Thượng) năm nay đã 73 tuổi mà lưng không còng, tay vẫn còn thoăn thoắt nhặt cỏ trên đồng. Một mình bà đảm đương 4 sào ruộng cứ nhẹ như không: “Trước đây vụ mùa tôi thường bỏ không nhưng năm 2020 được huyện cấp cho giống nếp cũ Quạ đen nên mới làm thử. Xưa người Mường gọi giống nếp này là Quà đen, xôi ăn dẻo, khô mà không bị nóng cổ, hạt của nó có sọc vằn.

Trước chúng tôi thường cấy dày, mỗi khóm 3-4 dảnh và không biết cách chăm sóc nên năng suất chỉ cỡ 60 kg/sào nhưng nay cấy chỉ 1 dảnh, lại tung vôi để khử chua, diệt ốc bươu vàng và sâu bọ. Trước chúng tôi thường dùng thuốc trừ cỏ nhưng nay thì đi nhặt cỏ và cả vớt bèo lên bờ…”.

Ông Đinh Văn Dự – Tổ trưởng tổ khuyến nông xã Thắng Sơn bên ruộng lúa có nhiều bèo tấm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nghe đến đây ông Đinh Văn Dự – Tổ trưởng tổ khuyến nông kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Thắng Sơn mới khuyên bà ngừng vớt bèo mà trái lại phải giữ lại chúng, đặc biệt là bèo tấm. Bởi đó là loại phân xanh rất tốt cho cây lúa. Khi càng bón phân chuồng thì bèo tấm lại càng phát triển, đất chuyển sang màu đen, môi trường nước được cải tạo. Bà Việt gật gù khi nghe giải thích.

Khi hạt gạo “cháy hàng”

Lời nói luôn đi với hành động là điều mà bà cảm nhận được từ người cán bộ khuyến nông này. Chẳng thế mà vụ vừa rồi năng suất nếp Quạ đen nhà bà đạt tới 1,6 – 1,7 tạ/sào. 3 sào bà bán tươi ngay tại ruộng với giá 12.000 đồng/kg, được 6 triệu đồng, lợi nhuận đạt hơn nửa, còn 1 sào bà để lại ăn và làm quà cho các con, các cháu.

“Cấy nếp Quạ Đen nhàn hơn hẳn lúa lai vì công chăm ít, phân lại không nhiều, còn khi phun thuốc bảo vệ thực vật thì dùng máy bay mà cũng toàn là thuốc sinh học. Làm ruộng kiểu đó giúp nông dân khỏe hơn, hạt gạo cũng ngon hơn”, bà Việt đúc kết.

Ông Đinh Văn Dự – Tổ trưởng tổ khuyến nông xã Thắng Sơn bên chậu vôi dùng để diệt ốc bươu vàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Dự cho biết, năm 2020 khi huyện xây dựng mô hình nếp Quạ đen trên quy mô 3 ha, việc vận động người dân cũng gặp khó khăn do bà con đã bỏ ruộng nhiều vụ và do giống cũ đã mai một từ lâu. Nhưng được sự quan tâm của huyện, sự đồng hành của những người tiên phong, vụ đó lúa vừa cho năng suất cao lại vừa được giá. Thấy hiệu quả, năm 2021 xã tăng lên 20 ha, năm 2022 tăng 30 ha, năm 2023 tăng lên 50 ha, năm 2024 tăng lên 80 ha, trong đó chỉ 10 ha trong mô hình, được hỗ trợ, còn lại bà con tự làm.

“Từ năm 2024 HTX của tôi đã tổ chức bao tiêu lúa tươi ngay tại bờ cho bà con với giá 12.000 đ/kg để sấy rồi chế biến thành gạo bán. Không ngờ bị “cháy gạo” nên tới tận đêm 22 Tết tôi vẫn phải đi đong gạo dân tự phơi. Không chỉ có Thắng Sơn mà các xã khác trong huyện Thanh Sơn như Yên Sơn, Yên Lãng, Cự Đồng… cũng cấy nếp Quạ đen, nâng tổng diện tích giống này lên khoảng 200 ha”.

Vợ ông Đinh Văn Dự đồ xôi để đãi khách. Ảnh: Dương Đình Tường.

Duyên nợ trở thành Tổ trưởng Tổ khuyến nông của ông Dự cũng thật tình cờ. Học về chăn nuôi thú y, anh bắt đầu làm khuyến nông viên xã từ năm 2001 đến năm 2017 do một người trong tổ đi nước ngoài, một người chẳng may mất nên phải đảm nhiệm chức tổ trưởng kiêm cả trồng trọt lẫn thú y.

Khi thấy bà con cấy vụ mùa hay bị sâu hại, thất thu rồi bỏ ruộng hoang anh mới cùng Phòng Nông nghiệp và PTNT (nay là Phòng Nông nghiệp và Môi trường) huyện Thanh Sơn xây dựng mô hình đưa giống nếp Quạ đen cổ truyền trở lại ruộng đồng.

Trước khi cấy 10 ngày, nông dân tổ chức tung vôi bột, loại mới vẫn còn “nhựa” với liều lượng 10-15 kg/sào, để nước 1-2cm giữ trong 3 ngày rồi tháo đi để khử chua, diệt ốc bươu vàng và xử lý nấm bệnh. Cứ cách một ngày ông lại ra đồng kiểm tra lúa một lần, nếu có gì bất thường thì gọi điện ngay cho cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông để xin tư vấn.

“Sản xuất lúa nếp Quạ đen theo hướng hữu cơ quan trọng nhất là ở khâu cán bộ, ngoài vận động bà con thì bản thân mình phải trực tiếp làm. Như nhà tôi thường cấy 6 sào, có lúc mượn thêm ruộng còn cấy tới 1 mẫu. Ngoài tung vôi ở vụ mùa cho diện tích nếp Quạ đen, 60% bà con ở đây còn áp dụng kỹ thuật này trong vụ xuân cho diện tích lúa lai, giúp giảm thuốc trừ ốc được cỡ 70%, thuốc trừ cỏ giảm được cỡ trên 80%”.

Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Bình Liêu ‘khát nước’ giữa mùa gieo cấy

Huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) đang trải qua đợt khô hạn nghiêm trọng. Những …