Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam

Ngày 11/4/2025, tại Lâm Đồng, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức Hội thảo Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án: “Tăng cường năng lực và chia sẻ kinh nghiệm các mô hình đối tác công tư (PPP) phát triển nông nghiệp bền vững” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Đối tác Phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV) phối hợp thực hiện.

Phát biểu tại khai mạc hội thảo, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Việt Nam với điều kiện tự nhiên thuận lợi đã sản xuất hơn 120 loại rau có nguồn gốc nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất rau hiện nay có thể duy trì quanh năm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong giai đoạn 2016 – 2024, diện tích trồng rau tăng trưởng trung bình 1,4%/năm, trong khi sản lượng tăng 2,6%/năm. Đến năm 2024, tổng diện tích trồng rau cả nước đạt hơn 1 triệu ha, với sản lượng trên 19 triệu tấn.

 Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia phát biểu tại hội thảo

Trong lĩnh vực thương mại, rau quả là một trong ba nhóm ngành hàng nông sản xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt mức kỷ lục 7,12 tỷ USD, tăng 27,1% so với năm 2023, tăng trung bình 20,1%/năm từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên, dù đã hiện diện tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, rau quả Việt Nam vẫn đang đối mặt với những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe từ các thị trường nhập khẩu – đặc biệt là về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và yêu cầu về tiêu chuẩn lao động, môi trường…

Vì vậy, để ngành rau quả Việt Nam thực sự “vươn ra biển lớn”, cần một bước chuyển căn cơ, toàn diện với sự vào cuộc mạnh mẽ của của cả khối công và khối tư. Trước hết, cần thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, với sự tham gia trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và cơ quan quản lý. Tiếp đó, tăng cường kiểm soát chất lượng từ vùng trồng đến đóng gói, chế biến, và triển khai các chương trình giám sát dư lượng hóa chất nông nghiệp tại các vùng trọng điểm như Tiền Giang, Long An, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Đồng thời, hỗ trợ nông dân chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ, sinh học, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường. Các sáng kiến hợp tác công – tư chính là nền tảng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chia sẻ nguồn lực và kiến thức, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường bền vững cho rau quả Việt Nam.

Hội thảo đã dành nhiều thời gian tham luận, nghe các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp nông nghiệp… trình bày về thực trạng, thách thức và những giải pháp phát triển xuất khẩu rau quả Việt Nam; vai trò của hợp tác công tư trong nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam; chia sẻ những công nghệ và đổi mới đã và đang sử dụng trong sản xuất rau quả…

 Hội thảo đã dành nhiều thời gian để các đại biểu tham luận và chia sẻ

Theo ông Lê Vũ Ngọc Kiên – Viện Chiến lược chính sách Nông nghiệp và Môi trường, đến năm 2023, diện tích cây ăn quả của Việt Nam đạt hơn 1,33 triệu ha, tăng trưởng hàng năm kép đạt 5,7%/năm trong giai đoạn 2019 – 2023. Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đến nay mới chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 1,9% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu); tỷ trọng sản phẩm qua chế biến thấp, còn hạn chế về bao bì, liên kết sản xuất, tiếp cận chính sách hỗ trợ; hạn chế về hệ thống phân phối hàng nông sản, xúc tiến thương mại.

Do đó, ông Kiên đề xuất giải pháp nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, thúc đẩy xuất khẩu rau quả như phát triển vùng nguyên liệu, kết hợp với áp dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng; tăng cường chế biến sâu các sản phẩm rau quả để tăng giá trị xuất khẩu, tránh các hàng rào kỹ thuật. Đồng thời, cần triển khai các giải pháp về định hướng thị trường, tập trung vào các thị trường quy mô lớn (như Trung Quốc, Mỹ) và các thị trường tiềm năng để có giải pháp về nâng cao chất lượng, bao bì sản phẩm, chiến lược quảng bá phù hợp.

Kết luận tại hội thảo, ông Tô Việt Châu – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Nông nghiệp và Môi trường ghi nhận tham luận và các ý kiến bổ ích về kinh nghiệm, giải pháp xuất khẩu rau quả Việt Nam. Đặc biệt, các đại biểu đã tập trung trao đổi những giải pháp cấp mã số vùng trồng, đem lại lợi ích xuất khẩu bền vững nông sản. Thời gian tới, ngành rau quả nước ta cần tập trung chuyển đổi số trong sản xuất, tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác công tư để mở rộng thị trường xuất khẩu rau quả Việt Nam ngày càng bền vững…

Nguồn: Khuyennongvn.gov.vn

Về Nguyễn Thị Loan

Check Also

Chăm lo cho người lao động về vật chất, tinh thần và sức khỏe

Tháng 5 hằng năm được coi là tháng cao điểm tổ chức các hoạt động …