- Kỹ thuật trồng cỏ Voi xanh
Cỏ Voi xanh là loại cỏ hòa thảo, thân cứng có lóng như mía. Sinh trưởng nhanh, năng suất cao, chất lượng tốt. Thời gian trồng thích hợp là đầu mùa mưa.
- Làm đất
Những vùng ngập cần phải lên liếp vì cỏ voi có khả năng chịu úng kém, phù hợp với đất cao. Rạch thành hàng sâu 15 – 20 cm, hàng cách hàng từ 50 – 60 cm. Bón lót phân chuồng (15 – 20 tấn/ha), Super lân (250 – 300 kg/ha), Sulfat Kali (150 – 200 kg/ha).
- Cách trồng
Trồng bằng hom dùng thân cỏ có độ tuổi 80 – 100 ngày để làm giống. Hom chặt xéo dài 30 cm có từ 3 – 5 mắt mầm. Đặt hom chếch 45o, hom cách hom 30 – 40 cm. Lấp đất sao cho 20 cm nằm dưới mặt đất. Khi cỏ chưa lên cao cần phải làm cỏ dại. Khi cỏ trồng được 25 – 30 ngày, bón thúc urê (100 kg/ha).
Cỏ Voi xanh
- Thu hoạch
– Sau 50 – 60 ngày thu hoạch lứa đầu. Các đợt kế tiếp 45 ngày một lần. Mỗi lần cắt, cắt cách gốc 5 – 7 cm và cắt gọn để cỏ mọc lại đều.
– 10 – 15 ngày sau khi cắt bón thúc urê (50 kg/ha).
- Chăm sóc
Làm sạch cỏ dại khi thân cỏ cao hơn 25cm, cần chú ý tưới nước giữ độ ẩm thường xuyên để cho cỏ phát triển. Cần bón thêm phân cho cỏ khi thu hoạch xong, ưu tiên bón phân chuồng bằng cách lấy phân tấp lên trực tiếp gốc cỏ, hạn chế bón phân hóa học sẽ làm gốc cỏ lưu gốc được ít hơn.
Dấu hiệu cỏ đang thiếu chất dinh dưỡng là lá cỏ không còn xanh đậm, để cỏ phát triển được tốt hơn cần bổ sung thêm chất dinh dưỡng.
- Kỹ thuật trồng cỏ VA06
Cỏ VA06 dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, có năng suất vượt trội trung bình 400-500 tấn/ha/năm, chăm sóc tốt thu hoạch được 10 năm. Thời gian trồng thích hợp là đầu mùa mưa.
- Chuẩn bị đất trồng
Cỏ VA06 trồng được trên tất cả các loại đất. Trước khi trồng cần cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ. Trồng trên đất bằng nên trồng theo luống để tiện chăm sóc và tưới tiêu nước.
Cỏ VA06
- Chăm sóc
Chọn cây phát triển thành thục hơn 4 – 5 tháng tuổi, đường kính thân trên 0,8 cm, cây khoẻ, không bị sâu bệnh, bóc hết lá bẹ ở mầm nách rồi dùng dao sắc cắt thành từng đoạn (không bẻ hoặc kê lên miếng gỗ chặt để tránh làm dập hom ảnh hưởng đến mầm non hoặc dễ gây sâu bệnh sau này).
Hom giống
Lưu ý: Hom giống nên cắt xéo.
– Nếu trồng vào mùa mưa nên trồng nghiêng 45o và cắt mỗi đoạn có 2 mắt, mỗi mắt nên có 1 mầm nách. Đoạn thân trên (phía gốc) của mắt ngắn hơn đoạn thân dưới để tăng tỷ lệ sống cho cây.
– Nếu trồng vào mùa khô nên trồng nằm và cắt hom dài 30 – 40 cm (có từ 2 -4 mắt mầm).
– Khoảng cách cây cách cây là 30 – 50 cm, hàng cách hàng là 65 cm, khoảng 12.000 – 15.000 hom/ha.
– Làm sạch cỏ dại 2 – 3 lần trước khi cỏ trồng phủ kín đất, kết hợp bón mỗi gốc 25g urê và ép chặt gốc để tránh đổ vì đây là thời kỳ cỏ phát triển nhanh nhất.
– Sau khi trồng 10 – 15 ngày, kiểm tra tỉ lệ nảy mầm. Tiến hành trồng dặm những chỗ cây bị chết.
– Mùa nắng – tưới nước cho cỏ; Mưa nhiều – thoát nước phòng ngập úng.
– Sau mỗi lần thu hoạch làm sạch cỏ dại, vun gốc và bón thêm phân urê.
- Chuẩn bị phân bón (tính cho 01 ha/năm)
Phân chuồng hoai mục: 30 – 40 tấn; Super lân: 300 kg (60 kg P2O5); Sulfat kali: 200 kg (120 kg K2O); phân urê: 400 kg; vôi: 300 – 500kg.
– Bón lót: toàn bộ lượng phân chuồng và vôi được rãi đều ra đất trước khi cày. Phân lân, kali được rãi đều ra đất trước khi bừa lần cuối.
– Bón thúc: Sau khi trồng 20 – 30 ngày, khi mầm cao 20 – 25cm nên bón thúc như sau:
+ Lần 1: phân được rãi theo hàng, liều lượng 50 – 100 kg urê/ha.
+ Lần 2: bón cách lần 1 từ 1 – 1,5 tháng kết hợp khi xới xáo, làm cỏ dại.
Các lần tiếp theo, urê được bón sau mỗi lứa cắt (từ 7 – 10 ngày) với liều lượng như lần một.
- Thu hoạch
Sau trồng 40 ngày là có thể cắt được lứa đầu, những lứa tiếp theo cứ 20 – 40 ngày/cắt 1 lần, thu 6 – 7 lứa/năm. Nên cắt cách mặt đất 15 cm, không cắt quá thấp để tránh ảnh hưởng xấu đến khả năng tái sinh.
Lưu ý: Trồng cỏ để làm giống thì cắt 2 – 3 lứa đầu vào trước tháng thứ 7, những tháng tiếp theo chỉ bóc lá nhưng chừa lại 6 – 8 lá trên cây (những lá bóc nên để lại phần bẹ lá bao mầm nách).
- Tình hình sâu bệnh
Loại sâu bệnh | Biểu hiện | Cách phòng trừ |
Sâu đục thân | Thường xuất hiện trên những cây non. Trên lá có những lỗ thủng thẳng hàng nhau, nếu bị sâu hại nặng có thể làm rách lá. Khi lớn, sâu đục vào trong thân cỏ làm cho cây suy yếu, còi cọc. | Exin 2.0 SC – SAT
Làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất
|
Bệnh đốm nâu | Vết bệnh có hiện tượng lá ở gốc xuất hiện các nốt đốm nâu ở giữa, xung quanh màu vàng, sau đó lan dần ra hết lá | Phun các thuốc sinh học có gốc Đồng (Cu). Làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
|
Nguồn:khuyennongtphcm.vn