Tài chính xanh đang trở thành xu hướng quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Ở Việt Nam, tài chính xanh đóng vai trò thiết yếu trong việc huy động vốn cho các dự án thân thiện với môi trường, như: năng lượng tái tạo, giao thông xanh, nông nghiệp bền vững và công trình xanh. Tuy nhiên, việc phát triển tài chính xanh tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm: khung pháp lý chưa hoàn thiện, nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế và thiếu các sản phẩm tài chính xanh đa dạng. Bài viết phân tích thực trạng tài chính xanh tại Việt Nam, làm rõ những rào cản; từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này.
Hình: Cơ cấu tín dụng xanh
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21, nhu cầu về một hệ thống tài chính bền vững ngày càng trở nên cấp thiết. Tài chính xanh được hiểu là những hỗ trợ về tài chính hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường, sản xuất xanh… Tài chính xanh, với vai trò là công cụ huy động nguồn lực cho các dự án thân thiện với môi trường, đang nhận được sự quan tâm lớn từ chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính trên toàn thế giới. Đây không chỉ là xu hướng tất yếu để bảo vệ môi trường, mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, với các hiện tượng, như: nước biển dâng, xâm nhập mặn và thiên tai diễn biến phức tạp. Để giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững, việc thúc đẩy tài chính xanh đóng vai trò then chốt. Điều này không chỉ giúp huy động nguồn vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, giao thông xanh hay sản xuất sạch, mà còn tạo ra động lực để hệ thống tài chính Việt Nam tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy tài chính xanh thông qua các chính sách, như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và các chính sách ưu đãi cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. Các ngân hàng thương mại cũng dần đưa ra các sản phẩm tín dụng xanh, hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, so với các nước phát triển, tài chính xanh tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khai và gặp nhiều thách thức. Việc triển khai tài chính xanh trong thời gian qua vẫn gặp một số khó khăn từ chính sách, cơ chế thị trường cho đến nhận thức của các nhà đầu tư (Trần Thị Thu Nhung, 2024). Vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng tài chính xanh tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp mang tính thực tiễn sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy sự phát triển của tài chính xanh, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước.
Thực trạng tài chính xanh ở Việt Nam
Kết quả đạt được
Tài chính xanh là một xu hướng quan trọng trong lĩnh vực tài chính nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và hỗ trợ các dự án có lợi cho hệ sinh thái (Nguyễn Phan Yến Phương, 2025). Việt Nam đã bắt đầu quan tâm, triển khai các kế hoạch hành động nhằm khởi động và phát triển tài chính xanh và đạt được những thành tựu nhất định (Lê Mai Trang và cộng sự, 2024).
Về mặt chính sách, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chiến lược và kế hoạch hành động quan trọng để thúc đẩy tài chính xanh. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2012-2020 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã đặt nền tảng quan trọng để phát triển các dự án tài chính bền vững. Ngoài ra, Kế hoạch hành động tài chính xanh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giai đoạn 2020-2025 cũng được triển khai nhằm thúc đẩy việc huy động vốn và phát triển các sản phẩm tài chính xanh trong hệ thống ngân hàng. Chính phủ cũng đã ban hành các quy định quan trọng, như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, ban hành ngày 17/11/2020; Nghị định số 95/2018/NĐ-CP, ngày 30/6/2018 quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Những chính sách này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý cho thị trường tài chính xanh tại Việt Nam.
Về cơ cấu tín dụng xanh trong nền kinh tế, Hình cho thấy sự phân bổ tài chính xanh vào các lĩnh vực khác nhau, trong đó “Nông nghiệp xanh” chiếm tỷ lệ cao nhất (45%), phản ánh sự ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp bền vững. “Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch” đứng thứ 2 với 17%, cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, “Quản lý nước bền vững” (11%) và “Lâm nghiệp bền vững” (5%) có tỷ lệ đầu tư thấp hơn, dù đây là những lĩnh vực quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động môi trường. Đặc biệt, nhóm “Khác” chiếm tới 22%, cho thấy sự đa dạng hóa đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác ngoài danh sách chính, có thể bao gồm: giao thông xanh, sản xuất bền vững và xây dựng đô thị thông minh. Nhìn chung, Hình 1 phản ánh sự ưu tiên rõ ràng cho nông nghiệp và năng lượng tái tạo, nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc cân đối tài chính xanh để đảm bảo phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực quan trọng.
Về công cụ tài chính xanh, Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định trong việc phát hành trái phiếu xanh, cung cấp tín dụng xanh và huy động các quỹ đầu tư vào lĩnh vực này. Trái phiếu xanh là một trong những công cụ quan trọng nhất để huy động vốn cho các dự án thân thiện với môi trường. Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã phát hành tổng cộng 4 đợt trái phiếu xanh với tổng giá trị 284 triệu USD. Sang giai đoạn 2019-2023, giá trị trái phiếu xanh phát hành tăng lên khoảng 1,16 tỷ USD (Trần Thị Thu Nhung). Trong năm 2024, tổng giá trị trái phiếu xanh phát hành thành công đạt 6,87 nghìn tỷ đồng, tăng 275% so với năm 2023. Năm 2024, thị trường trái phiếu Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận sự tham gia của các lô trái phiếu xanh do doanh nghiệp phi tài chính phát hành (Nguyễn Thị Liên và Phạm Hồng Hạnh, 2025). Mặc dù có sự tăng trưởng, song quy mô thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với thế giới khi tổng dư nợ thị trường toàn cầu đạt 4,16 nghìn tỷ USD vào năm 2023. Điều này cho thấy, dư địa phát triển tài chính xanh tại Việt Nam vẫn còn rất lớn, đặc biệt khi các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận dòng vốn quốc tế từ các tổ chức tài chính toàn cầu.
Một số rào cản
Mặc dù đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc phát triển tài chính xanh tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rào cản. Một trong những vấn đề lớn nhất là thiếu khung pháp lý đồng bộ. Hiện nay, các quy định về định nghĩa, đánh giá, phân loại dự án xanh chưa được chuẩn hóa, dẫn đến sự lúng túng trong việc triển khai các sản phẩm tài chính xanh. Việt Nam cũng chưa có một bộ tiêu chuẩn quốc gia chính thức về tài chính xanh, khiến cho các tổ chức tài chính và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác định các dự án đủ điều kiện nhận tài trợ. Ngoài ra, nguồn vốn dành cho tài chính xanh còn hạn chế, trong khi nhu cầu tài trợ cho các dự án bền vững ngày càng tăng. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn dài hạn cho các dự án xanh do chi phí cao, rủi ro lớn và chưa có nhiều cơ chế hỗ trợ từ phía Nhà nước. Bên cạnh đó, nhận thức về tài chính xanh của các doanh nghiệp và tổ chức tài chính cũng còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ lợi ích của tài chính xanh hoặc lo ngại về những quy định phức tạp khi tiếp cận nguồn vốn xanh. Các ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của các dự án xanh, khiến họ dè dặt khi cấp vốn cho lĩnh vực này.
Giải pháp thúc đẩy tài chính xanh phát triển ở Việt Nam
Để đẩy mạnh phát triển tài chính xanh, cần triển khai đồng bộ các giải pháp về chính sách, thị trường tài chính, doanh nghiệp, công nghệ và hợp tác quốc tế.
Một là, việc hoàn thiện khung pháp lý và chính sách hỗ trợ là yếu tố then chốt để phát triển tài chính xanh. Nhà nước cần ban hành các quy định cụ thể về tài chính xanh, bao gồm: các tiêu chí đánh giá dự án xanh, tiêu chuẩn trái phiếu xanh, cơ chế giám sát và chế tài đối với các hoạt động không tuân thủ. Đồng thời, các chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất và tín dụng dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, nông nghiệp hữu cơ hay xử lý rác thải cũng cần được áp dụng. Việc đưa ra các quy định bắt buộc về báo cáo tài chính bền vững đối với doanh nghiệp lớn sẽ giúp tăng tính minh bạch, thu hút vốn đầu tư vào các lĩnh vực xanh.
Hai là, các tổ chức tài chính cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc cung cấp các sản phẩm tài chính xanh. Các ngân hàng thương mại có thể triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp theo hướng khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Hệ thống ngân hàng cũng cần áp dụng các tiêu chí ESG trong quá trình thẩm định và cấp vốn. Ngoài ra, việc hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để huy động vốn vay ưu đãi hoặc quỹ hỗ trợ từ các chương trình tài chính xanh toàn cầu sẽ giúp mở rộng nguồn lực cho các dự án bền vững.
Ba là, phát triển thị trường trái phiếu xanh. Chính phủ có thể đóng vai trò tiên phong bằng việc phát hành trái phiếu xanh để tài trợ cho các dự án công, như: năng lượng tái tạo, giao thông công cộng thân thiện với môi trường và xử lý chất thải. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần được khuyến khích phát hành trái phiếu xanh thông qua các chính sách hỗ trợ về chi phí phát hành, cơ chế bảo lãnh tín dụng hoặc đơn giản hóa thủ tục đăng ký. Một thị trường trái phiếu xanh phát triển sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời tạo động lực cho khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào tài chính xanh.
Bốn là, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về lợi ích của tài chính xanh, chủ động áp dụng mô hình sản xuất và kinh doanh thân thiện với môi trường. Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật để giúp họ tiếp cận các nguồn vốn xanh. Bên cạnh đó, việc yêu cầu các doanh nghiệp lớn công khai báo cáo tác động môi trường sẽ giúp tăng tính minh bạch, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong việc thực hiện các tiêu chuẩn xanh.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho tài chính xanh. Các tổ chức tài chính quốc tế, như: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang cung cấp nhiều chương trình tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia đang phát triển trong lĩnh vực tài chính xanh. Việt Nam có thể tận dụng các nguồn lực này thông qua việc tham gia vào các sáng kiến toàn cầu về tài chính bền vững, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế và xây dựng cơ chế thu hút đầu tư xanh từ các tập đoàn nước ngoài.
Sáu là, nâng cao nhận thức cộng đồng về tài chính xanh. Các cơ quan truyền thông, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nghiên cứu cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của tài chính xanh, giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của phát triển bền vững. Khi cộng đồng có nhận thức đúng đắn, họ sẽ ủng hộ và tham gia vào các hoạt động tài chính xanh như sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, đầu tư vào quỹ xanh hoặc lựa chọn các dịch vụ tài chính của các ngân hàng xanh.
Bảy là, ứng dụng công nghệ trong việc phát triển tài chính xanh. Fintech có thể giúp tạo ra các nền tảng kết nối nhà đầu tư với các dự án xanh, từ đó giúp minh bạch hóa thông tin tài chính, giảm chi phí giao dịch và tối ưu hóa quy trình đầu tư. Blockchain cũng có thể được áp dụng để theo dõi dòng tiền trong các dự án xanh, đảm bảo tính minh bạch và giảm nguy cơ gian lận. Các tổ chức tài chính nên tận dụng các công nghệ hiện đại này để nâng cao hiệu quả quản lý và mở rộng quy mô của tài chính xanh.
Nhìn chung, để tài chính xanh phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào nền kinh tế Việt Nam, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức tài chính và cộng đồng. Một hệ thống chính sách đồng bộ, kết hợp với sự tham gia tích cực của các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và công nghệ sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều nguồn vốn xanh hơn, thúc đẩy phát triển bền vững và hướng tới một nền kinh tế thân thiện với môi trường.
Theo: vista.gov.vn