Các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Northwestern đã thử nghiệm một phương pháp giảm cảm giác ngứa dữ dội vào ban đêm. Thiết bị này, được trang bị các cảm biến đeo được tích hợp AI với phản hồi rung, giảm đáng kể tình trạng gãi do ngứa về đêm ở những người lớn bị viêm da cơ địa nhẹ. Kết quả từ thử nghiệm nhỏ này cho thấy số lần và thời gian gãi do ngứa giảm xuống rõ rệt mà không gây ảnh hưởng đến tổng lượng thời gian ngủ.
Viêm da dị ứng là bệnh lý viêm da mãn tính, gây ngứa dữ dội, khiến người bệnh càng gãi càng ngứa, dẫn đến vùng da ngứa có thể bị tổn thương, đổi màu, dày lên. Tình trạng ngứa này có thể làm gián đoạn nghiêm trọng đến giấc ngủ, gây mệt mỏi và căng thẳng thêm cho những người bị ảnh hưởng. Triệu chứng của viêm da dị ứng ở mỗi người sẽ khác nhau nhưng phổ biến nhất là da khô, ngứa và đỏ.
Nghiên cứu trước đây đã xác nhận, thiết bị cảm biến đeo được, được tích hợp AI (cảm biến ADAM, Sibel Health) có khả năng phát hiện mức độ gãi do ngứa về đêm. Trong nghiên cứu hiện tại, các nhà nghiên cứu đã kết hợp với phản hồi rung do cảm biến kích hoạt để đánh giá tiềm năng của nó như một biện pháp can thiệp không dùng thuốc cho các bệnh nhân
Trong nghiên cứu “Artificial Intelligence–Enabled Wearable Devices and Nocturnal Scratching in Mild Atopic Dermatitis“, được công bố trên tạp chí JAMA Dermatology, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thử nghiệm theo nhóm, chia thành hai giai đoạn, một nhánh nghiên cứu thực hiện tại Khoa Da liễu của Đại học Northwestern.
10 người tham gia có độ tuổi từ 18 trở lên bị viêm da dị ứng nhẹ và có thói quen gãi do ngứa từ mức độ từ trung bình đến nặng. Mức độ nghiêm trọng của bệnh được đánh giá bằng công cụ đánh giá tên là Validated Investigator Global Assessment (vIGA) score.
Bộ phận cảm biến và phản hồi rung AI này mềm, linh hoạt, được làm bằng silicon y tế, không có dây và động cơ xúc giác, được gắn trên mu bàn tay, có khả năng cung cấp phản hồi rung 1,4G ở tốc độ 10.000 vòng/phút.
Những người tham gia nghiên cứu đeo cảm biến hỗ trợ phản hồi này ở mu bàn tay trong hai tuần. Tuần đầu tiên họ sẽ ghi chép lại các thói quen gãi ban đêm trong khi vô hiệu hóa cơ chế phản hồi rung.
Trong tuần thứ hai, cơ chế phản hồi rung được kích hoạt, đưa ra cảnh báo rung khi thấy bệnh nhân gãi ngứa. Số lần và thời lượng gãi ngứa được đo bằng thuật toán AI đã được xác thực. Thiết bị này thu thập dữ liệu theo dõi tổng cộng là 104 đêm và 831 giờ.
Phân tích thống kê đã chứng minh rằng, số lần gãi ngứa vào ban đêm của những người tham gia trung bình giảm 28% (từ 45,6 xuống 32,8) và thời gian gãi ngứa mỗi giờ giảm 50% (từ 15,8 giây xuống 7,9 giây). Không có thay đổi đáng kể nào đối với tổng số giờ ngủ.
Hầu hết những người tham gia đều báo cáo rằng thiết bị này dễ sử dụng và bày tỏ sự quan tâm đến các phương pháp giúp giảm thói quen gãi ngứa dữ dội này.
Thói quen gãi ngứa có thể xảy ra tự động và người bệnh có thể không nhận ra rằng họ đang làm điều đó trong vô thức. Phản hồi rung từ thiết bị có thể làm gián đoạn hành động vô thức này ở người bệnh. Cũng có khả năng, chính các sóng rung đã tạo ra một kích thích đối nghịch nhẹ, làm giảm cảm giác ngứa.
Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng , cần có thêm các nghiên cứu ngẫu nhiên trong tương lai với quy mô mẫu lớn hơn và cần theo dõi lâu hơn để đánh giá các tác động tiềm ẩn lên da và thói quen gãi ngứa vào ban ngày để từ đó xác nhận chính xác những kết quả này.
Theo: vista.gov.vn