Phi hành gia Amanda Nguyễn mang 169 hạt sen của Việt Nam bay vào không gian là khởi đầu mới trong nghiên cứu khoa học và thể hiện niềm tự hào dân tộc.
169 hạt sen mang thương hiệu Việt Nam bay vào không gian. Ảnh: PGS.TS Đặng Văn Đông.
Ý nghĩa khoa học và biểu tượng
“Về mặt khoa học, đây là lần đầu tiên một giống cây trồng bản địa của Việt Nam được nghiên cứu trong môi trường không gian. Thí nghiệm sẽ giúp hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của vi trọng lực và bức xạ lên sự nảy mầm, sinh trưởng, biến dị di truyền và hình thái thực vật. Từ đó mở ra cơ hội ứng dụng trong chọn giống chịu điều kiện khắc nghiệt, thậm chí là nông nghiệp không gian trong tương lai”, PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) – đơn vị cung cấp 169 hạt sen giống cho Trung tâm Vũ trụ Việt Nam để đưa vào không gian cho biết.
Chia sẻ về mặt biểu tượng, ông Đông cho rằng, việc đưa hạt sen (biểu trưng văn hóa Việt Nam) lên vũ trụ còn thể hiện khát vọng vươn tầm quốc tế của khoa học Việt Nam và là biểu hiện của kết nối trí tuệ Việt toàn cầu, đặc biệt khi người đưa hạt sen là Amanda Nguyễn – một người con gốc Việt sinh ra tại Mỹ.
Về con số 169, PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết, đó là kết quả của quá trình tuyển chọn kỹ lưỡng từ hàng nghìn hạt giống nhằm đảm bảo đủ mẫu đại diện cho các chỉ tiêu thống kê. Ngoài ra, 169 là số chính phương (13²), biểu trưng cho sự trọn vẹn, ổn định và chính xác, rất phù hợp với tinh thần khoa học. Ngoài ra, trong văn hóa phương Đông, ba con số kết hợp lại mang thông điệp tốt đẹp về một hành trình khởi đầu bền vững.
PGS.TS Đặng Văn Đông (bìa trái) giới thiệu về các giống sen mới tại mô hình du lịch đầm sen xã Ninh Thắng (huyện Hoa Lư, Ninh Bình). Ảnh: Lê Bền
Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học
Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, việc 169 hạt sen Việt Nam được mang lên vũ trụ còn là thông điệp mạnh mẽ về việc khoa học và công nghệ cần trở thành động lực then chốt cho phát triển đất nước, đúng như tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW đã xác định rõ: “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững”.
“Nghị quyết đã cởi trói cho các ý tưởng khoa học táo bạo, cho phép các nhà nghiên cứu dám nghĩ, dám làm những dự án đầy rủi ro nhưng chứa đựng khả năng đột phá cao. Qua đó, tạo tâm thế vững vàng để các nhà khoa học tập trung vào mục tiêu thử nghiệm và khai thác tối đa tiềm năng các giống cây trồng bản địa của Việt Nam”.
Tinh thần “mạo hiểm có tính chiến lược” được phát huy sẽ mở ra cơ hội hợp tác với các tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới như NASA, ESA, JAXA… Qua đó mang đến tầm vóc quốc tế cho khoa học nông nghiệp Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc thu thập dữ liệu về phản ứng của hạt sen đối với vi trọng lực, sự kiện còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ theo đuổi nghiên cứu và sáng tạo.
“Thông qua Nghị quyết 57, nền khoa học Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định khát vọng vươn tầm, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng, đặt nền móng cho những bước tiến xa hơn trong tương lai”, PGS.TS Đặng Văn Đông kỳ vọng.
Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn