Chủ nhiệm đề tài: PGS. TS. Nguyễn Tri Nguyên
Đồng chủ nhiệm: CN. Lê Trí Dũng
và các cộng sự
Cơ quan thực hiện: Ban Quản lý Di tích Đồng Nai
Mục tiêu của đề tài
Tìm kiếm giải pháp và cơ chế bảo tồn di sản văn hóa trong quy hoạch và xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn bảo tồn với việc phát huy giá trị di sản trong cộng đồng, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết cho người dân, coi đây là một tiêu chí cần được bổ sung nhằm triển khai nội dung Thứ tư: Bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn trong xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai đến năm 2025.
Kết quả nghiên cứu:
Khái niệm nông thôn mới là một khái niệm mới, vừa được đặt ra trong một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta trong chính sách xây dựng và phát triển nông thôn hiện nay. Nông thôn thôn mới phải là một sự tiến bộ theo hướng hiện đại hóa mà trước hết là có quy hoạch đi trước có sự chỉ đạo của Nhà nước. Tuy nhiên, Nông thôn mới chỉ mới đang ở giai đoạn khởi đầu xây dựng với 19 chỉ tiêu trong tư tưởng chỉ đạo chưa hiện rõ hình hài thực tế của nó. Về lô gich hình thức nông thôn mới dù mới đến đâu cũng vẫn phải nằm trong phạm trù là nông thôn mà chủ thể của nó là người nông dân. Nó không phải là một bộ phận nông thôn được đô thị hóa. Do đó, nông thôn mới nhất thiết phải được xây dựng trên nền tảng của nông thôn truyền thống. Do đó, phần một của đề tài là phần Xác lập cơ sở lí luận, quan điểm và phương pháp tiếp cận của đề tài, nhằm làm rõ các khái niệm chủ chốt của đề tài: di sản văn hóa, văn hóa truyền thống, nông thôn truyền thống, nông thôn mới, giải pháp và mô hình bảo tồn và phát huy di sản trong cuộc sống hiện nay. Vận dụng quan điểm của Nhân học văn hóa, Xã hội học văn hóa, khoa học quy hoạch kiến trúc trong xem xét bản chất, cấu trúc và hệ giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.
“Từ góc nhìn trên, có thể thấy quá trình xây dựng nông thôn mới thực chất là quá trình hiện đại hóa nông thôn, từng bước cải tạo, nâng cấp và xây dựng nông thôn hiện có theo mô hình mới với những tiêu chí mới, được cụ thể hóa thành 11 nội dung, từ quy hoạch đến phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội , sao cho đời sống của người dân ở nông thôn được ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong quá trình hiện đại hóa đó, nhất là trên bình diện văn hóa tinh thần, tất yếu phải giải quyết mối quan hệ giữa lạc hậu và tiến bộ, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và phát huy…, đòi hỏi phải có những khảo sát, những nghiên cứu công phu trên quan điểm khoa học. Chính vì vậy, bên cạnh tiếp cận từ góc độ chính sách, nông thôn mới cần được tiếp cận từ góc độ văn hóa học, xem xây dựng nông thôn mới trước hết phải là xây dựng một mô hình mới xét trong quan hệ với mô hình đô thị lẫn mô hình nông thôn cũ.
Nói đến văn hóa nông thôn là nói đến văn hóa làng. Muốn hiện đại hóa văn hóa nông thôn cần hiểu về văn hóa làng. Làng là đơn vị quan trọng trong xã hội nông nghiệp, là tế bào sống của văn hóa nông thôn. Hiện đại hóa văn hóa nông thôn không chỉ làm sống động những giá trị truyền thống văn hóa làng như tình làng nghĩa xóm, lễ hội làng, … mà còn cần hướng đến các giá trị văn hóa cộng đồng hiện đại như sự bình đẳng, tự do và hòa hợp. Cần chú trọng các giá trị con người và gia đình vì chính các gia đình, mỗi người dân ở nông thôn xây dựng nông thôn mới chứ không phải Đảng hay nhà nước và nông thôn mới cho người dân chứ không phải cho Đảng, cho nhà nước. Cần phải hiểu đúng và làm đúng phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” trong tiến trình hiện đại hóa văn hóa nông thôn nói chung, văn hóa làng nói riêng. Mặc dù bộ tiêu chí xây dựng thôn mới đã có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; tuy nhiên, đa phần các nhà xây dựng chính sách vẫn thiếu thông tin từ thực tiễn nên bộ tiêu chí vẫn còn nhiều khoảng cách từ ý chí đến thực tiễn, nhất là về lĩnh vực văn hóa. Các nhà hoạch định chính sách vẫn hiểu văn hóa một cách đơn giản, cơ học và vật chất đơn thuần. Họ quên nhiều yếu tố con người và thế giới tinh thần làng xã – linh hồn của văn hóa làng xã/nông thôn. Các nhà nghiên cứu đã nhiều lần lên tiếng nhưng nhà quản lý vẫn lờ đi. Họ vẫn đi hỏi ý kiến chuyên gia nhưng khi được góp ý thì lại cố làm như không nghe thấy, và tiếp tục làm theo ý chủ quan của họ. Tuy vậy, các ý kiến của nhà nghiên cứu cũng phần nào tác động đến quá trình xây dựng nông thôn mới theo nhiều con đường khác nhau, cần chú ý đến một số vấn đề quan trọng sau:
+ Bộ tiêu chí cần xem lại các vấn đề cốt lõi, bỏ bớt hình thức, bệnh thành tích của cán bộ quán lý, để người dân lên tiếng đóng góp cho sự phát triển của chính họ.
+ Tôn trọng quyền dân chủ của con người, không áp đảo, triệt tiêu quyền dân chủ bằng mọi hình thức. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra cũng chưa đủ, quan trọng nữa là dân phải được hưởng thụ thành quả, lợi ích.
+ Văn hóa là con người và là xã hội người. Hãy để người dân ở nông thôn quyết định xây dựng nền văn hóa của họ trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới mà không coi trọng con người là một điều thụt lùi so với văn hóa làng xã xưa của cha ông, không tôn trọng nhân quyền và dân quyền là không tiến kịp nông thôn văn minh của các nước phát triển. Nên nhớ rằng dân chủ làng xã là một giá trị nổi bật của văn hóa làng, của xã hội nông nghiệp – nông thôn Việt Nam đã có cách đây cả ngàn năm.
Nhìn từ thực tiễn quá trìnhđô thị hóa, công nghiệp hóa ởtỉnh Đồng Nai đang diễn ra rất mạnh mẽ, tốc độ nhanh, nhưng cũng rất phức tạp (có thể đã hình thành 3 vùng văn hóa khác nhau:
Vùng 1: Nông thôn – trong đô thị (ở nông thôn đô thị hóa gần 90% ví dụ thị xã Long Khánh,
Vùng 2: Nông thôn – bán đô thị,(đô thị hóa 50%, ví dụ Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành)
Vùng 3: Nông thôn – cận đô thị (đô thị hóa 30%, ví dụ Nhơn Trạch, Tân Phú, Vĩnh Cửu…).
Có thể nhận thấy, thực chất và sâu xa, nông thôn đang bị giải cấu trúc từ cấu trúc khép kín sang cấu trúc mở/ đa thành tố và kéo theo đó là di sản văn hóa trong nông thôn mới cũng đang bị giải cấu trúc từ tập trung sang phân tán đan xen. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu không bảo tồn được cấu trúc xã hội của nông thôn như ở Trảng Bom, Thống Nhất, Long Khánh, Long Thành thì cũng khó lòng bảo tồn được cái cái cấu trúc tinh thần và linh hồn của văn hóa nông thôn (có lẽ ở trong văn hóa phi vật thể chỉ có thể quan tâm bảo tồn văn hóa gia đình dòng họ- hiện đang là nội dung của việc xây dựng gia đình văn hóa).
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo của tỉnh Đồng Nai Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có những kết quả bước đầu khả quan. Tạo nền tảng vật chất quan trọng cho sự phát triển nông thôn ở Đồng Nai. Tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề đặt ra từ sự phát triển cần giải quyết:
– Quy hoạch trên giấy chưa hiện thực hóa đầy đủ và nghiêm chỉnh và chưa quản lý có hiệu quả về không gian chung nông thôn – đô thị, công nghiệp – nông nghiệp, về hạ tầng nông thôn nên đã dẫn đến không gian nông thôn đang bị phá vỡ tại nhiều nơi, mất đi tính truyền thống, bẳn sắc văn hóa, mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường gia tăng; truyền thống bị mai một. Là một trong những trung tâm kinh tế – văn hóa động lực ở Đông Nam Bộ Việt Nam, hiện nay các di sản văn hóa của tỉnh Đông Nai ở nông thôn đang chịu nhiều thách thức trong quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa.
– Mặt khác, trong quá trình biến đổi nông thôn một thời gian dài như thế, do trình độ quản lý quy hoạch chưa tốt, nhận thức không đầy đủ về di sản văn hoá… dẫn đến việc thu hẹp khuôn viên của các kiến trúc cổ, việc làm biến dạng thậm chí “giết chết” các không gian xanh, làm biến dạng kiến trúc các công trình cổ… mang lại cái lợi trước mắt nhưng đồng thời đã xóa bỏ linh hồn văn hoá của nông thôn hiện nay.
Thêm vào đó, hệ thống luật pháp, chính sách bảo tồn di sản văn hóa chưa được phổ biến rộng rãi. Việc tuân thủ luật pháp của người dân, của các nhà đầu tư chưa tốt do chỉ nhìn thấy lợi ích kinh tế trước mắt. Cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa chưa đủ năng lực và điều kiện thực thi chức trách. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa đồng bộ. Các chương trình kiểm kê đánh giá di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chưa được hệ thống hóa, lượng hóa và định hướng việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Như trên đã nói, Nông thôn thôn mới phải là một sự tiến bộ theo hướng hiện đại hóa mà trước hết là có quy hoạch đi trước. Tuy nhiên, theo quan sát và khảo sát trực tiếp yêu cầu này chỉ nêu ra như là hình thức đối phó mà hầu như không có địa phương nào nghiêm túc thực hiện. Do đó, trên diện rộng nông thôn mới chỉ được gia cố thêm về nguồn lực vật chất mà chưa chú ý đến mô hình nông thôn hiện đại cho nên hình thành một kiếu nông thôn bán đô thị- một nông thôn đô thị hóa nửa vời.
Bởi vì, thực chất, Quy hoạch kiến trúc ở nông thôn đang bị bỏ quên (hay ngoài tầm kiểm soát). Cảnh quan và không gian văn hoá làng quê đang bị phá vỡ, điều kiện môi trường ngày càng báo động, bức bối về giao thông… là những hệ luỵ có nguyên nhân từ quy hoạch xây dựng không ai lo, không ai chịu trách nhiệm trước tình hình trên. Chưa có Luật Xây dựng dành cho nông thôn. Hiện đang xẩy ra cuộc tấn công của đô thị hoá vào nông thôn hiện nay.
Check Also
Thiết kế, tổng hợp, nghiên cứu tính chất phát quang, khả năng xúc tác và hoạt tính chống ung thư của phức chất platin với một số phối tử carbene dị vòng nitơ
Trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn …