Ứng dụng AI và ảnh vệ tinh trong lập bản đồ hoạt động trên đại dương

Con người đang tận dụng tiềm năng lớn của đại dương để thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn cầu. Các ngành công nghiệp như ngư nghiệp, vận chuyển, và sản xuất năng lượng tái tạo đã tạo ra một nguồn thu nhập ổn định, đóng góp hơn 1,5 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế mỗi năm và tạo ra 31 triệu việc làm. Giá trị này đã tăng theo cấp số nhân trong 50 năm qua và dự kiến sẽ gấp đôi vào năm 2030.

Tuy nhiên, việc giám sát và minh bạch trong các hoạt động này trở nên vô cùng quan trọng để ngăn chặn suy thoái môi trường, khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản và biển cả, cũng như ngăn chặn các hành vi trái pháp luật như đánh bắt cá bất hợp pháp và buôn bán người. Đồng thời, thông tin minh bạch cũng sẽ giúp các quốc gia có khả năng quản lý tốt hơn những nguồn tài nguyên đại dương quan trọng.

Mặc dù đại dương rất rộng lớn, nhưng một nghiên cứu mới trên tạp chí Nature đã đề xuất một phương pháp mới kết hợp giữa ảnh vệ tinh, dữ liệu GPS của tàu, và trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp phát hiện các hoạt động công nghiệp của con người trên biển. Công trình này được tiến hành dưới sự hướng dẫn của các nhà nghiên cứu tại Global Fishing Watch, phối hợp cùng các nhà khoa học từ Đại học Duke, Đại học California Santa Barbara và SkyTruth.

Nhận thấy nhiều hoạt động diễn ra ngoài phạm vi giám sát công cộng, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một bản đồ và dữ liệu mới, nhằm cung cấp cái nhìn tổng thể và công khai nhất về việc khai thác đại dương. Đối với việc giám sát các hoạt động trên biển, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ sẵn có. Họ đã xây dựng nghiên cứu dựa trên dữ liệu vệ tinh, ảnh radar với dung lượng lên đến 2 triệu gigabyte từ năm 2017 đến 2021. Kết hợp với dữ liệu GPS từ các tàu và AI, họ đã nhận diện được các hoạt động của tàu đánh cá, tàu không đánh cá, và các cơ sở hạ tầng cố định.

Một số kết quả đáng chú ý của nghiên cứu là việc phát hiện ra rằng 75% tàu đánh cá không xuất hiện trên các hệ thống giám sát AIS công cộng, đặc biệt là ở khu vực châu Phi và Nam Á. Điều này đã làm thay đổi hiểu biết của các nhà nghiên cứu về quy mô, phạm vi và địa điểm của hoạt động đánh bắt cá. Ngoài ra, dữ liệu cũng đã xác định được khoảng 28.000 công trình ngoài khơi, chủ yếu là giàn khoan dầu và turbine gió. Trong đó, số lượng turbine gió trên toàn cầu tăng hơn gấp đôi, vượt qua cả số lượng công trình dầu mỏ, chủ yếu tập trung ở Bắc Âu và Trung Quốc.

Dữ liệu này đã được công bố công khai trên cổng dữ liệu của Global Fishing Watch và dự kiến sẽ giúp ích cho việc giám sát thực địa và các chính sách quản lý tài nguyên đại dương trong tương lai.

P.A.T (NASATI)

Về Phạm Minh Vương

Check Also

Đo mật độ xương bằng AI trong 30s

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đánh …