Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong bảo tồn động vật mang lại nhiều tiềm năng. AI có khả năng phân tích hình ảnh và dữ liệu từ camera để giám sát quần thể động vật hoang dã một cách hiệu quả và liên tục. Điều này giúp các nhà khoa học có cái nhìn rõ ràng hơn về sự phân bố và số lượng các loài động vật, từ đó đưa ra các biện pháp bảo tồn phù hợp.
AI có thể được đào tạo để phát hiện các rủi ro đe dọa đến các loài động vật, chẳng hạn như bẫy và săn bắn bất hợp pháp. Việc này giúp cảnh báo sớm và ngăn chặn các hành động gây tổn thương cho quần thể động vật hoang dã. AI có khả năng xử lý và phân tích dữ liệu lớn một cách nhanh chóng và hiệu quả. Điều này rất hữu ích khi cần phải đánh giá và so sánh dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau để hiểu rõ hơn về tình trạng bảo tồn của các loài động vật.
Bên cạnh đó, AI có thể được sử dụng để dự báo các thay đổi trong môi trường sống của các loài động vật và đánh giá tác động của các yếu tố như biến đổi khí hậu và mất môi trường sống; tăng cường quản lý và bảo vệ các loài động vật bằng cách cung cấp thông tin chính xác và kịp thời, từ việc định vị quần thể đến giám sát các hoạt động đe dọa và thiết lập các khu bảo tồn hiệu quả. Việc sử dụng công nghệ AI trong bảo tồn động vật cũng có thể tạo ra nhận thức trong cộng đồng về tình trạng của các loài động vật và sự cần thiết của việc bảo vệ chúng.
Ngày 2 tháng 4 năm 2024, trên tờ The Guardian, đã đưa tin về việc sử dụng AI để giúp tìm hiểu về tình trạng giảm số lượng quần thể nhím ở Anh. Đây là lần đầu tiên AI được áp dụng để nghiên cứu tổng số lượng nhím ở Anh và tìm hiểu lí do tại sao chúng đang giảm. Hình ảnh của các loài động vật có vú trải dài khắp nơi trên đất nước, từ các công viên đô thị, khu vườn riêng đến rừng cây và đất nông nghiệp, sẽ được camera ghi lại và sau đó qua AI được đào tạo để phân biệt động vật hoang dã và con người.
Bằng cách này, Chương trình Giám sát nhím quốc gia của Anh (NHMP) hy vọng sẽ đưa ra ước tính về quần thể nhím ở các môi trường sống khác nhau trên toàn Anh, từ đó nhận thấy sự biến đổi của chúng qua từng năm. Các tổ chức như Hiệp hội bảo tồn nhím Anh (BHPS) cho biết việc này sẽ cung cấp những hiểu biết quan trọng về các yếu tố gây giảm số lượng nhím và cho phép các nhà bảo tồn thực hiện các biện pháp cần thiết để đảo ngược tình hình này. Dự án này dự kiến kéo dài trong ba năm và được thực hiện với sự hợp tác của Đại Học Nottingham Trent, London HogWatch của ZSL, Đại Học Durham và MammalWeb.
Tiến Sĩ Henrietta Pringle, điều phối viên của NHMP tại PTES, chia sẻ: “Lần đầu tiên trong lịch sử bảo tồn nhím, chúng tôi sử dụng AI để mở ra những cơ hội mới, điều này cực kỳ thú vị. Chúng tôi biết loài nhím đang gặp khó khăn để tồn tại – đặc biệt là ở vùng nông thôn – nhưng trước khi có thể áp dụng các biện pháp bảo tồn thiết thực, chúng tôi cần hiểu chúng đang ở đâu và tại sao chúng bị suy giảm“. Trước đây, việc nghiên cứu và giám sát nhím gặp nhiều khó khăn và hạn chế, nhưng bây giờ, nhờ vào công cụ AI, nó trở nên dễ dàng hơn.
Theo: vista.gov.vn