Nhờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nấm mối đen, anh Thái đã kiểm soát tốt bệnh hại, chỉ sau 1 năm gây dựng, trại nấm của anh đã có lợi nhuận cao.
Nấm mối đen có hương vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng, là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao và đang được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh chất lượng, sản phẩm còn được tiêu thụ ổn định quanh năm. Vì thế, trồng nấm mối đen trở thành mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, đặc biệt khi kết hợp với công nghệ cao.
Nấm mối đen là thực phẩm giàu dinh dưỡng và chế biến được nhiều món ăn ngon. Ảnh: Kim Anh.
Tuy vậy, để trồng và phát triển được loài nấm khó tính này không phải dễ dàng. Điều này được chứng minh qua hành trình khởi nghiệp của anh Nguyễn Hoàng Thái (29 tuổi, ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ).
Năm 2023, anh Thái bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu trồng thử nghiệm 300 phôi nấm mối đen đầu tiên. Là cử nhân tài chính ngân hàng nhưng xắn tay học làm nông đã khó, lựa chọn sản phẩm đầu tay là nấm mối đen khó khăn càng gấp bội.
Từ chỗ thiếu kinh nghiệm và trồng theo phương pháp truyền thống, lứa nấm mối đen đầu tiên của anh Thái bị thất bại hoàn toàn vì nấm nhiễm bệnh.
Sau bước đi đầu không suôn sẻ, anh tiếp tục tham gia các hội nhóm trồng nấm, mày mò tài liệu khoa học nước ngoài và đến tận các trang trại ở miền Tây để học hỏi kinh nghiệm thực tế.
Anh Nguyễn Hoàng Thái đầu tư hơn 250 triệu đồng lắp đặt hệ thống nhà trồng nấm mối đen khép kín bằng vật liệu panel, tích hợp cảm biến IoT. Ảnh: Kim Anh.
Qua thời gian, anh rút ra nấm mối đen không thể trồng hiệu quả theo cách làm truyền thống như nấm rơm hay nấm bào ngư.
“Trồng theo cách cũ rất tốn công, cần giám sát liên tục. Người trồng phải nhạy bén để kịp điều chỉnh môi trường. Nếu không kiểm soát tốt, nấm mối đen dễ nhiễm bệnh, biến dạng, giảm năng suất”, anh Thái chia sẻ.
Nhận ra hạn chế của phương pháp cũ, năm 2024, anh Thái quyết định “chơi lớn”, thuê đất tại trung tâm TP Cần Thơ xây dựng trại nấm công nghệ cao quy mô 50m2 để sản xuất hơn 7.000 phôi nấm mối đen.
Từ điện thoại di động, thanh niên này dễ dàng điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng đến quạt, máy lạnh, máy phun sương trong nhà trồng nấm. Nhờ vậy, môi trường trong nhà trồng nấm luôn được kiểm soát chính xác giúp nấm phát triển đồng đều, giảm sâu bệnh, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Năng suất nấm tăng từ 30 – 40% so với cách trồng truyền thống; tỷ lệ nấm kích thước lớn, hình dáng đẹp, màu sắc chuẩn đạt loại 1 trên 65%; tỷ lệ nhiễm bệnh giảm hơn 30% nhờ môi trường được giám sát và điều chỉnh liên tục 24/7.
Nhờ áp dụng phương thức thu hoạch cuốn chiếu, nguồn cung nấm mối đen được anh Thái duy trì đều đặn. Ảnh: Kim Anh.
Tiết lộ chi tiết về quy trình trồng nấm sạch, anh Thái cho biết phôi nấm sau khi nhập về được phủ xơ dừa, 20 – 25 ngày sau đó có thể thu hoạch dần và kéo dài liên tục 4 – 5 tháng.
Phôi nấm sau thu hoạch cũng được anh tặng lại cho người dân làm giá thể trồng nấm rơm hoặc ủ phân hữu cơ, tránh lãng phí.
Mỗi năm anh Thái trồng 2 vụ nấm mối đen, sản lượng đạt khoảng 1,75 tấn/vụ. Với giá bán dao động từ 250.000 – 300.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Nấm mối đen hiện được anh Thái phân phối đến các nhà hàng, chợ đầu mối, cửa hàng thực phẩm sạch và bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Chưa dừng ở đó, anh Thái đang xây dựng kế hoạch đưa sản phẩm vào siêu thị và hướng đến xuất khẩu. Thương hiệu Lunamus – nấm mối đen công nghệ cao do anh sáng lập hiện chưa đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì thế trong năm nay, anh dự định mở thêm hai trại nấm tại quận Ô Môn và Cái Răng (TP Cần Thơ).
Với thịt nấm dai giòn, hương thơm đặc trưng, nấm mối đen rất được ưa chuộng hiện nay. Ảnh: Kim Anh.
Trang trại nấm của anh Thái tạo việc làm cho 7 lao động địa phương với thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng/tháng, chủ yếu làm công đoạn thu hoạch và sơ chế nấm.
Đặc biệt, anh Thái không ngại chia sẻ quy trình, sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các bạn trẻ đam mê nông nghiệp. Hành trình kiến tạo giá trị bằng sự kết hợp giữa nông nghiệp truyền thống và công nghệ 4.0 là mong muốn mà anh đang ấp ủ.
Nguồn: Nongnghiepmoitruong.vn