Nghiên cứu mới được trình bày tại hội nghị EHRA 2025, thuộc Hiệp hội Tim mạch Châu Âu, cho thấy rung nhĩ (AFib) được chẩn đoán ở tuổi trung niên làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ lên 21% và nguy cơ sa sút trí tuệ khởi phát sớm (trước 65 tuổi) lên 36%.
Mối liên hệ này mạnh hơn ở người trẻ và không còn ý nghĩa thống kê ở nhóm trên 70 tuổi. Đây là nghiên cứu quy mô lớn nhất ở châu Âu đánh giá mối quan hệ giữa rung nhĩ và sa sút trí tuệ. Tiến sĩ Julián Rodriguez García tại Bệnh viện Đại học Bellvitge-Tây Ban Nha, cùng các đồng tác giả nhận định: “Mối liên hệ này rõ ràng hơn ở bệnh nhân dưới 70 tuổi, đặc biệt là ở nhóm sa sút trí tuệ khởi phát sớm”.
Rung nhĩ là tình trạng rối loạn nhịp tim phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 2–3% dân số, với tỷ lệ mắc tăng theo tuổi. Một số nghiên cứu trước đây đã gợi ý mối liên quan độc lập giữa rung nhĩ và sa sút trí tuệ, nhưng chưa có kết luận thống nhất.
Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ hệ thống nghiên cứu chăm sóc ban đầu tại Catalonia, bao gồm hơn 80% dân số khu vực. Nghiên cứu theo dõi 2.520.839 người từ năm 2007 đến 2021, trung bình 13 năm. Tại thời điểm ban đầu, 79.820 người (3,25%) có chẩn đoán rung nhĩ.
Phân tích dữ liệu cho thấy, rung nhĩ làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ lên 4% trong toàn bộ quần thể nghiên cứu. Tuy nhiên, khi phân tầng theo độ tuổi, nguy cơ này cao nhất ở nhóm 45–50 tuổi (gấp 3,3 lần so với người không bị rung nhĩ). Ở nhóm trên 70 tuổi, mối liên hệ này không còn ý nghĩa thống kê.
Cụ thể, rung nhĩ làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ ở nhóm dưới 70 tuổi lên 21% và nguy cơ sa sút trí tuệ khởi phát sớm lên 36%. Khi loại trừ các trường hợp từng bị đột quỵ, rung nhĩ vẫn làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ lên 6% ở toàn bộ nhóm nghiên cứu, 23% ở nhóm dưới 70 tuổi và 52% đối với sa sút trí tuệ khởi phát sớm.
Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể có nhiều cơ chế giải thích mối liên hệ này. Ở người trẻ, rung nhĩ có thể là yếu tố chính gây sa sút trí tuệ. Trong khi đó, ở người cao tuổi, các nguyên nhân khác như thoái hóa thần kinh do tuổi tác có thể làm giảm ảnh hưởng của rung nhĩ. Ngoài ra, các cơn đột quỵ thầm lặng, vi nhồi máu não, vi xuất huyết, rối loạn huyết động cũng có thể góp phần vào nguy cơ sa sút trí tuệ.
Các tác giả nghiên cứu kết luận: “Nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ đáng kể giữa rung nhĩ và sa sút trí tuệ ở người trẻ tuổi. Việc phát hiện sớm và quản lý tích cực rung nhĩ có thể giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ và thay đổi tiến trình bệnh”.
Theo: vista.gov.vn